Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Kỳ World Cup thảm hại của Brazil: Sau 20 năm giãy giụa, Jogo Bonito qua đời

Thứ Ba 15/07/2014 08:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Trong giai đoạn từ 1950 đến cuối thập niên 1980, Brazil vẫn luôn trình diễn thứ bóng đá đẹp, và mở ra khái niệm O Jogo Bonito (nghĩa đen: trận đấu đẹp; cũng có thể hiểu là thứ bóng đá đẹp). Nhưng trong hai thập niên trở lại đây, ngọn nến ấy cháy leo lét, và tắt hẳn ở World Cup lần này. Thảm bại lịch sử của Brazil trong kỳ World Cup 2014 mà họ là chủ nhà đánh dấu Jogo Bonito đã chết, sau hai thập niên sống mòn.

Hoài niệm Jogo Bonito

Khi Brazil phải dừng bước ở vòng bảng thứ hai World Cup 1982, người ta vẫn ghi nhận đó là một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Đó là tập thể của những ngôi sao vĩ đại mà bóng đá Brazil sản sinh, với Zico là linh hồn, cùng Socrates, Falcao, Junior, Eder, Toninho Cereza và Luizinho. Thất bại 2-3 của Brazil trước Italy ở lượt cuối bảng C (vòng bảng thứ hai) là một trong những cuộc chiến kinh điển.

brazil
 

Không chỉ ở Tây Ban Nha 1982, mà trong giai đoạn 10 năm Zico khoác áo ĐTQG, Brazil không thể gặt hái bất kỳ danh hiệu nào. Selecao khi ấy được yêu mến và xem là tập thể vĩ đại bởi thứ bóng đá ngẫu hứng và đẹp như mơ. Đó là một trong những thời điểm đỉnh cao của Jogo Bonito.

Thứ bóng đá lãng mạn được người Brazil đặt cả trái tim vào từng pha bóng, luôn cống hiến hết mình, và mang cả nghệ thuật đường phố vào sân cỏ. Với Jogo Bonito, Brazil trở thành đội bóng có lượng người hâm mộ trung lập cao nhất. Brazil mặc nhiên được xem là biểu tượng số 1 trong lịch sử bóng đá thế giới, không chỉ từ những vinh quang mà họ gặt hái, mà vì Jogo Bonito.

Nhưng Jogo Bonito chỉ còn là hoài niệm trong lòng những người Brazil lớn tuổi. Lứa trẻ ngày nay, gồm cả các cầu thủ Brazil dự World Cup 2014, không được chứng kiến thứ nghệ thuật Jogo Bonito.

Cái chết trong 20 năm

Jogo Bonito đã thay đổi khi Brazil bước vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Carlos Alberto Parreira đặt cột mốc cho một kỷ nguyên mới, khi gạt bỏ bóng đá trình diễn để chọn giải pháp thực dụng, bắt đầu từ vai trò của Dunga trong đội hình. Dunga là mẫu tiền vệ trung tâm điển hình, với lối đá rắn và luôn sẵn sàng đạp thẳng vào mắt cá đối thủ.

Khi Mario Zagallo, từng gắn với Jogo Bonito trong tư cách cầu thủ lẫn HLV (giành chức VĐTG 1970), quay trở lại dẫn dắt Selecao, ông tiếp tục duy trì nền tảng từ Parreira. Brazil vẫn xoay quanh Dunga ở giữa sân và tìm kiếm chiến thắng với sự thực dụng hơn là ngẫu hứng. Năm 2002, Felipe Scolari thực dụng hơn khi bố trí bộ đôi Gilberto Silva - Kleberson ở giữa sân. Đó cũng là một trong những Brazil chất lượng tốt nhất lịch sử, nhưng không đi theo bóng đá đẹp.

Brazil ở Đức 2006 với Parreira đã xây dựng Emerson trở thành bức tường ở trung tuyến. Parreira đã biến Selecao thành tập thể thực dụng hơn cả khi bước lên đỉnh vinh quang 1994. Từ một tiền vệ trụ, khi ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng, Dunga chọn lối chơi thực dụng cũng là dễ hiểu. Với Dunga, Brazil là sự kết hợp giữa Gilberto Silva và “đồ tể” Felipe Melo ở trung tuyến, đá thực dụng hơn cả nhiều đội châu Âu.

Tuy vậy, không thể phủ nhận, từ 1994 đến 2010, Brazil vẫn luôn có những cầu thủ đá đẹp. Từ Romario và Rai tại Mỹ; Ronaldo ở Pháp; tam tấu Ronaldo-Rivaldo-Ronaldinho ở Nhật-Hàn; đến sự xuất hiện trong đội hình của Kaka. Riêng năm 2014, Brazil không còn chất nghệ sĩ nào, kể cả Neymar, một người chơi với tư tưởng châu Âu.

Scolari đã chọn giải pháp cơ bắp đến mức thô lỗ. Dù trọng tài nương tay, Brazil vẫn là đội phạm lỗi nhiều thứ hai, với 123 lần, chỉ sau Hà Lan (126). Jogo Bonito không tồn tại chút nào với nhiệm kỳ 2 của Scolari, sau hai thập niên tồn tại như ánh đèn dầu leo lét. Vẻ đẹp, dù chỉ một chút, cũng là điều không có. 37,5% số bàn thắng của Brazil được ghi từ các pha cố định, một tỷ lệ rất cao.

Các HLV là một phần, nhưng chính sự thay đổi của cả nền bóng đá Brazil đã giết chết Jogo Bonito. Có thể kể được mấy ngôi sao Brazil hiện tại là nghệ sĩ đích thực? Những nghệ sĩ có lẽ sẽ tuyệt chủng vào ngày Ronaldinho treo giày.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X