- HLV Scolari “phát điên” sau khi bị chỉ trích nặng nề
- Neymar - Rodriguez: Đại chiến các vì sao
- Brazil cần phong thái của "Ro béo" năm 2002
Brazil vượt qua vòng bảng ở vị trí thứ nhất, nhưng chỉ hơn đội xếp thứ hai Mexico hiệu số bàn thắng thua. Bảy điểm họ có được chỉ là kết quả của chiến thắng gây tranh cãi trước Croatia, trận hòa nhạt nhòa với Mexico và thắng lợi dễ dàng trước một Cameroon rệu rã.
Trong trận đấu ở vòng hai, Brazil chơi chật vật và bị Chile đẩy tới loạt sút luân lưu đầy may rủi. Giành vé vào tứ kết, nhưng nhiều cầu thủ áo vàng xanh đã khóc sau khi thoát hiểm phút chót. Lối chơi thiếu thuyết phục của Brazil khiến họ bị nghi ngờ về khả năng đánh bại Colombia tại tứ kết tối nay.
Brazil có thể vẫn sẽ đi tiếp vào bán kết và vô địch, đúng như dự đoán của giới chuyên môn và người hâm mộ trước giải. HLV Felipe Scolari tuyên bố trong buổi họp báo trước tứ kết: "Brazil đã chạm một tay vào Cup vô địch". Tuy nhiên dù thắng hay thua, Brazil - cường quốc bóng đá với năm lần vô địch World Cup - luôn được lượng người hâm mộ đông đảo khắp thế giới kỳ vọng hơn nhiều ở phong cách thi đấu, chứ không đơn thuần chỉ kết quả.
HLV Scolari thiên về tính thực dụng nhiều hơn |
Năm 2002, cũng chính Luiz Felipe Scolari dẫn dắt Brazil vô địch World Cup trên đất châu Á. Nhưng đội tuyển hồi đó vẫn nhận nhiều lời chỉ trích về lối chơi nhạt nhẽo, thiếu bản sắc truyền thống Brazil. Tới giờ, đội tuyển Brazil của World Cup 1982 vẫn được đông đảo người hâm mộ và giới chuyên môn nhắc tới với sự ngưỡng mộ, cho dù tập thể tài năng hồi đó đã phải dừng bước ở vòng hai. Tại World Cup ở Tây Ban Nha năm 1982, Brazil giành một loạt chiến thắng ấn tượng trước Liên Xô (2-1), Scotland (4-1), New Zealand (4-0), và Argentina (3-1), trước khi bị loại sau thất bại 2-3 trước Italy.
HLV nổi tiếng người Argentina, Angel Cappa, người từng theo dõi các trận đấu của Brazil tại World Cup 1982, hết lời ngợi khen đội bóng áo vàng xanh năm xưa: "Bóng đến chân các cầu thủ Brazil rồi như biến mất trước khi xuất hiện trở lại ở một phần sân khác. Họ triển khai bóng với tốc độ của những chú thỏ và chim bồ câu. Còn cầu thủ đối phương luôn phải lao đi tìm bóng. Tôi và nhiều cổ động viên khác thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ vì chỉ muốn thời gian ngừng lại, còn trận đấu của Brazil hồi đó kéo dài mãi mãi".
Cuối năm 2011, sau khi Barcelona đè bẹp Santos của Brazil ở chung kết giải vô địch thế giới dành cho các CLB, HLV Pep Guardiola cho biết đội bóng xứ Catalan đã chơi bóng đẹp mắt theo cách mà ông anh nói rằng Brazil từng chơi như vậy.
Nguyên nhân nào khiến Brazil thay đổi phong cách thi đấu?
Đội tuyển năm 1982 với dàn sao Socrates, Zico, Eder và Falcao... đã trình diễn thứ bóng đá tấn công làm say mê lòng người, nhưng rồi không thể vượt qua vòng hai sau thành tích thắng 4 và thua chỉ 1. Đó là một phần lý do buộc các đội tuyển Brazil tiếp sau phải điều chỉnh để hướng tới hiệu quả thi đấu. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều ngôi sao của Brazil sang châu Âu thi đấu cho các CLB, và vô tình "Âu hóa" đội tuyển quốc gia của họ. Nhưng đó không phải là hai nguyên nhân chính. Bóng đá Brazil thay đổi còn vì bị cuốn theo xu hướng phát triển chung của bóng đá thế giới.
Ngôi sao của Brazil tại World Cup 1950, Zizinho, đã cho xuất bản một cuốn hồi ký vào giữa những năm 1980. Trong đó, những dòng cuối cùng của ông đã mang tính cảnh báo: "Brazil giờ đây đã trao cho tiền vệ trung tâm, nhạc trưởng của đội bóng, một nhiệm vụ hoàn toàn khác xưa. Tiền vệ trung tâm là người có khả năng cầm bóng tới 70% tổng thời gian kiểm soát bóng của cả đội, nhưng giờ đây người chơi ở vị trí này chỉ tập trung vào phòng ngự, thay vì đóng vai trò kiến tạo các đợt tấn công".
Sự thay đổi này được coi là phản ứng đương nhiên trước việc các HLV ngày càng có nguy cơ mất việc vì những kết quả không như ý. Nỗi sợ thua trận dẫn đến quan điểm bóng đá an toàn là trên hết. Các trận đấu bóng đá ngày càng đòi hỏi thể lực nhiều hơn. Khi có nhiều mẫu cầu thủ hoạt động giống vận động viên điền kinh, các khoảng trống trên sân đấu sẽ ít đi. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối chơi dựa nhiều vào khả năng kiểm soát bóng. Vì thế các đội bóng ngày càng ưu tiên đấu pháp tận dụng các đợt phản công nhanh và những tình huống cố định.
Dorival Junior, HLV từng đào tạo Neymar ở Santos, cho rằng bóng đá Brazil ngày nay đã quên cách ban chuyền bóng ở khu trung tuyến, thiếu những pha đột phá nhanh ở hai cánh với sự tham gia của các hậu vệ. Sau khi Brazil thay đổi phong cách chơi bóng sau World Cup 1982, họ đã thêm hai lần đăng quang ngôi vô địch thế giới các năm 1994 và 2002, vào chung kết 1998. Nhưng khác xưa, Brazil ngày nay không còn tìm cách đánh bại đối phương bằng thế trận áp đảo, họ dựa nhiều vào việc tận dụng một số thời cơ tốt trong trận.
Ai sẽ giúp Brazil tạo ra những khoảnh khắc quyết định cục diện trận đấu tại World Cup 2014?
Tại World Cup 2002, Luiz Felipe Scolari thành công vì có trong tay các hảo thủ tấn công hàng đầu thế giới Ronaldo, Rivaldo và cả tài năng trẻ hồi đó là Ronaldinho. Còn ở vòng chung kết năm nay, HLV này không có nhiều lựa chọn. Neymar không được trọng dụng tại Barcelona mùa vừa xong, nhưng Brazil hiện tại vẫn phải xây dựng lối chơi phụ thuộc vào anh. Những cầu thủ còn lại chỉ giữ vai trò hỗ trợ. Không tới mức như Bồ Đào Nha lệ thuộc hoàn toàn vào Cristiano Ronaldo, nhưng Brazil tại World Cup 2014 cũng thuộc dạng đội bóng một ngôi sao.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Brazil có thể dễ dàng triệu tập một đội hình ít gây tranh cãi nhất. Trước đây Brazil từng nhiều lần được ví von là có thể cử hai đội tuyển mạnh cùng lúc tham gia một kỳ World Cup. Hàng công của Brazil giải này không còn chịu chỉ trích vì việc HLV quá ưu tiên ngôi sao này mà bỏ qua ngôi sao kia. Kaka không được triệu tập cũng dễ hiểu, bởi tại cấp CLB anh cũng được AC Milan cho ra đi tự do. Ronaldinho thì ngày càng xuống dốc trong màu áo Atletico Mineiro. Hai trung phong từng được đánh giá cao cách đây vài năm là Leandro Damiao và Alexandre Pato thì liên tiếp gặp chấn thương và mất phong độ.Lối chơi của Brazil chưa tạo được nhiều thiện cảm
Đội tuyển Brazil đã chơi thế nào tại World Cup 2014?
"Tuyển Brazil đã bỏ qua khu trung tuyến, bởi vì họ thiếu một nhạc trưởng thực thụ. Tiền vệ Luiz Gustavo di chuyển quá gần các trung vệ, còn tiền đạo Neymar lại chạy quá sát Fred và Oscar, trong khi Hulk bị đẩy ra biên. Fernandinho, hay bất kỳ ai được xếp đá ở vị trí như anh ấy trận gặp Chile, bị cô lập hoàn toàn, chỉ biết ngước lên trời nhìn bóng từ phía dưới vọt qua đầu mình", cựu danh thủ Tostao nhận xét sau trận đấu nghẹt thở với Chile ở vòng hai.
Andre Kfouri, một bình luận viên thể thao có tiếng của Brazil, chung quan điểm: "Khu vực trung tuyến phải có nhiệm vụ điều nhịp trận đấu, phân phối bóng, nhưng nó dường như không tồn tại ở đội tuyển Brazil. Đội tuyển như bị chia làm hai nhóm riêng biệt, nói những thứ tiếng khác nhau nhưng vẫn bị buộc phải giao tiếp với nhau mà không có người phiên dịch".
Ở Confederations Cup hồi năm ngoái, Brazil đã thi đấu gắn kết hơn và giành ngôi vô địch. Giải đó Oscar thi đấu ở tuyến giữa, còn Neymar dâng cao bên cánh trái. Còn tại World Cup 2014, Neymar được yêu cầu chơi trung lộ nhiều hơn, trong khi Oscar bị đẩy ra biên. Scolari bố trí như vậy với hy vọng Neymar sẽ có nhiều khoảng trống hơn để hoạt động.
Nhưng những pha bóng nguy hiểm nhất của Brazil chỉ xuất hiện khi bộ đôi này chạy gần nhau để có thể phối hợp, hoặc khi Neymar có thể ban chuyền bóng với tiền đạo cắm Fred. Brazil muốn vươn tới đỉnh cao tại World Cup lần này thì cần phải tìm lại được sự gắn kết tốt hơn giữa các tuyến và các vị trí.
HLV Scolari mới phải triệu tập khẩn cấp nữ chuyên gia tâm lý Regina Brandao vào tuyển Brazil chỉ hai ngày trước trận tứ kết. Nhưng giới chuyên môn nhận xét vui rằng bà có thể giúp các cầu thủ vượt qua sức ép tâm lý, chứ không thể vào sân thi đấu ở tuyến tiền vệ.
Theo Vnexpress