Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Vai trò cá nhân và tập thể tại World Cup 2014: Không còn đất cho cái tôi

Thứ Bảy 07/06/2014 08:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Những người Argentina mơ mộng hẳn vẫn nghĩ về cái thời mà Diego Maradona một mình kéo cả đội nhà lên đỉnh thế giới. Nhưng bóng đá thời nay đã khác rất nhiều so với 3 thập kỷ về trước…

Mới đây, tờ Guardian đã công bố danh sách 100 cầu thủ hay nhất lịch sử World Cup. Trong số này chỉ có 6 người có mặt ở Brazil mùa Hè này là Xavi (hạng 15), Cristiano Ronaldo (33), Gianluigi Buffon (44), Lionel Messi (51), Wesley Sneijder (84), và Philipp Lahm (95).
 

 

Tiki-taka hay Messi?

Với Barcelona, Messi đã là một huyền thoại, dù mới 26 tuổi. Nhưng với đội tuyển Argentina, anh vẫn đang bị coi là một phiên bản lỗi của Diego Maradona.  Với 37 bàn thắng, Messi đã vượt qua Maradona (34) để trở thành chân sút xuất sắc thứ nhì trong lịch sử Albiceleste. Tuy nhiên, chỉ có đúng 1 bàn trong số ấy được ghi ở World Cup, và gần như chẳng mang ý nghĩa gì đáng kể (ấn định chiến thắng 6-0 trước Serbia tại vòng bảng World Cup 2006).

Các nhà phân tích đã chỉ ra vấn đề này từ lâu, rằng sự khác biệt ở môi trường CLB và đội tuyển đã tạo ra hai bộ mặt trái ngược ấy. Khi Messi tàn phá mọi kỷ lục ghi bàn cùng Barca, nhiều người sẽ nghĩ rằng đội bóng này đang phụ thuộc quá lớn vào anh. Thật ra, Messi hưởng lợi rất nhiều từ tiki-taka, hay nói cách khác, đó chính là bệ phóng đưa anh lên đỉnh cao. Ở Barca, anh là người cụ thể hóa những lợi điểm mà lối chơi ấy mang lại, chứ không phải một thủ lĩnh dẫn dắt thế trận. Tại đội tuyển Argentina, ai cũng kỳ vọng anh sẽ trở thành Maradona mới, với những tình huống một mình tạo nên khác biệt.

Tiki-taka hay Messi? Đó là một cách ví von để nói về hai “trường phái” ở World Cup 2014 này: Tập thể (tiki-taka) hay cá nhân (Messi). Các đội bóng dựa vào lối chơi tập thể như Tây Ban Nha, Italy, Đức, đối đầu với các đội tuyển dựa vào ngôi sao như Argentina và Bồ Đào Nha. Ronaldo là trường hợp khá giống với Messi khi tập thể ở Real Madrid rõ ràng là chất lượng hơn so với Bồ Đào Nha. Dường như vai trò của các ngôi sao lớn đã trở nên mờ nhạt hơn so với quá khứ bởi bóng đá hiện đại bóp nghẹt những khoảng trống để họ có thể bộc lộ dấu ấn cá nhân.

Kỷ luật chiến thuật bóp nghẹt dấu ấn cá nhân

Kể từ World Cup 2002 đến giờ, chưa có đội bóng nào bước lên ngôi vô địch châu Âu và thế giới, nhờ sự tỏa sáng của một cá nhân cả. Hy Lạp 2004 là điển hình của một khối bê tông gắn kết mà không cần một cá nhân nào thực sự nổi trội. Italy lên đỉnh thế giới 2 năm sau đó nhờ một lối chơi kỷ luật, dù trước đó, bóng đá nước này rúng động vì nạn dàn xếp tỉ số Calciopoli . Xu hướng tập thể tiếp tục được thể hiện suốt nửa thập kỷ qua, với 3 chức vô địch liên tiếp của Tây Ban Nha, dù họ không có một cá nhân nào thật sự ở mức xuất chúng như Messi hay Ronaldo (EURO 2008, 2012, World Cup 2010).

Đội bóng duy nhất trong vòng 12 năm qua thành công với chỉ một đầu tàu cực kỳ xuất sắc là tuyển Pháp ở World Cup 2006, với phong độ rực sáng của Zinedine Zidane, nhưng đó cũng là một thành công không trọn vẹn khi họ gục ngã trên chấm luân lưu trước người Italy ở chung kết, và lần cuối cùng khoác chiếc áo màu Lam của Zidane đã trở thành một kỷ niệm đáng quên với cú húc đầu vào Marco Marterazzi.

4 năm trước, người Đức dự World Cup 2010 với một đội ngũ khá “bình dân”, gồm nhiều cầu thủ trẻ nhưng họ đã xây dựng được một hệ thống rất khoa học. Tấm huy chương đồng là một thành tích thực sự đáng khen với tập thể trẻ trung ấy. Trái lại, những ngôi sao như Ronaldo và Messi đều bất lực trong việc kéo cả đội đi lên. Bóng đá hiện đại tôn vinh những đường chuyền thông minh và những pha chạy chỗ hợp lý, và không còn chỗ cho những pha đại bác tầm xa hay rê rắt qua một nửa đội bóng.  

Cũng chính vì tiếp tục phát huy sức mạnh tập thể mà ở trong danh sách dự VCK World Cup 2014, Đức gọi đúng 1 trung phong là Miroslav Klose. Lão tướng 36 tuổi này không phải tiền đạo hay nhất, nhưng hiểu rõ hệ thống của tuyển Đức nhất, nhờ 131 lần khoác áo ĐTQG trong suốt 13 năm qua.

Tóm lại, xu hướng chung của bóng đá hiện đại là cá nhân phục vụ tập thể, chứ không phải cả một tập thể xoay quanh một cá nhân. Thậm chí, đó có thể là xu thế thống trị trong tương lai. 

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X