Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Lượm lặt World Cup 2014 từ A đến Z

Thứ Ba 15/07/2014 15:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Vậy là, VCK World Cup thứ 20 trong lịch sử đã chính thức khép lại sau 1 tháng tranh tài đầy sôi nổi, hào hứng, hấp dẫn, vô số bất ngờ với chức vô địch xứng đáng thuộc về ĐT Đức. Tất nhiên, ấn tượng và cảm xúc đọng lại nơi khán giả không chỉ gói gọn trong thời khắc vinh quang tột bậc của người Đức mà còn bao hàm rất nhiều câu chuyện khác đã xảy ra tại đất nước Brazil cuồng nhiệt, nóng bỏng. Hãy cùng nhìn lại World Cup qua những lát cắt dưới đây

A (Asia - Châu Á): Kể từ năm 1990 (UAE và Hàn Quốc tham dự, thua cả 3 trận vòng bảng), khu vực châu Á mới trải qua một kỳ World Cup tệ hại đến thế khi không đại diện nào của châu lục đem về một chiến thắng. Thậm chí Australia (gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á từ năm 2006 nhằm nâng tầm bóng đá quốc gia song rốt cục, chẳng phát triển hơn bao nhiêu) toàn thua còn Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran thì mỗi đội nỗ lực giành được 1 kết quả hoà an ủi. Tuy nhiên, cả 4 ĐT đều phải ra về với vị trí cuối bảng. Ai cũng biết rằng, kể từ đầu thế kỷ 21, bóng đá châu Á đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhiều cầu thủ từ châu lục này đang thi đấu tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu thế nhưng khi đến tham dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh thì châu Á vẫn thể hiện cho tất cả thấy trình độ phát triển non kém, cùng lắm chỉ hơn được ... châu Đại dương. Thất vọng nhất phải kể tới Nhật Bản và Hàn Quốc, hai lá cờ đầu của khu vực, được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu lực lượng hùng hậu không thua kém gì nhiều ĐT khác tham dự World Cup 2014 và được giới chuyên môn đánh giá cao song rốt cục, thành tích còn bị thụt lùi trầm trọng so với 4 năm trước (cả hai cùng lọt vào vòng 1/8). Trong đó, đội tuyển Hàn Quốc đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ người hâm mộ quê nhà khi trở về nước.


Đội tuyển Hàn Quốc bị các CĐV ném kẹo cà phê
Đội tuyển Hàn Quốc đã được các CĐV "chào đón"  khi trở về bằng cơn mưa ... kẹo

B (Bite - cắn): Chẳng còn nghi ngờ gì, hành vi cắn hậu vệ đối phương Chiellini của chàng tiền đạo "lắm tài nhiều tật" Luis Suarez trong trận Uruguay - Italia ở vòng bảng xứng đáng là scandal đình đám nhất giải đấu, thậm chí nổi bật nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Thực ra, việc Suarez thích xài võ "cẩu xực" trên sân không quá mới mẻ với người hâm mộ bởi ở mùa giải 2012-2013, Ivanovic của Chelsea từng là nạn nhân của Suarez trong trận đấu tại Premier League song tất cả vẫn phải ngỡ ngàng khi ngôi sao số 1 ĐT Uruguay lại ngang nhiên xử sự như vậy tại World Cup, như thể "cắn người" là sở thích và thói quen không thể từ bỏ. Hệ quả tất yếu: Suarez đã bị FIFA treo giò 9 trận ở cấp độ quốc tế và cấm tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá (bao gồm cả cấp CLB) trong 4 tháng. Song thật khó hiểu, tại Uruguay, Suarez vẫn được tôn lên vị thế người hùng, mặc cho nếu có sự phục vụ của anh ở trận đấu vòng 1/8 gặp Colombia thì chưa chắc Uruguay đã bị loại. Không những vậy, cách đây vài ngày, Suarez đã chính thức gia nhập Barca với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 75 triệu bảng. Rõ ràng, Blaugrana đã chơi môt canh bạc mạo hiểm bởi tới tháng 10, Suarez mới được ra sân thi đấu và đến lúc đó, Suarez còn chẳng được phép tham gia luyện tập cùng đồng đội mới. Quan trọng hơn, ai dám bảo trong tương lai, Suarez không cắn người.

C (Costa Rica): Đội tuyển đến từ khu vực CONCAFAF (Bắc Trung Mỹ và Caribbean) chắc chắn là bất ngờ lớn nhất World Cup chứ không phải Colombia. Costa Rica tham dự giải trong hoàn cảnh mất hai cầu thủ giỏi nhất vì chấn thương, lại đen đủi rơi vào bảng đấu có sự hiện diện của 3 đại gia từng VĐTG (Anh, Italia, Uruguay) và đội hình toàn những gương mặt tầm thường, thuộc diện "làng nhàng" trong làng túc cầu giáo (lưu ý, tổng giá trị toàn bộ đội hình của Costa Rica không bằng nổi một ngôi sao cỡ vừa của tuyển Anh hay TBN)  nên hoàn toàn dễ hiểu khi Costa Rica được xem là viên gạch lót đường tại bảng Tử thần. Song nào ai có thể ngờ, bằng tinh thần quả cám, chiến đấu hết mình, đấu pháp hơp lý, Costa Rica đã tạo ra hết cú sốc này đến cú sốc khác (thắng Uruguay, Italia và hoà Anh) để vượt qua vòng bảng với vị trí dẫn đầu trong sự thán phục, ngưỡng mộ của tất cả. Tại vòng 1/8, Costa Rica tiếp tục vượt qua Hy Lạp dày dạn kinh nghiệm trên chấm luân lưu 11m và chỉ chịu thua ông lớn Hà Lan ở tứ kết cũng sau loạt đấu súng may rủi, trong đó dấu ấn của Van Gaal là cực lớn với quyết định thay người lịch sử: đưa Tim Krul vào chỉ để bắt 11m.

D (Didier Deschamps): ĐT Pháp không được đặt nhiều kỳ vọng ở World Cup 2014 bởi đã phải rất vất vả vượt qua vòng loại rồi lực lượng bây giờ cũng không dồi dào, hùng hậu như các đội tuyển khác của châu Âu, lại còn mất đi ngôi sao lớn nhất Franck Ribery do chấn thương. Song nhờ tài dẫn dắt, lèo lái tài tình của Deschamps mà Les Bleus đã phần nào lấy lại được vị thế được tôn trọng trên sân khấu bóng đá thế giới. Họ vượt qua vòng bảng bằng những thắng lợi giòn giã trước Honduras, Thuỵ Sĩ (hoà Ecuador ở trận cuối) rồi đánh bại Nigeria khó chịu ở vòng 1/8 và chỉ chịu thua sát nút nhà vô địch Đức ở tứ kết. Giờ đây, với một tập thể vững mạnh, đoàn kết, tuổi đời khá trẻ trung, Pháp tràn trề hy vọng nghĩ đến kỳ Euro 2016 hoàn hảo diễn ra trên sân nhà. Cần lưu ý rằng, Paul Pogba, học trò cưng của Deschamps, đã được nhận giải "Cầu thủ trẻ hay nhất World Cup 2014".

E (England - Anh): Người Anh bao giờ chẳng ồn ào khi tham dự các giải lớn dù bao năm qua, thành tích họ đạt được là cực kỳ khiêm tốn, bất chấp sở hữu giải bóng đá Premier League số 1 hành tinh. Dù rơi vào bảng tử thần song mọi người vẫn kỳ vọng thầy trò Roy Hodgson ít ra cũng phải để lại chút gì hay ho ở Brazil bởi đội hình họ mang đến World Cup không quá tệ. Ấy vậy mà, cuối cùng Tam sư đã phải chia tay World Cup chỉ sau hai lượt trân đầu tiên của vòng bảng khi lần lượt bị Italia, Urugua đánh bại. Lần đầu tiên kể từ năm 1958, Anh không thể vượt qua vòng bảng ở một kỳ World Cup. Cũng may, người Anh vẫn còn nhìn thấy chút ít lạc quan từ thất bại xấu hổ này khi các gương mặt trẻ như Welbeck, Sterling, Sturridge, Henderson đã chơi không tồi.

Anh
Kể từ World Cup 1958, ĐT Anh mới phải về nước ngay sau vòng bảng

F (Fan - Người hâm mộ): Bóng đá sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi yếu tố CĐV.  Người hâm mộ từ mọi ngóc ngách trên thế giới, với đủ mọi màu sắc và cá tính, đã có mặt ở Brazil để thưởng thức bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh. Tình trang khán đài bị bỏ trống tan hoang như World Cup 2014 đã không còn hiện diện tại Brazil khi trận đấu nào cũng đầy ắp khán giả và lượng ghế bỏ trống không nhiều. Theo thống kê, nếu xét theo tiêu chí số khán giả trung bình đến sân thì World Cup 2014 là giải đấu cao thứ 2 trong lịch sử.

G (Goal - bàn thắng): Giải đấu năm nay thực sự vô cùng hấp dẫn, dồi dào bàn thắng dù vẫn rất nghẹt thở, kịch tính, quyết liệt, trái ngược hẳn với không ít nghi ngại trước giải rằng World Cup 2014 sẽ rất nhàm chán do bây giờ, chất thực dụng, tính toán ngày một lấn át môn thể thao vua. Có tới 136 bàn được ghi sau 48 trận vòng bảng, tương đương 2,83 bàn/trận, một kỷ lục ở World Cup và nhiều hơn đến 6 bàn so với toàn bộ World Cup 2002. Đến vòng knock-out, số bàn thắng giảm đi trông thấy nhưng cuối cùng, World Cup 2014 vẫn kết thúc với 171 bàn, san bằng kỷ lục của World Cup 1998.

H (Tim Howard): World Cup 2014 chứng kiến sự bùng nổ của các thủ môn khi số lượng "thần gác đền" để lại dấu ấn nhiều vô kể. Trong đó, tất nhiên cần phải nhắc đến Tim Howard. Dù đã 35 tuổi song nhờ kinh nghiệm trận mạc dày dạn qua nhiều năm thi đấu tại Premier League, Howard đã thể hiện vô cùng tuyệt vời, đặc biệt ở trận gặp Bỉ tại vòng 1/8 với màn trình diễn cá nhân thuộc vào loại xuất sắc nhất trong lịch sử World Cup, Tổng cộng, cả trận, Howard đã có tới 15 pha cứu thua thành công, kỷ lục mới của giải đấu. Chính phong độ siêu đẳng của Howard đã góp phần quan trọng giúp ĐT Mỹ tạo ra làn sóng hâm mộ chưa từng có tại xứ sở cờ hoa, quốc gia vốn luôn coi bóng đá là môn thể thao thứ yếu chứ không phải số 1.

I (Injury - chấn thương): Trong bóng đá hiện đại, chấn thương gần như là đề tài thiết yếu, không thể không nhắc đến ở các giải quốc tế lớn, nhất là khi lại diễn ra vào mùa hè, sau mùa bóng dài dằng dặc và hao tổn thể lực ở cấp CLB. Một loạt ngôi sao lớn, nắm vai trò quan trọng của các ĐT như Radamel Falcao, Franck Ribery, Marco Reus, Rafael van der Vaart hay Montolivo, Theo Walcott đều không thể tham dự World Cup vì chấn thương. Vào giải, ca chấn thương vô cùng nghiêm trọng của Neymar được nhắc đến nhiều nhất bởi vắng ngôi sao số 1 trong đội hình, chủ nhà Brazil hoàn toàn đánh mất mình để rồi kết thúc giải trong bộ dạng không thể thảm hại hơn và bi kịch nhất trong những lần tham dự World Cup (thua kỷ lục 1-7 trước Đức ở bán kết và bị Hà Lan dễ dàng đánh bại 3-0 ở trận tranh hạng 3). Sergio Aguero và Angel Di Maria cũng gặp vấn đề phần nào ảnh hưởng tới ĐT Argentina trong khi Cristiano Ronaldo hầu như phải ra sân trong tình trạng thể lực không sung mãn nhất, dẫn đến sự mờ nhạt của chính bản thân anh và kéo theo thành tích thê thảm của ĐTQG Bồ Đào Nha (bị loại từ vòng bảng).

J (James Rodriguez): Trước giải, cái tên này chẳng hề được nhắc đến nhiều dù có thời điểm, Rodriguez khá hot ở châu Âu nhờ phong độ tốt tại Porto và sau đó gia nhập "gã nhà giàu" Monaco. Thế nhưng, tiền vệ 22 tuổi đã hoàn toàn làm người Colombia quên đi hình ảnh "sát thủ" Radamel Falcao và trở thành đầu tàu của ĐTQG, đưa Colombia lọt vào đến tứ kết và chỉ chịu khuất phục trước Brazil còn Neymar. Song James Rodriguez vẫn kịp lập thành tích ghi 6 bàn và 2 đường chuyền kiến tạo qua 5 trận để thâu tóm được danh hiệu cá nhân cao quý "Chiếc giày vàng World Cup" dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn nhất. Sự nghiệp của James Rodriguez hứa hẹn sẽ bước sang một trang mới sau World Cup bởi có tin cho rằng, Real sẵn sàng chi tiền tấn để mang anh về Bernabeu, tạo ra một hàng công siêu khủng Rodriguez - Ronaldo - Bale.

James Rodriguez
James Rodriguez: Ngôi sao bất ngờ của World Cup

M (Miroslav Klose): Khi vẫn có tên trong danh sách 23 cầu thủ tham dự World Cup 2014, lão tướng đã 36 tuổi hiểu rằng đó là cơ hội trời cho để anh trở thành tay săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup. Nhẹ nhàng hơn, Klose rất muốn đền đáp lại sự tin tưởng của người thầy Joachim Loew khi bỏ ngoài tai điều tiếng với quyết định chọn Klose, thậm chí đó còn là tiền đạo thực thụ duy nhất mà ông gọi vào đội hình đến Brazil. Cuối cùng, Klose đã không làm ai thất vọng. Ngay ở lần chạm bóng đầu tiên sau khi vào sân thay người ở trận gặp Ghana tại vòng bảng, Klose đã có bàn thắng để san bằng kỷ lục của "Người ngoài hành tinh" Ronaldo. Đến trận bán kết gặp chính Brazil của Ro "béo", Klose đã đóng góp 1 bàn trong chiến thắng kỳ vĩ 7-1 để chính thức bước vào ngôi đền vinh danh những huyền thoại của World Cup với tư cách "Chân sút số 1" (16 bàn). Dù cho xét toàn diện, đóng góp của Klose vào chức VĐTG thứ 4 trong lịch sử Mannschaft không nhiều bằng những đồng đội trẻ khác nhưng lịch sử đã gọi tên anh và kỷ lục vừa xác lập không dễ bị phá trong tương lai gần.

L (David Luiz): Chàng cầu thủ tóc xù càng có thêm động lực toả sáng ở World Cup 2014 trong màu áo Selecao khi trước thời điểm khởi tranh, anh đã chính thức gia nhập PSG từ Chelsea bằng bản hợp đồng kỷ lục thế giới dành cho một hậu vệ (50 triệu bảng). Quả thực, lúc người đồng đội mới tại PSG, Thiago Silva còn hiện diện, Luiz đã thi đấu rất tốt, thậm chí còn ghi một bàn thắng đẹp mắt từ quả đá phạt trực tiếp tại chiến thắng trước Colombia ở tứ kết. Song đến trận bán kết, khi Thiago bị treo giò, Luiz lộ nguyên hình là mẫu trung vệ "chỉ thích tấn công và không hứng thú gì với công việc phòng ngự" dù trách nhiệm dồn lên vai là cực lớn (vừa là thủ lĩnh hậu phương, vừa phải đeo băng đội trưởng). Hôm đó, có cảm giác, Luiz thi đấu như một tiền vệ chứ không phải hậu vệ bởi liên tục dâng cao. Hệ quả, Brazil để lộ những khoảng trống to đùng bên phần sân nhà, bị đối thủ Đức khai thác triệt để và liên tục làm rách lưới Julio Cesar. Tại trận tranh 3-4, Luiz lại thực hiện động tác cản phá vô cùng nghiệp dư, giúp Daley Blind dễ dàng lập công cho Orajne. Xem ra, Mourinho chẳng sai khi không trọng dụng David Luiz ở Chelsea, lại còn rất tỉnh táo đẩy anh chàng này sang PSG và thu về khoản tiền lớn, đủ sức đưa về những hậu vệ chuyên tâm phòng ngự hơn.

M (Lionel Messi): Ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới đã tạo ra những cảm xúc trái chiều tại World Cup 2014. Cho đến trước trận tứ kết, Messi đã thực sự bùng nổ, đáp ứng được sự chờ đợi của cả dân tộc Argentina và thể hiện đúng đẳng cấp, trình độ đích thực khi đã trực tiếp ghi 4 bàn cùng tầm ảnh hưởng lớn lối chơi, thành tích của toàn đội. Tuy nhiên, kể từ tứ kết, Messi đã trở nên mờ nhạt và đánh mất mình. Mặc cho Argentina vẫn lết vào đến chung kết song chính sự im ắng của El Pulga là nguyên nhân chủ yếu khiến Albiceleste không thể chấm dứt được cơn khát danh hiệu tại World Cup khi gục ngã trước người Đức đồng đều hơn. Dẫu vậy, Messi vẫn được an ủi phần nào bằng danh hiệu cá nhân "Quả bóng vàng World Cup" gây nhiều tranh cãi.

N (Neymar): Niềm kỳ vọng của cả xứ sở Samba đã không làm 200 triệu người dân Brazil phải thất vọng khi một mình kéo cả đoàn tàu Selecao vượt qua nhiều thử thách để có mặt ở tứ kết. Dù còn rất trẻ nhưng rõ ràng, Neymar đã trưởng thành vượt bậc và cho thấy hình ảnh hoàn toàn khác tại ĐTQG so với ở CLB Barcelona do phải sống dưới cái bóng khổng lồ của người đồng đội Messi. Chỉ có điều, thật bi kịch khi Neymar đã dính phải chấn thương cột sống rất nghiêm trọng sau pha vào bóng của Zuniga (Colombia) tại trận tứ kết để rồi phải ngậm ngùi chia tay World Cup trong nước mắt. Càng đáng buồn hơn khi chính sự vắng mặt của Neymar đã làm Brazil tan nát giấc mơ lần thứ 6 vô địch World Cup theo kịch bản kinh hoàng.

neymar
Chấn thương của Neymar đã làm giấc mơ của Brazil tan vỡ

O (Oldest - Già nhất):  Thủ môn Faryd Mondragon của Colombia đã trở thành cầu thủ nhiều tuổi nhất từng ra sân thi đấu tại World Cup, khi vào thay người trong trận thắng Nhật Bản 4-1 tại bảng C ở độ tuổi 43 và 3 ngày.

P (Penalty): World Cup 2014 đã chứng kiến 4 trận đấu phải phân định thắng thua sau loạt sút luân lưu đầy may rủi, trong đó thật thú vị khi có tới hai ĐT phải liên tiếp trải qua màn bắn súng cân não và nỗi buồn kế tiếp niềm vui. Nhờ sự xuất sắc của thủ thành Keylor Navas, Costa Rica thắng Hy Lạp 5-3 để lần đầu có vé vào tứ kết nhưng rồi họ đã phải nhường bước cho Hà Lan vào bán kết cũng vì thất bại trên cái chấm trắng oan nghiệt ở giữa khu vực 16m50 (3-4) mà công đầu thuộc về Louis Van Gaal với quyết định thay thủ môn quá sáng suốt. Song rồi chính Hà Lan đã phải gục ngã trước Argentina trên chấm luân lưu khi mà tân thuyền trưởng Man Utd mùa tới đã "hết phép".

Q (Queen kiss - Nụ hôn của nữ hoàng): Từ lâu, Mario Balotelli đã được xem là cầu thủ ngông cuồng, thích làm trò cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Còn nhớ, trước loạt trận thứ hai vòng bảng, Super Mario đã chẳng ngần ngại tuyên bố muốn được Nữ hoàng Anh Elizabeth II .... thơm vào má nếu như anh ghi bàn hạ gục Costa Rica, qua đó giúp tuyển Anh nuôi hy vọng vượt qua vòng bảng. Nhưng rốt cục, Balotelli đã phải câm lặng, hết "tinh tướng" khi đội bóng áo thiên thanh đã chịu thua đại diện Trung Mỹ. Sau cùng, Italia cũng phải chịu chung số phận về nước ngay sau vòng bảng giống Anh.

R (Record - Kỷ lục): Một cơn mưa kỷ lục đã xuất hiện tại Brazil trong 1 tháng diễn ra World Cup 2014. Ngoài thành tích của thủ môn Faryd Mondragon và Miroslav Klose được nhắc đến ở trên thì chủ nhà Brazil đã chính thức đi vào lịch sử với thành tích đội thua đậm nhất tại bán kết các kỳ World Cup. Bên cạnh đó, World Cup 2014 có 171 bàn thắng, cân bằng kỷ lục với France 1998 còn Đức trở thành đại diện đầu tiên của châu Âu đăng quang trên đất châu Mỹ.

S (Spain - TBN): Tham dự giải đấu với tư cách nhà ĐKVĐ và thống trị thế giới tính từ năm 2008 song ngay trong trận mở màn, TBN đã thua muối mặt Hà Lan, đối thủ từng bị họ đánh bại ở Nam Phi 4 năm trước, tới 1-5. Tuy nhiên, kể cả như vậy, nhiều người vẫn rất tin thầy trò Del Bosque sẽ gượng dậy ở trận kế tiếp gặp Chile. Đáng buồn thay, TBN lại trình diễn bộ mặt, phong độ vô cùng nghèo nàn để rồi nhận lấy thất bại trắng mặt 0-2 đồng nghĩa chính thức rời khỏi cuộc chơi trong nỗi cay đắng, tủi nhục. Không còn nghi ngờ gì, World Cup 2014 đã chính thức đặt dấu chấm hết cho một triều đại hoàng kim và một thế hệ cầu thủ xuất chúng bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

T (Tear - nước mắt): Bên cạnh những cơn mưa bất chợt vốn là đặc trưng của thời tiết Brazil thì người hâm mộ còn được thưởng thức quá nhiều một dạng "mưa" khác. Đó chính là những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt các tuyển thủ. Họ có thể khóc vì quá xúc động khi làm lễ chào cờ trước mỗi trận đấu (Neymar ở trận khai mạc gặp Croatia), khóc vì sự mất mát người thân mà không thể về chịu tang do bận tham dự World Cup nhưng dễ bộc lộ nhất và hợp lý nhất là khóc vì thua trận. Rất nhiều cầu thủ sau khi phải rời khỏi cuộc chơi dù thừa biết kết cục đó hoàn toàn nằm trong dự tính do bị đánh giá thấp hơn đối thủ song vẫn khóc tu tu như một đứa trẻ sau trận đấu.

U (USA - Hoa Kỳ): Quả thật, ĐT Mỹ đã có kỳ World Cup thành công ngoài dự kiến. Họ đã xuất sắc vượt qua bảng đấu có sự góp mặt của hai tên tuổi lớn Đức và BĐN, hoàn toàn bằng nỗ lực bản thân chứ không cầu viện ai. Nhờ vậy, sự quan tâm của người hâm mộ dành cho ĐT tăng lên đột biến. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thường xuyên theo dõi các trận đấu của đội nhà ngay cả khi đang bay trên trời bằng chuyên cơ Air Force One và từ Nhà Trắng. Một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ĐT Mỹ ở phía trước.

V (Vanishing spray - bọt sơn tự tan): Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, các trọng tài dùng bình phun một loại bọt kem màu trắng (giống kem cạo râu) xuống cỏ nhằm định vị hàng rào chắn trong các tình huống sút phạt, tránh việc các đội tính ăn gian về mặt khoảng cách (theo luật, hàng rào chắn phải cách điểm sút phạt 9m). Sau khoảng 1 phút đồng hồ, loại bọt này sẽ tự tan, qua đó vẫn đảm bảo được điều kiện mặt sân. Công nghệ này từng được thử nghiệm ở Brazil và Argentina vài mùa giải qua, rồi được ra mắt ở giải U20 thế giới năm ngoái. Mùa tới, UEFA Champions League cũng tính sử dụng công nghệ mới này.

W (Water breaks - Nghỉ tiếp nước): Thêm một bước đột phá tại World Cup 2014. Lần đầu tiên, FIFA cho phép có khoảng thời gian nghỉ 3 phút ở giữa mỗi hiệp để các cầu thủ được uống nước, nghỉ ngơi, giảm nhiệt nếu như phải thi đấu dưới nhiệt độ cao (từ 30 độ trở lên). HLV Louis Van Gaal đã rất hoan nghênh và ủng hộ quy định này bởi nhờ vậy, đội Hà Lan của ông mới vượt qua được Mexico ở vòng 1/8 trong 15 phút cuối. Theo Van Gaal, ông đã tận dụng tối đa khoảng nghỉ quý giá này để đưa ra những chỉ đạo kịp thời về mặt chiến thuật cho các học trò.

X (Xherdan Shaqiri): Tiền vệ tuyển Thụy Sĩ với biệt danh "Messi của dãy Alps" đã là tác giả cú hat-trick thứ 50 trong lịch sử World Cup, giúp đội nhà thắng Honduras 3-0, để theo chân Pháp vào vòng hai với tư cách nhì bảng E. Cả giải cũng chỉ có hai cầu thủ lập được hattrick (trước đó Thomas Mueller ghi ba bàn trong chiến thắng 4-0 của Đức trước Bồ Đào Nha). Tuy nhiên, đến vòng 1/8,  Shaqiri cùng đồng đội không thể vượt qua á quân Argentina sau 120 phút thi đấu (Di Maria ghi bàn quyết định vào những phút cuối hiệp phụ thứ 2, từ pha kiến tạo của Messi).

Y (Yuichi Nishimura): Ngay từ trận mở màn, vấn đề trọng tài đã trở nên cực nóng khi ông vua sân cỏ người Nhật Bản đã đưa ra những quyết định gây tranh cãi có lợi cho nước chủ nhà. Yuichi Nishimura đã sai khi cho Brazil được hưởng phạt đền lúc tỷ số đang là 1-1 và Croatia chơi rất tốt. Vị trọng tài này đã bị tiền đạo "chân gỗ" Fred qua mặt bằng một pha diễn kịch rất lộ. Nhờ vậy, Neymar mới có thể đưa Brazil vươn lên dẫn trước 2-1, mở ra bước ngoặt của trận đấu để chung cuộc, Brazil thắng 3-1. Về sau, giới trọng tài vẫn mắc phải không ít sai lầm nhưng có vẻ không được bàn tán nhiều như sự cố của Nishimura.

Z (Zuniga): Chắc chắn cái tên này được nhiều CĐV Brazil nhớ nhất bởi đó chính là thủ phạm gây ra chấn thương khủng khiếp cho Neymar, niềm hy vọng số 1 của cả xứ Samba. Hậu vệ của tuyển Colombia đã thúc đầu gối vào lưng của Neymar trong pha va chạm mạnh ở trận tứ kết, khiến ngôi sao sáng giá nhất Brazil hiện nay phải nghỉ thi đấu một thời gian dài vì gãy đốt sống lưng kéo theo giấc mơ đăng quang trên sân nhà của Brazil tan vỡ dù họ đã chờ đợi, đầu tư rất nhiều cho World Cup 2014 (hơn 10 tỷ USD đã được Brazil ném vào giải đấu).

Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X