Ít bàn thắng nhiều toan tính
Chỉ có tổng cộng 5 bàn thắng xuất hiện ở 4 trận tứ kết đã qua. Con số quá ít ỏi so với sự bùng nổ ở vòng bảng và vòng 1/8. Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, những bất ngờ kể từ đầu giải khiến chẳng mấy chiến lược gia nào dám xua quân lên chơi tất tay. Khi vinh quang càng đến gần cũng là lúc phải toan tính, thực dụng nhiều hơn. Một Hà Lan đang bay cao cũng chẳng thể 1 lần xuyên thủng cái “boongke” vững chãi của Costa Rica. Đức và Argentina cũng chỉ giành quyền vào bán kết với 1 bàn cách biệt.
Tuyển Đức giành quyền vào bán kết sau chiến thắng tối thiểu 1-0. |
Dấu ấn từ các nhà cầm quân
Trong một vòng đấu khô hạn bàn thắng, vai trò của những vị tướng càng trở nên cấp thiết. Những sự điều chỉnh nhân sự, chiến thuật góp phần quan trọng vào thành công của 4 đội bóng giành quyền vào chơi ở bán kết. Quyết định kéo Messi xuống thấp của Sabella đã mang đến nhiều ý tưởng tấn công hơn cho Argentina. Van Gaal cho thấy sự cáo già khi để Tim Krul vào sân thay người ở những phút cuối cùng hiệp phụ thứ hai, kết quả ra sao hẳn ai cũng rõ.
Trật tự đươc thiết lập
Bất ngờ là điều làm nên sự hấp dẫn của World Cup năm nay. Tuy nhiên đó là câu chuyện ở vòng bảng và phần nào là vòng 1/8 vừa qua. 4 trận tứ kết vừa qua, trật tự đã được thiết lập trở lại. Khi những đội bóng được đánh giá cao đều giành quyền đi tiếp. Đức, Argentina, Hà Lan, Brazil đều "giành pole" trước mỗi trận chiến, và cùng nhau về đích an toàn. Bốn cái tên ấy sẽ tạo nên những cuộc đấu không thể bỏ qua.
Một vòng bán kết kinh điển
Đức-Brazil, Argentina-Hà Lan, 2 cặp đấu này đều là những cuộc đối đầu “kinh điển” của bóng đá thế giới. Lịch sử, truyền thống, vinh quang, hận thù, tất cả đều hội tụ trong 2 cuộc đại chiến sắp tới. Giữa họ là quá nhiều những ân oán chất chồng từ quá khứ. Người Đức chưa quên nỗi đau mà Ronaldo đã gây ra cho họ trên đất châu Á 12 năm về trước. Người Hà Lan vẫn còn đầy uất hận khi nghĩ về giải đấu năm 1978, đó là lần thứ hai liên tiếp thứ bóng đá tổng lực làm say lòng người của họ “chết” trước ngưỡng cửa thiên đường.
Cuộc chiến châu Âu-Nam Mỹ
19 kỳ World Cup đã qua, cuộc chiến quyền lực chỉ là câu chuyện tay đôi giữa 2 nền bóng đá lớn đó. Và vòng chung kết lần thứ 20 này, kịch bản ấy lại tiếp tục tái diễn. 4 năm trước ở Nam Phi, một mình Uruguay lẻ loi đã chẳng thể ngăn cản người châu Âu "bình định" lục địa đen. Năm nay, Uruguay đã sớm chia tay giải đấu sau vòng 1/8, nhưng bù lại hai gã khổng lồ Nam Mỹ, Argentina cùng chủ nhà Brazil chắc chắn không dễ dàng để người châu Âu làm nên lịch sử.
Đức và Hà Lan năm thứ hai liên tiếp cùng nhau xuất hiện ở vòng 4 đội mạnh nhất . Với người Đức, đây đã lần thứ 4 liên tiếp họ vượt qua tứ kết, một kỷ lục nữa được cường quốc bóng đá này thiết lập. Số phận cũng khéo sắp đặt khi 2 đại diện xuất nhất của 2 châu lục sẽ lần lượt chạm trán nhau ở bán kết. Điều đó sẽ tạo nên nhiều giả thiết cho trận đấu cuối cùng: Đại chiến châu Âu (Đức-Hà Lan), siêu kinh điển Nam Mỹ( Argentina-Brazil), và châu Âu-Nam Mỹ. Thật khó có thể từ chối 1 vòng bán kết đầy hấp dẫn này
Liệu sẽ có siêu kinh điển ở Maracana?
Argentina, Đức, Hà Lan, Brazil, dù ai vào trận cuối cùng cũng đều xứng đáng. Chung kết giữa ai cũng đều hấp dẫn. Tuy nhiên, khi vòng chung kết được tổ chức ở Brazil, tất nhiên đa số người hâm mộ đều hy vọng đội chủ nhà sẽ giành quyền vào chơi trận cuối cùng. Đó cũng là mong ước của FIFA ở mỗi kỳ World Cup rằng nước chủ nhà đi càng xa càng tốt. Và nếu Brazil vào chung kết, đối thủ được người dân xứ Samba mong đợi nhất là kẻ thù truyền kiếp Argentina. Khỏi nói thì ai cũng rõ sự thù địch giữa 2 quốc gia láng giềng này. Những tranh cãi về Pele, Maradona, về 5 chức vô địch thế giới so với 2 chiếc... là 2 trong số muôn vàn đề tài dường như bất tận để người dân 2 quốc gia này lôi ra bêu rếu nhau. Rất nhiều cảm xúc sẽ xuất hiện nếu Argentina và Brazil hạ màn World Cup 2014.
Theo Zing