Cuối hiệp Một, tiền vệ công của Dortmund đã phải rời sân sau pha va chạm mạnh với đối phương. Sau khi kiểm tra y tế, huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew đã buộc phải loại Reus khỏi kế hoạch, đồng thời gọi bổ sung trung vệ Shkodran Mustafi (Sampdoria).
Không còn “Viên đạn bạc”
Trong 2 năm qua, Reus đã khẳng định mình là một trong những ngôi sao có tầm ảnh hưởng mạnh nhất tại “Die Mannschaft”. Reus có tốc độ ấn tượng, khả năng xử lý bóng đơn giản nhưng hiệu quả, cực kỳ phù hợp với lối chơi khoa học của HLV Loew. Trong trận giao hữu với Cameroon hồi tuần trước, Reus thường xuyên đặt hàng thủ đối phương vào thế báo động với những pha phá bẫy việt vị rồi tăng tốc chớp nhoáng.
Reus còn có một điểm mạnh khác là khả năng dứt điểm ngày một ấn tượng. Mùa vừa qua, dù chỉ thi đấu 2.217 phút (khoảng 24 trận), Reus vẫn kịp ghi 16 bàn cho Dortmund tại Bundesliga. Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2014, dù chỉ thi đấu 470 phút (chỉ hơn 5 trận) nhưng Reus cũng kịp ghi tới 5 bàn và có 3 pha kiến tạo, thành tích tốt thứ 2 tại tuyển Đức, chỉ sau Mesut Oezil. Nếu tính về hiệu suất, Reus thậm chí còn nhỉnh hơn Oezil: cứ mỗi 58,75 phút, Reus đã có dấu giày trong một bàn thắng còn con số này của Oezil “chỉ” là 68,6 phút.
Thêm vào đó, Oezil thường cần nhiều cảm hứng, lại hay sa sút trong các trận cầu “đinh” còn Reus có bản lĩnh khá vững vàng. Như ở trận tứ kết lượt về Champions League mùa này, Reus đã lập cú đúp, giúp Dortmund đang khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng đánh bại Real Madrid 2-0. Một cá tính mạnh mẽ, luôn khát khao chiến đấu như Reus chính là miếng ghép ông Loew rất cần, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn.
Chưa phải là dấu chấm hết
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Reus không thể là dấu chấm hết cho giấc mơ vô địch của “Die Mannschaft”. Từ nhiều năm qua, ông Loew đã xây dựng một lối chơi dựa trên sức mạnh tập thể, không ai thuộc diện không thể đụng đến. Vắng Reus, ông Loew vẫn còn ít nhất 3 lựa chọn thay thế bên cánh trái là Mario Goetze, Lukas Podolski và Julian Draxler. Những cầu thủ nói trên tuy chưa đạt tới đẳng cấp của Reus nhưng cũng sở hữu những ưu điểm riêng. Chẳng hạn, Podolski hỗ trợ phòng ngự và sút xa rất tốt trong khi Goetze có kỹ thuật siêu việt, rất hữu dụng trước các hàng phòng ngự dày đặc.
Nói ngắn gọn, người Đức đang có dư thừa các ngôi sao và sự vắng mặt một vài cá nhân không thể ảnh hưởng tới “đại cục”. Trong các giải đấu gần đây, Đức thất bại chủ yếu do nguyên nhân chiến thuật hơn là thiếu hụt nhân sự. Như tại EURO 2012, cựu danh thủ Oliver Kahn từng chỉ trích ông Loew chọn chiến thuật sai lầm (tập trung quá nhiều vào đối thủ) và không có các phương án B khi bị bắt bài. Ở trường hợp của Reus, ông Loew, về lý thuyết, từ lâu đã phải có phương án thay thế cầu thủ này và giờ chỉ là lúc mang ra áp dụng trong thực tế.
Trước thềm World Cup 2010, tuyển Đức đã mất 2 trụ cột quan trọng là thủ môn Rene Adler và tiền vệ Michael Ballack. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy, ông Loew mới kiểm chứng được tài năng và bản lĩnh của Manuel Neuer, Bastian Schweinsteiger và Sami Khedira. Việc vắng Reus ở Brazil, xét từ góc độ tích cực, cũng là cơ hội để ông Loew thử tài của Goetze, một tài năng đã tỏa sáng ở cấp độ câu lạc bộ nhưng vẫn chưa thực sự ghi dấu ấn tại đội tuyển Quốc gia.
* The show must go on: một bài hát của ban nhạc Queen, tạm dịch là “Buổi diễn phải tiếp tục”.
Theo TTVH