Hồi chuông gọi hồn tiki-taka trước đó đã vang vọng khi Barca trắng tay trong mùa giải qua, cùng với việc Bayern Munich của Pep Guardiola đại bại trước Real Madrid tại vòng bán kết Champions League. Nhưng tiki-taka chưa chết. Nó vẫn được thực thi ở World Cup bởi tuyển Ý. Chính đội bóng của HLV Cesare Prandelli đã từng bị hủy diệt bởi tiki-taka của Tây Ban Nha khi họ thua 0-4 trong trận chung kết Euro 2012.
Italia (áo xanh) đã thôi miên các cầu thủ Anh bằng những đường chuyền |
Dưới cái nóng hơn 30 độ C và độ ẩm gần 90% ở giữa Amazon, tuyển Ý đã thôi miên các cầu thủ Anh bằng những đường chuyền. Họ hoàn thành 554 đường chuyền, nhiều nhất giải trong một trận đấu tính đến thời điểm này.
Với tỷ lệ 93,2% đường chuyền thành công trong trận này, tuyển Ý đã thiết lập kỷ lục mới kể từ khi hãng chuyên thu thập số liệu bóng đá Opta vận hành từ năm 1966. Kỷ lục cũ thuộc về Đan Mạch khi họ chuyền thành công 92,7% trong trận đánh bại Uruguay 6-1 tại vòng bảng World Cup 1986.
Không ngạc nhiên khi bậc thầy về chuyền bóng Andrea Pirlo dẫn đầu danh sách. Anh chuyền bóng 108 lần, trong đó chỉ có 5 lần sai địa chỉ. Daniele De Rossi chuyền thành công 99 lần. Marco Verratti chuyền thành công 59/61 lần trong 57 phút anh có mặt trên sân. Người thay Verratti là Thiago Motta trong 33 phút thực hiện 26 đường chuyền đều trúng đích. Cầu thủ Anh có số đường chuyền đến đúng địa chỉ nhiều nhất là thủ quân Steven Gerrard với con số 62.
Các tiền vệ Ý không học ở trường lớp tiki-taka nào, họ làm điều đó được bởi họ là những cầu thủ giàu kỹ thuật và kỷ luật. Và cách họ áp dụng tiki-taka có vẻ như là “miễn cưỡng”. “HLV Prandelli tìm ra lối chơi này để thích nghi với cá tính của chúng tôi”, De Rossi nói, “Chúng tôi không có những cầu thủ có thể chạy 40-50 mét mà không chạm bóng”.
Cách tốt nhất để đối thủ không có bóng là giữ bóng thật nhiều, đó cũng là cách phòng ngự tốt nhất, và đó cũng là một trong những đặc trưng tiki-taka của người Tây Ban Nha. Mặt khác, dưới thời tiết nóng ẩm, lối chơi này cũng là cách tốt nhất để giữ sức.
Dù vậy, thống kê vẫn cho thấy, dù tuyển Anh đuổi theo trái bóng nhưng cả tuyển Ý vẫn chạy nhiều hơn tuyển Anh 3 km. Song chạy nhiều hơn không có nghĩa là mệt hơn. Chạy ở tư thế chủ động, tốc độ thấp và đều như tuyển Ý đỡ mệt hơn. Chạy mà phải tăng tốc và đổi hướng liên tục như tuyển Anh mệt hơn. Đó là lý do một số cầu thủ Anh bị vọp bẻ khi họ cố gắng tìm bàn gỡ vào cuối trận.
Sự “miễn cưỡng” kể trên cho thấy tuyển Ý không phụ thuộc vào lối chơi này nhiều. Gặp một đối thủ khác, ở một thời tiết khác, họ vẫn có thể thực thi lối chơi khác. Họ biết cách phòng thủ chắc hơn Tây Ban Nha để bảo toàn tỉ số. Họ biết cách tăng tốc, tạo sự đột biến hơn là chỉ dựa mỗi vào cách chuyền bóng cho đến tận khung thành đối thủ như Tây Ban Nha.
Bằng thứ bóng đá mang nhãn hiệu “tikitalia” này, Prandelli đã thay đổi kiểu cách chơi bóng đã được mặc định của tuyển Ý trong nhiều năm qua: tiêu cực, phòng thủ phản công và chủ nghĩa cơ hội. Ý cùng với Hà Lan và Đức là ba đội gây ấn tượng đẹp nhất về lối chơi tại World Cup 2014 tính đến thời điểm này.
Theo Thanh Niên