Có thể nói trước khi bước và vòng bán kết, cả Argentina và Brazil ít nhiều đều để lại những hoài nghi trong lòng người hâm mộ. Mặc dù đều được đánh giá là ƯCV tiềm năng cho chức vô địch nhưng cả hai đều đã thể hiện những sự bất ổn trong lối chơi, nhất là từ khi bước vào vòng knock out.
Tuy nhiên đứng trước những câu hỏi và sức ép của dư luận, chỉ có Argentina là biết cách để có được điều mình muốn, còn Brazil đã thất bại một cách đầy nhục nhã trước người Đức. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Câu châm ngôn tưởng chừng như đơn giản ấy hoá ra lại là một việc cực khó thực hiện với Brazil. Trước trận đấu với ĐT Đức, đã có rất nhiều lời khuyên rằng Brazil nên từ bỏ lối đá tấn công hoa mỹ theo trường phái Jogo Bonito để đá phòng ngự chắc chắn trong bối cảnh họ đã mất đi 2 trụ cột quan trọng nhất ở hàng công (Neymar) và hàng thủ (Thiago Silva).
Sự thật là dù thiếu đi hòn đá tảng Thiago Silva nơi hàng thủ, đội hình Brazil vẫn còn vô khối những cầu thủ có thể đá phòng ngự rất tốt, những chiến binh thật sự mà HLV Luiz Felipe Scolari đã chọn thay vì những nghệ sĩ sân cỏ như Ronaldinho, Kaka, Coutinho hay Lucas Moura. Và kể cả trên băng ghế chỉ đạo, HLV Scolari cùng người trợ lý Carlos Alberto Parreira cũng là những “tín đồ” của bóng đá thực dụng. Ai cũng tin rằng Brazil sẽ đá phòng ngự.
Nhưng không. Big Phil đã cho các học trò xông lên ngay sau tiếng còi khai cuộc nhằm đánh phủ đầu, để rồi khi các cầu thủ Brazil còn đang loay hoay tìm đường vào khung thành của Neuer, người Đức bắt đầu tung những đòn chí mạng. 5 bàn thắng chỉ trong vỏn vẹn 18 phút như là một cú tát bằng trời giáng in hằn 5 ngón tay lên giấc mộng hão huyền của Brazil khiến họ sụp đổ hoàn toàn. Brazil đã tự thua khi không thể lượng sức mình và bị cuốn vào những lời “khích tướng” của dư luận.
Argentina lại hoàn toàn khác. Trái với hình ảnh 4 năm trước khi Maradona cũng cho các học trò xông lên tấn công lấy được để rồi nhận trái đắng trước chính người Đức, Argentina năm nay đã khôn ngoan và “tỉnh đòn” hơn rất nhiều. Đối mặt với một Hà Lan có phần yếu thế hơn về lực lượng, rõ ràng Argentina được đánh giá nhỉnh hơn, nhất là năm nay Messi đang thi đấu kỳ World Cup hay nhất trong sự nghiệp của anh.
Tuy nhiên Sabella đã đủ cảnh giác để không mù quáng xông lên để tìm bàn thắng trước. Đối đầu với một chiến lược gia lão làng như Louis Van Gaal, việc quá mải mê dâng lên tấn công chẳng khác nào tự sát mà Tây Ban Nha là một bài học nhãn tiền. Vì thế Argentina cũng đã chủ động chơi thấp và đá “cù nhây” với đối thủ.
Không thể trách Argentina bởi trái với hàng công đầy rẫy những ngôi sao hàng thủ của họ chỉ gồm những trung vệ hạng khá như Garay, Fernandez hay Demichelis, và tất cả trong số họ đều rất chậm chạp. Nếu như đấu tay đôi, chắc chắn hàng thủ của Argentina sẽ không chống đỡ nổi với những cầu thủ tấn công có tốc độ bên phía Hà Lan. Rõ ràng Argentina đã có một cái đầu lạnh hơn Brazil rất nhiều ở trận bán kết lần này.
Muốn thắng, trước hết đừng thủng lưới
Biết cách đối phó với đối thủ là một chuyện, nhưng khả năng thực hiện nó đến đâu lại là chuyện khác.
Có thể nhận thấy một điều rất rõ là các đội bóng ở World Cup đang có xu hướng chơi ngày một chặt chẽ và ít để lộ khoảng trống hơn. Mọi đội bóng đi tới thành công đều xây dựng trên nền tảng một hàng thủ vững chắc, bởi một khi đã bị dẫn trước, rất khó để có thể lật ngược thế cờ. Điều đó lại càng đúng trong vòng knock out khi số lượng bàn thắng giảm đi hẳn, hiệu suất bàn thắng chỉ đạt 1,92 bàn/trận. Đội nào không thủng lưới, coi như đã nắm 50% cơ hội thắng trong tay.
Thực tế là Scolari cũng đã tính đến việc phòng ngự chặt sau khi đã tấn công chớp nhoáng và có được bàn thắng. bằng chứng là ông đã chơi với sơ đồ 4-2-3-1 gồm 2 “máy quét” thực thụ là Luiz Gustavo và Fernandinho trước bộ tứ hậu vệ. Kết quả thì ai cũng biết, Gustavo chỉ biết đuổi theo bóng còn Fernandinho đá lóng ngóng và mắc những lỗi cực kỳ ngớ ngẩn.
Ở bên dưới, sư phối hợp giữa các cầu thủ là vô cùng rời rạc và đã không dưới 2 lần, họ thua ở cùng 1 kịch bản. Bóng được ĐT Đức xẻ xuống nách, 1 cầu thủ Đức thoát xuống đối mặt thủ môn và trả bóng vào trong cho đồng đội đệm vào lưới trống. Đừng đổ lỗi cho sự thiếu vắng của Thiago Silva. Những cầu thủ còn lại của Brazil đều là những cầu thủ tầm cỡ quốc tế và dày dặn kinh nghiệm trận mạc, việc thi đấu như nghiệp dư như thế là không thể chấp nhận.
Nếu muốn ví dụ cụ thể hơn, hãy nhìn sang hàng thủ của Argentina. Dù không được đánh giá quá cao về chuyên môn nhưng hai trung vệ Garay và Demichelis đã bọc lót cho nhau rất tốt. Hai hậu vệ cánh là Zabaleta và Rojo cũng không dâng lên quá cao, và kể cả khi dâng lên, Mascherano cũng lùi về đá như một trung vệ thứ 3.
Chính Mascherano là chìa khoá cho sự vững chắc của hàng thủ Argentina và thể hiện sự khôn khéo của Sabella trong cách vận dụng linh hoạt các phương án phòng ngự. Nếu không có pha cản phá của tiền vệ Barca, Romero có lẽ đã phải vào lưới nhặt bóng sau pha đột phá và dứt điểm của Robben ở cuối hiệp 2. Ngoài ra còn một loạt các thông số thống kê khác cũng nói lên đóng góp của Mascherano vào nhiệm vụ phòng ngự. Tỷ lệ tranh chấp tay đôi thắng 84,6%, tranh chấp trên không thắng 75%, có 3 tình huống đánh chặn, tắc bóng thành công 100%, 4 lần cướp bóng,… Tất cả đã nói lên tầm quan trọng của Mascherano ở mặt trận phòng thủ
Cũng phải thừa nhận là Albiceleste đã may mắn ki vượt qua Hà Lan trên chấm luân lưu đầy may rủi, nhưng vận may đó cũng là vô nghĩa nếu như họ không giữ sạch được mành lưới sau 120 phút thi đấu. Một lần nữa, Argentina lại bản lĩnh hơn Brazil.
Kết luận
Có thể nói một số yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến kết cục hai trận đấu, ví dụ như Đức chắc chắn được đánh giá nhỉnh hơn Hà Lan. Nhưng rõ ràng Argentina đã chứng tỏ mình xứng đáng vào vòng trong vì đã tự chuẩn bị rất tốt cho trận bán kết. Còn người Brazil, sau trận đấu đầy tủi nhục vừa qua, họ cũng nên bớt kiêu hãnh đi một chút và nhìn sang cách người hàng xóm chơi bóng.
Và nếu như Argentina lên ngôi ngay trên đất Brazil, chắc chắn Selecao sẽ còn nhiều điều để chiêm nghiệm sau thất bại lần này…
Thế Hưng