Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Những sứ mệnh thiêng liêng

Thứ Sáu 27/06/2014 14:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Một đội tuyển bóng đá đôi khi không chỉ có nhiệm vụ với trái bóng, mà còn mang trên mình những nghĩa vụ rất quan trọng về chính trị, xã hội. World Cup 2014 có hơn một đội tuyển như thế.

Hòa giải dân tộc

Thụy Sỹ là đội tuyển có số lượng cầu thủ sinh ra trong các gia đình nhập cư lớn nhất tại World Cup lần này. 15 trong tổng số 23 cầu thủ Thụy Sỹ dự giải có cha mẹ hoặc ông bà không sinh ra tại "xứ sở đồng hồ". Và họ bỗng nhiên là tâm điểm của cuộc tranh cãi về quy hoạch xã hội. Hồi tháng 2, Thụy Sỹ bỏ phiếu thông qua một đạo luật về “quota” dành cho người nhập cư, do phe cánh hữu chủ trương. Chiến thắng của những người ủng hộ “hạn chế nhập cư” được tạo ra bởi sự chênh lệch chưa đến 20.000 lá phiếu trong tổng số gần 3 triệu cử tri đi bỏ phiếu, nên vẫn gây tranh cãi.

Đội tuyển Thụy Sỹ với nhiều cầu thủ có gốc là người nhập cư đã thi đấu xuất sắc.
Đội tuyển Thụy Sỹ với nhiều cầu thủ có gốc là người nhập cư đã thi đấu xuất sắc.

Đội tuyển Thụy Sỹ trở thành chỗ dựa cho phần còn lại của đất nước, những người tin tưởng vào một xã hội của sự hòa hợp sắc tộc, không phân biệt nguồn gốc. Cần biết rằng, hiện tại có tới 23% dân số Thụy Sỹ là những người có ông bà, cha mẹ là người ngoại quốc. Hoặc nói cách khác, họ trở thành biểu tượng cho sự hòa hợp trong bối cảnh “đất nước Thụy Sỹ bị chia đôi về vấn đề người nhập cư” (phân tích của báo The Guardian, Anh).

Đêm qua, khi tiền vệ Xhedan Shaqiri lập cú hattrick vào lưới Honduras đưa Thụy Sỹ vượt qua vòng bảng, đó là một thắng lợi của những người nhập cư. Ngôi sao của Bayern Munich này sinh ra tại Albania, như khá nhiều đồng đội của anh.

Những cầu thủ nhập cư trong đội tuyển Thụy Sỹ cũng ý thức được trách nhiệm của họ. Gohan Inler - tiền vệ sáng tạo số 1 của nền bóng đá này - sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ - tuyên bố: “Chúng tôi đều là người Thụy Sỹ và cảm thấy hạnh phúc khi được chơi cho đội tuyển Thụy Sỹ. Sự tôn trọng lẫn nhau là rất quan trọng”. HLV trưởng Ottmar Hitzfeld, dù là người ngoài cuộc (ông là người Đức), cũng đứng về phe những người nhập cư khi tuyên bố rằng: “Nếu không có người nhập cư, Thụy Sỹ sẽ không thể dự World Cup”.

Xoa dịu nỗi đau

Loạt đấu cuối của vòng bảng cũng ghi nhận chiến thắng ngoài sân cỏ của đội tuyển Nigeria. Họ thua Argentina, nhưng vẫn giành vé lọt vào vòng 1/16 một cách đáng tự hào. Đất nước Nigeria đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn: Kể từ ngày World Cup 2014 khai mạc, họ đã liên tục phải hứng chịu các vụ khủng bố từ nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Tổ chức này đã rắp tâm chọn World Cup, khi người dân Nigeria đang sống trong bầu không khí lễ hội, để thực hiện các cuộc khủng bố dã man. Liên tiếp trong nhiều ngày, chúng đánh bom vào những buổi xem World Cup tập thể, tấn công làng mạc, trường học, giết hàng chục người và bắt cóc đi hàng chục trẻ em. Đất nước Nigeria sống trong cảnh tang tóc.

Bản thân các cầu thủ Nigeria đứng trước những sự kiện ấy cũng thú nhận rằng họ đã suy sụp. Ngay trong ngày khai mạc World Cup, một vụ đánh bom đã cướp đi sinh mạng của 12 người tại miền Đông Bắc đất nước. Nhưng rồi Joshep Yobo và các đồng đội vẫn phải tự tìm cách vực mình dậy, vì họ biết rằng mang trên mình không chỉ là trách nhiệm thể thao, mà còn là xoa dịu nỗi đau của nhân dân, hay “đặt một nụ cười lên môi mỗi con người Nigeria” như cách nói của HLV trưởng Stephen Keshi.

Ngoài ra, cũng không thể quên đi một cái tên đã rất quen thuộc trong mùa World Cup này: Đội tuyển nước chủ nhà Brazil, những người có trách nhiệm chứng minh rằng việc đăng cai giải đấu trị giá 17 tỉ USD này không hoàn toàn vô nghĩa với người dân Brazil.

Theo Lao Động

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X