Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Từ Champions League đến World Cup: Sẽ có những cuộc đổi vai?

Chủ Nhật 18/05/2014 20:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Môi trường bóng đá của CLB và ĐTQG là hai môi trường khác hẳn nhau. Thế nên, hãy khoan nhìn vào mùa bóng 2013/14 để nhận định về trận đánh lớn sắp tới tại World Cup 2014.

THẮNG ĐẤY, RỒI LẠI THUA ĐẤY!

Dù cuối cùng có vô địch hay không, Atletico Madrid và Liverpool cũng đã có một mùa bóng thành công ngoài mong đợi ở La Liga và Premier League. AS Roma tại Serie A cũng vậy. Bayern Munich và PSG thì khẳng định lần nữa sự thống trị của họ trên các trận địa Bundesliga, Ligue 1.

Trên trận địa 2 cúp châu Âu, thắng thế thuộc về bán đảo Iberia, đặc biệt là TBN. Nước này chiếm đến 5 suất dự vòng bán kết ở 2 cúp, có trận chung kết “nội bộ Madrid” Real - Atletico ở Champions League và có Sevilla gặp Benfica ở trận chung kết Europa League.

Messi đang rất khát khao vô địch World Cup
Messi liệu có thể bỏ qua 1 mùa giải không thực sự thành công tại Barca để tỏa sáng trong màu áo ĐT Argentina?

Sơ bộ về mùa bóng 2013/14 trên sân cỏ châu Âu đại khái là như vậy, với Cristiano Ronaldo, Luis Suarez, Diego Costa, Philipp Lahm... tỏa sáng trong khía cạnh cá nhân. Vấn đề đặt ra: có thể dựa vào đấu trường CLB để nhận định về trận địa World Cup sắp tới?

World Cup 2010 cho thấy: TBN lần đầu đăng quang một cách thuyết phục, dù các đại diện nước này “rụng như sung” ở trận địa Champions League. Barcelona là đại diện duy nhất của La Liga vào đến tứ kết Champions League năm ấy. Và, trong tư cách ĐKVĐ, một Barcelona đang ở tuyệt đỉnh phong độ đã bị Inter Milan hạ bệ ở vòng bán kết. Ngược lại, Inter của HLV Jose Mourinho thành công rực rỡ với “cú ăn ba” trong mùa bóng 2009/10, nhưng Wesley Sneijder là cầu thủ duy nhất của Inter chơi thành công tại World Cup 2010.

Nhìn chung trong các giải đấu gần đây ở cả hai đấu trường lớn (World Cup và EURO), có rất ít ngôi sao thành công trong cả hai màu áo CLB và ĐTQG. Người ta vẫn nói về sự thống trị của lối chơi Tiqui-Taca suốt nửa thập kỷ. Một phần nguyên nhân là do các ngôi sao như Xavi, Iniesta, Busquets, Puyols... đều đồng loạt đạt đến đỉnh cao phong độ, nghĩa là họ có một sự đồng bộ về nhiều mặt: tài năng chín muồi, phong độ xuất sắc, phối hợp ăn ý...

Suốt 5 năm liền (2008-2012), thế hệ này luôn chiếm lĩnh các danh hiệu cao quý nhất trong làng bóng chuyên nghiệp. Nhưng cần lưu ý: họ chưa bao giờ đăng quang cùng lúc ở 2 cấp độ khác nhau: hễ vô địch EURO hoặc World Cup trong màu áo ĐTQG thì không vô địch Champions League trong màu áo CLB (hoặc ngược lại).

HAI LOẠI HÌNH BÓNG ĐÁ KHÁC NHAU

Tại World Cup 2006, các ngôi sao Juventus, Inter và AC Milan bất ngờ lên ngôi vô địch trong hàng ngũ Azzurri. Nhưng trước đó, họ đã đồng loạt thất bại ở Champions League, thậm chí còn bị cho là “chấn thương tinh thần” vì scandal Calciopoli làm rúng động làng bóng Italia tầm CLB. Tất cả cho thấy một điều: sự thành, bại ở đấu trường World Cup thường không liên quan gì đến sự thành, bại ở đấu trường CLB trong mùa bóng ngay trước đó.

Giới chuyên môn lý giải: bóng đá ở tầm ĐTQG và bóng đá tầm CLB là hai loại hình bóng đá khác hẳn nhau về tính chất, môi trường, đặc điểm. Hệ quả là trong không ít trường hợp, ngay cả một ngôi sao cụ thể cũng trở nên khác hẳn nhau giữa hai màu áo CLB và ĐTQG.

Từng có một dạo, HLV Laurent Blanc của đội tuyển Pháp và HLV Jose Mourinho của Real Madrid phải hợp tác chặt chẽ với nhau để giúp ngôi sao Karim Benzema chơi tốt trong cả hai màu áo. Nhưng không phải bao giờ mọi chuyện cũng đều tốt đẹp như vậy. Giới chuyên môn của CLB Bayern Munich và đội tuyển Hà Lan từng tranh cãi gay gắt đến mức suýt lôi nhau ra tòa vì bất đồng quan điểm trong việc huấn luyện và sử dụng ngôi sao Arjen Robben.

Một mặt, hãy khoan kết luận về một kỳ World Cup rực rỡ cho Suarez và các cầu thủ Liverpool, Ronaldo và các cầu thủ Real, hoặc Diego Costa và các cầu thủ Atletico. Mặt khác, những ai hâm mộ Lionel Messi, Wayne Rooney hoặc Robin van Persie vẫn có quyền chờ đợi một sự gượng dậy, sau khi các ngôi sao ấy tỏ ra mờ nhạt ngay trong mùa bóng trước thềm World Cup.

Đấy là vì lẽ đơn giản: World Cup 2014 gần như chẳng liên quan gì đến thất bại của M.U, Inter, AC Milan hoặc Barcelona trong mùa bóng này. Khó đoán, thế mới thú vị. Không khéo sẽ có những cuộc đổi vai bất ngờ tại sân khấu World Cup!

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X