Cũng giống như ĐT Hà Lan, HLV Louis Van Gaal cũng đã bị bủa vây bởi những dấu hỏi lớn từ dư luận khi nhận lời ngồi vào chiếc ghế nóng ở Old Trafford. MU đang ở trong giai đoạn chuyển giao đầy khó khăn, và câu hỏi đặt ra là liệu Van Gaal có thể toàn tâm toàn ý cho ĐT Hà Lan trong khi MU đang trong cảnh “trăm mối tơ vò”?
Đáp lại những chỉ trích cho rằng ông đã quá tham lam khi ôm vào mình 2 công việc quá nặng, Van Gaal đã cho tất cả thấy tài thao lược của mình. Napoleon đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Nếu như để một con chó dẫn dắt một đội quân sư tử, những con sử tử sẽ chết như những con chó. Còn nếu để một con sư tử dẫn dắt một đội quân gồm nhữ con chó, những con chó sẽ chiến đấu như những con sư tử”. Điều này hoàn toàn đúng với Van Gaal, ông không sở hữu một đoàn quân quá hùng hậu, nhưng ông biết cách để các cầu thủ chiến đấu hết mình và phát huy tối đa khả năng của họ
Liều lĩnh trong áp dụng sơ đồ chiến thuật
Hà Lan khởi đầu vòng bảng với lịch thi đấu khá bất lợi khi đụng ngay Tây Ban Nha, đối thủ đã đánh bại họ trong trận chung kết World Cup 2010. Đứng trên lập trường của người ngoài, với đội hình quá chênh lệch về đẳng cấp, Hà Lan khó lòng gianh nổi 1 điểm chứ đừng nói đến việc giành chiến thắng, thế nhưng kết quả thì ai cũng biết, Tây Ban Nha có trận thua đậm nhất trong lịch sử tham dự World Cup, còn Hà Lan đã trả sòng phẳng món nợ đã vay 4 năm trước
Có được thành công đó phải kể tới chiến thuật 5-3-2 rất “dị” vào thời điểm đó. Hà Lan đã thử nghiệm khá thành công đội hình này và Robben cũng đã úp mở rằng Cơn lốc màu da cam có thể sẽ ra sân với đội hình gồm 5 hậu vệ trong trận đấu mở màn. Thế nhưng chẳng mấy ai tin Van Gaal sẽ đạp đổ sơ đồ 4-3-3 với lối chơi tổng lực đã thành thương hiệu của xứ sở hoa Tulip, và cần phải hiểu rằng sơ đồ 5-3-2 khi cần thiết có thể chuyển thành 3-5-2, nhưng với điều kiện 2 hậu vệ biên phải có khả năng công thủ toàn diện và nền tảng thể lực tốt mới có thể đảm nhiệm được trọng trách lên xuống như con thoi ở 2 cánh
Ấy thế mà ông làm thật. Van Gaal đã bố trí bộ ba Vlaar – Martins Indi – de Vrij ở trung tâm hàng phòng ngự, cùng với đó là hai hậu vệ Daley Blind và Jaanmart án ngữ hai cánh tạo nên hàng phòng ngự 5 người.Điều này đã tạo ra sự chắc chắn cho hàng phòng ngự và tạo điều kiện cho Van Persie hay Robben phản công nhanh. Đồng thời đôi cánh Janmaart - Daley Blind cũng đã không phụ lòng tin tưởng của ông thầy, đặc biệt là Blind. Cầu thủ xuất sắc nhất Ajax mùa vừa rồi đã có một trận đấu tuyệt hay, liên tục lên xuống ở cánh trái và khi cần cũng hỗ trợ tấn công rất hiệu quả với 2 đường kiến tạo cho đồng đội ghi bàn
Ở mặt trận tấn công, Tây Ban Nha có thể may mắn khi “ăn gian” được quả phạt đền khi Diego Costa ngã rất khéo trong vòng cấm, nhưng ngoài ra màn trình diễn trên hàng công của họ hoàn toàn thua kém Hà Lan. Mặc dù cầm bóng tới 64% nhưng Tây Ban Nha chỉ tung ra được 10 cú sút và trúng đích 4, trong khi đó con số này của Hà Lan lần lượt là 14 và 10. Lối đá phòng ngự phản công đã phát huy tối đa tác dụng với những cầu thủ có tốc độ và khả năng chớp thời cơ tuyệt vời như Robben hay Van Persie
Rõ ràng Van Gaal đã “dạy” cho Tây Ban Nha một bài học nhớ đời về phong cách chơi bóng hiệu quả.Không phải là lối đá nhiều chạm ở giữa sân đến phát buồn ngủ, mà là những cú đánh chớp nhoáng có thể hạ gục đối thủ bất cứ lúc nào. Và sơ đồ 5 hậu vệ lập tức cũng được các đội bóng nhỏ ở World Cup áp dụng rất hiệu quả, điển hình là trường hợp của Costa Rica
Nhạy cảm trong việc dụng binh
Louis Van Gaal có một sơ đồ chiến thuật độc đáo có thể “khắc chế” được Tây Ban Nha, nhưng Hà Lan sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì nếu như cứ đóng khung với sơ đồ chiến thuật cũ và những con người cũ. Và đây mới chính là sở trưởng của Van Gaal.
Người ta đã biết quá nhiều về tài dùng cầu thủ trẻ của Van Gaal, từ Ajax tới Barcelona hay Bayern Munich, ở đâu ông cũng cho ra lò những sản phẩm cầu thủ trẻ đầy chất lượng. Tuy nhiên ở ĐTQG lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, HLV có quá ít thời gian để tiếp xúc và uốn nắn các cầu thủ, và bản thân các cầu thủ cũng không có nhiều thời gian để chơi bóng với nhau và bộc lộ hết khả năng. Thế nhưng Van Gaal vẫn có thể tìm ra những giải pháp trong số 23 cầu thủ của Hà Lan, đa số là cầu thủ trẻ cho những trận đấu ở World Cup.
Ở trận đấu gặp Australia, khi Bruno Martins Indi gặp chấn thương và phải rời sân từ rất sớm và đại diện của châu Á cũng vừa gỡ hoà, những tưởng Hà Lan sẽ gặp khó khăn, nhưng HLV Van Gaal đã nhanh chóng đưa Memphis Depay vào sân để đá tiền đạo cánh và Hà Lan chuyển sang đá 4-3-3. Kết quả là Depay toả sáng với bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 quý như vàng để giúp Hà Lan có tấm vé đi tiếp ở bảng B
Thế nhưng dấu ấn dùng người đậm nét nhất của Van Gaal phải kể tới trận đấu với Chile. Đối mặt với một đội bóng cũng chơi 5-3-2 và rất được tổ chức rất tốt về mặt chiến thuật, cuộc đối đầu giữa Van Gaal và Sampaoli quả thật là một cuộc đấu trí không khoan nhượng. Cả hai đã ở vào thế giằng co cho tới hết hiệp một và người xem nhiều lúc có cảm giác buồn ngủ.
Nhưng bước ngoặt đã tới trong hiệp 2 khi Chile buộc phải thắng nếu muốn giành ngôi đầu bảng và HLV Sampaoi thay đổi sơ đồ chiến thuật sang 3-4-3. Ngay lập tức ở trung tâm, Chile thiếu người so với Hà Lan và đội bóng của Van Gaal dần thắng thế đối phương với 20 đường chuyền thành bàn trong 25 phút đầu hiệp 2 (so với 17 của cả hiệp 1). Và để tăng cường sự áp đảo ở tuyến giữa, HLV trưởng của Hà Lan tung Leroy Fer vào sân, và anh ngay lập tức toả sáng với cú đánh đầu mở tỷ số. Đến lúc này, Hà Lan chủ trương đá thủ và Van Gaal lại tung “gà son” Memphis Depay vào sân để tận dụng những tình huống phản công chớp nhoáng. Kết quả tiền vệ của PSV một lần nữa lập công mang về chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục cho Hà Lan. Một trận thắng mang đậm nét chiến thuật và sự nhạy bén của Van Gaal trong việc thay người ở những thời điểm quan trọng
Kết luận
Sẽ là quá sớm để nói rằng Hà Lan sẽ đi sâu hay thậm chí vô địch ở giải đấu năm nay, và trước mắt họ cũng sẽ là một Mexico không hề dễ xơi với “người nhện” Ochoa trong khung thành. Tuy nhiên với sự khôn ngoan và tài cầm quân của mình, HLV Louis Van Gaal có quyền để cho những CĐV của xứ sở hoa tulip tin tưởng vào một màn trình diễn ấn tượng. Klaas Jan Huntelaar vẫn chưa được sử dụng, và ai mà biết được Van Gaal sẽ còn tung ra một Memphis Depay nào khác nữa để cứu rỗi Hà Lan? Tất cả sẽ được giải đáp trong tương lai, nhưng rõ ràng ở hiện tại, Van Gaal chẳng khác nào một Napoleon đang điều binh khiển tướng cực kỳ tài tình để biến Hà Lan thành một đối thủ đáng gờm tại World Cup năm nay
Thế Hưng