- ĐT Đức: Vinh quang dành cho người biết nhẫn nhục
- Mario Gotze: Vũ khí tuyệt mật của Loew
- ĐT Đức: Một chương mới bắt đầu
Bóng đá Đức thành biểu tượng
Trong phòng làm việc trên toàn cầu, các ông chủ sẽ liên tục hối thúc CEO "mang về cho tôi một cầu thủ Đức". Thời một thủ môn giỏi chỉ cần bắt bóng hay đã qua bởi Manuel Neuer vừa mở ra kỷ nguyên của "thủ môn quét", những người vừa giỏi chơi bằng tay, vừa biết lao ra khỏi vòng cấm. Khi tiki-taka đã băng hà, các huấn luyện viên có thể quên việc tới Tây Ban Nha "tầm sư học đạo".
Để bắt chước thứ bóng đá được Miroslav Klose cho là "đầy mỹ thuật" và "hiệu quả", LĐBĐ Anh (FA) sẽ giới thiệu một kế hoạch 5 năm, sử dụng ý tưởng của người Đức trên khắp đất nước. FA cũng sẽ sử dụng hình ảnh Angela Merkel, Joachim Loew, Thomas Mueller hay Sami Khedira ăn mừng ở tượng Chúa cứu thế trên các máy tính tại công viên St. George hay sân vận động Wembley.
HLV Loew sẽ được các đại gia tại Champions League theo đuổi. Còn các chính trị gia người Anh sẽ bắt đầu tìm hiểu xem những triết lý đằng sau sự phục hưng của nền kinh tế và bóng đá Đức có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không. Sau nhiều năm theo đuổi, đôi lúc có sợ hãi, cuối cùng cuộc cách mạng bóng đá của người Đức cũng được công nhận.
Thực ra, chưa cần vô địch, tuyển Đức đã được ca ngợi hết lời sau chiến thắng 7-1 trước Brazil. Juninho đánh giá rằng Đức thi đấu đẹp như người Brazil thời còn "jogo bonito" (bóng đá đẹp), được xem Đức chơi bóng là "một niềm hạnh phúc". Điều này trái ngược hẳn với cảnh trước đây, Brian Laudrup chế giễu lối đá của người Đức là "như làm việc", tức không có cảm hứng, thiếu sáng tạo và chẳng ai xem.
Thành công mới bắt đầu
Năm 2000, Đức là một con bệnh ở châu Âu. Kinh tế suy thoái, bóng đá cũng khủng hoảng, không thắng nổi một trận nào ở EURO 2000. Nhưng chỉ sau 14 năm, kinh tế Đức đã hồi phục, còn bóng đá Đức trở thành hình mẫu của thời toàn cầu hóa: nhanh, kỹ thuật, đa sắc tộc. Từ năm 2006 tới nay, Đức ít nhất đều lọt vào bán kết.
Trong cuộc cách mạng ấy, không chỉ lối chơi mà cả cách làm bóng đá cũng thay đổi. Bóng đá của Đức không phải là công cụ hút tiền của người dân như tại Anh, mà biết phục vụ cộng đồng, biết hướng tới những mục tiêu dài hạn. Bundesliga tuy chưa phải là giải hấp dẫn nhất hành tinh, nhưng đã trở thành hình mẫu lý tưởng của mọi giải đấu.
Người hâm mộ được quyền kiểm soát các đội bóng, lợi nhuận từ truyền hình được chia công bằng, giá vé rất thấp lại kèm vé sử dụng phương tiện công cộng miễn phí. Các ông chủ ngoại bị hạn chế bởi luật 50+1 (không ai được sở hữu quá 49% cổ phần đội bóng). Các lò đào tạo trẻ đẳng cấp mọc ra khắp nơi với cơ sở vật chất, đội ngũ huấn luyện đẳng cấp kèm theo việc giáo dục văn hóa chất lượng.
Nhờ cuộc cách mạng này, số cầu thủ "cây nhà lá vườn" của Bundesliga cao gấp đôi tại Premier League, nơi tràn ngập các ông chủ ngoại thích mua sao ngoại quốc. Dư thừa cầu thủ giỏi nên giá một ngôi sao đã thành danh của Đức cũng chỉ bằng một cầu thủ mới nổi người Anh. Cũng không thể quên nhắc lại rằng người Đức đào tạo được số HLV chuyên nghiệp gấp 10 lần người Anh.
Hãng phần mềm SAP của Đức còn chỉ ra rằng bóng đá và nền kinh tế quốc gia có quan hệ mật thiết, tức tuyển Đức của ông Loew, vốn sử dụng không ít thành tựu khoa học kỹ thuật, sẽ còn tiến xa. Ngay trước trận chung kết, ông Loew cũng đã mạnh miệng nói rằng tuyển Đức sẽ còn thống trị làng túc cầu nhiều năm nữa.
Theo Thể Thao Văn Hoá