Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Góc chiến thuật: Tuyển Anh nên dùng sơ đồ 4-4-2 với hàng tiền vệ kim cương?

Thứ Năm 19/06/2014 18:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau trận thua cách đây vài ngày trước người Italia, báo giới Anh đã liên tục mổ xẻ về thất bại của thầy trò HLV Roy Hodgson. Nhưng rồi người Anh vẫn tiếp tục loay hoay với một loạt phương án nhân sự “chưa ra đâu vào đâu” của mình. Một ý tưởng được đặt ra, hãy để Tam Sư chơi với sơ đồ chiến thuật 4-4-2, nhưng không phải 4-4-2 truyền thống mà là sử dụng hàng tiền vệ kim cương, giống như Liverpool ở mùa giải vừa rồi?

Nhiều năm qua, tại bất cứ một giải đấu lớn nào, ĐT Anh cũng ra sân với 2 sơ đồ “quen thuộc”, hoặc 4-4-2, không thì là 4-2-3-1. Quá dễ để nhận thấy một đặc điểm, đó là Tam Sư luôn sử dụng các tiền vệ chạy cánh theo kiểu thuần túy để phục vụ những hệ thống này, một đặc sản trong thứ bóng đá “kick and rush” truyền thống của người Anh.

ĐT Anh
ĐT Anh đang cần đến sự mạo hiểm

Đương nhiên, ở thời điểm này, trong tay HLV Roy Hodgson vẫn sở hữu rất nhiều cầu thủ có khả năng chơi bám biên cực hay với tốc độ hết sức đáng nể như Welbeck, Chamberlain hay Sterling. Thế nhưng, sau trận thua trước ĐT Italia, lẽ ra người Anh cần phải nhận ra một bài học cho chính họ, đó là “tốc độ không phải yếu tố quyết định tất cả”.  

Các tiền đạo không có khả năng chơi đầu tốt

Đầu tiên, hãy nói đến vị trí trung phong cắm của ĐT Anh, đó là tiền đạo Daniel Sturridge. Phải thừa nhận rằng chân sút của Liverpool có khả năng di chuyển rộng, chớp thời cơ tốt và đặc biệt dứt điểm rất chính xác. Nhưng điều đấy chỉ xảy ra khi đằng sau Sturridge có một đội ngũ tiền vệ tấn công chơi linh hoạt để hỗ trợ anh. Còn với những tình huống tạt bóng từ 2 biên, cầu thủ 24 tuổi chắc chắn không phải mẫu “số 9 thuần Anh” giống như cách đây cả thập kỷ để có thể tận dụng trọn vẹn các cơ hội. Đặc biệt là khi khả năng “không chiến” của Sturridge chưa bao giờ được đánh giá cao.  

Tương tự, vài ngày qua, báo giới Anh cũng nhiều lần đề cập đến khả năng HLV Hodgson sẽ đẩy Wayne Rooney lên đá tiền đạo bên cạnh Sturridge. Và cũng giống như đối tác của mình, Rooney chơi đầu không hề tốt. Hơn nữa, với xu hướng di chuyển rộng và bao quát, việc xếp tiền đạo của Man Utd thi đấu có phần “cố định” trong khu vực cấm địa đối phương cũng khiến R10 bị hạn chế rất nhiều về khả năng.

ĐT Anh
Wayne Rooney chỉ phát huy tối đa khả năng khi được chơi tự do

Rõ ràng, với sơ đồ 4-4-2 hoặc 4-2-3-1, dù có triển khai tấn công ở 2 biên hay trung lộ, ĐT Anh cũng phụ thuộc rất nhiều vào những tiền vệ chạy cánh. Không ai phủ nhận rằng Tam Sư đang sở hữu những cầu thủ chất lượng ở cả 2 bên hàng lang trái phải. Nhưng điều quan trọng, là một cầu thủ theo kiểu mẫu tiền đạo “vòng cấm” điển hình, thứ nguyên liệu hết sức cần thiết cho lối chơi “kick and rush” thì họ lại thiếu.

Lời giải đến từ Liverpool?

Mùa giải vừa qua, Liverpool chính là đội bóng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất tại Premier League với vị trí Á quân, sau khi “hụt hơi” trước Man City vào phút chót. Và đương nhiên, việc The Kop có nhiều cầu thủ được triệu tập lên ĐT Anh tại kỳ World Cup lần này cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Câu hỏi được đặt ra là liệu Tam Sư có thể chơi giống như Liverpool hay không? Khi mà trong tay HLV Roy Hodgson đang sở hữu gần như đầy đủ các nhân tố quan trọng nhất trong đội hình đội bóng chủ sân Anfield.  

Trước hết, hãy nói về sơ đồ 4-1-2-1-2 từng giúp thầy trò HLV Brendan Rodgers suýt làm nên bất ngờ ở mùa giải 2013/2014. Với một hàng tiền vệ “kim cương” gồm 4 cầu thủ, Liverpool luôn tạo được sự cân bằng trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Dù không sử dụng những cầu thủ chạy cánh nhưng với bộ đôi tiền đạo có khả năng chơi rộng ở phía trên (Suarez-Sturridge), The Kop luôn gây được sức ép đủ lớn lên hàng phòng ngự đối phương.

Hiện tại, người Anh đã có đội trưởng Steven Gerrard, Rahaem Sterling, Jordan Henderson và cả Daniel Sturridge, đều là những cầu thủ hết sức quan trọng trong đội hình Liverpool ở mùa giải vừa rồi. Trong trường hợp để Tam Sư chơi với sơ đồ hàng tiền vệ “kim cương” giống như The Kop, HLV Hodgson sẽ chỉ cần thêm đúng 2 vị trí, 1 tiền đạo và 1 tiền vệ con thoi là đủ.

Hãy nhìn vào nhân sự của ĐT Anh hiện giờ, Rooney đương nhiên là đối tác quá hoàn hảo bên cạnh Sturridge. Khác biệt với 4-2-3-1, ở sơ đồ 4-1-2-1-2, khả năng di chuyển bao quát của cặp tiền đạo sẽ phát huy tác dụng rất lớn bởi trong đội hình này, không hề có sự xuất hiện của tiền vệ cánh. Chính bởi vậy, việc Rooney hay Sturridge chơi lùi hoặc thi thoảng lệch ra 2 cánh sẽ tạo áp lực đối với hàng phòng ngự đối phương. Ngoài ra, điều này cũng giúp ĐT Anh có được sự đa dạng và linh hoạt trong các phương án tấn công từ tuyến hai.    

ĐT ANh
ĐT Anh nên sử dụng sơ đồ 4-1-2-1-2 dựa trên nền tảng các ngôi sao của Liverpool?

Với hàng tiền vệ 4 người, vị trí tiền vệ con thoi còn lại sẽ là sự lựa chọn giữa Adam Lallana và Ross Barkley. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, ngôi sao của Southampton có vẻ “yếu thế” hơn so với tài năng trẻ của Everton. Cụ thể, xét về khả năng phòng ngự, Barkley chắc chắn mạnh mẽ và hiệu quả hơn Lallana.

Ưu điểm của việc chơi với hàng tiền vệ “kim cương” chính là việc giải tỏa áp lực cho vị trí của đội trường Gerrard. Thay vì phải tập trung quá nhiều đến nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự cho người đá cặp (ở các trận trước là Henderson), “lão tướng” của Liverpool có thể lùi sâu để thực hiện các đường chuyền mang tính tổ chức, dẫn dắt thế trận. Việc có tới 3 tiền vệ chơi thấp trong những tình huống phòng ngự cũng giúp cho ĐT Anh thi đấu chắc chắn và cân bằng hơn.

Kết luận

Nhìn chung, sơ đồ 4-1-2-1-2 cũng chỉ là một giải pháp được đặt ra cho ĐT Anh, giống như rất nhiều phương án từ trước đó. Mặc dù vậy, điểm khác biệt lớn nhất chính là ở hệ thống này, Tam Sư sẽ chấp nhận từ bỏ lối chơi sử dụng 2 tiền vệ cánh vốn đã thành truyền thống của mình.

Trong phạm vi bài viết, đương nhiên những phân tích cũng chưa thể được kiểm chứng bằng thực tế. Nhưng rõ ràng, khi người Anh đang thực sự gặp vấn đề, HLV Roy Hodgson cần một chút mạo hiểm để tạo nên sự thay đổi. Trước thềm World Cup 2014, vị chiến lược gia 67 tuổi đã triệu tập rất nhiều cầu thủ Liverpool, vậy tại sao, ông không thử làm một cuộc “cách mạng” từ chính những sự lựa chọn của mình. Đặc biệt là khi ở mùa giải vừa rồi, The Kop đã chơi cực kỳ thăng hoa và bùng nổ với sơ đồ 4-1-2-1-2.

NAM ANH  

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X