Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Brazil: Gánh nặng trên vai Neymar

Thứ Bảy 28/06/2014 07:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Brazil phải đợi tới 12 năm mới chứng kiến một cầu thủ khoác áo số 10 ghi bàn tại World Cup. Như để bù đắp cho quãng thời gian dài đằng đẵng ấy, Neymar đã tỏa sáng rực rỡ, đưa Selecao thẳng tiến trên hành trình chinh phục Cúp vàng 2014. Tuy nhiên, gánh nặng cũng vì thế đang đè lên đôi vai anh.

Gánh cả hàng công

Bóng đá Brazil có vẻ như đã tìm được một chân sút xứng tầm để thay thế cho Ronaldo. Chỉ sau chưa đầy 4 năm kể từ lần đầu ra mắt đội bóng vàng-xanh, Neymar hoàn toàn thuyết phục người hâm mộ bằng thành tích ghi bàn xuất sắc của mình. Nếu World Cup cách đây 4 năm chứng kiến sự hụt hẫng về việc thiếu tiền đạo giỏi thì hạn chế đó của Brazil đang được lấp đầy bằng Neymar. Chỉ sau 3 trận đấu ở vòng bảng, tài năng 22 tuổi này đã có tới 4 bàn thắng, gồm hai cú đúp trước Croatia và Cameroon. Con số ấy lẽ ra còn có thể cao hơn nếu thủ môn Ochoa không cứu thua ngoạn mục từ cú đánh đầu hiểm hóc của Neymar trong trận hòa Mexico.

neymar
 

Không quá khi nói rằng Neymar đang gánh cả hàng công Brazil. Dù không chơi ở vị trí trung phong nhưng bản hợp đồng đắt giá của Barcelona vẫn chứng tỏ được khả năng săn bàn siêu hạng. Đúng ra, Neymar được phép tự do di chuyển linh hoạt từ cánh trái sở trường vào trung tâm để phát huy khả năng đi bóng kỹ thuật của mình. Tốc độ cũng là một điểm mạnh mà anh từng tận dụng nó để ghi bàn trong trận thắng Croatia.

Thống kê cho thấy, từ đầu giải, Neymar đã thực hiện 11 pha đi bóng vào vòng cấm địa đối phương, thực hiện 8 đường chuyền trong khu vực này, sút trúng khung thành với mức độ chính xác đạt 90,9%. Sự hiệu quả còn được thể hiện qua việc Neymar ghi được tới 4 bàn chỉ sau 11 cú dứt điểm (10 trúng đích).

Neymar quan trọng với Brazil đến mức, bất chấp nguy cơ bị treo giò (Neymar đã nhận 1 thẻ vàng) và chấn thương, HLV Felipe Scolari vẫn quyết định sử dụng anh ở trận cuối gặp Cameroon. Trong hệ thống chiến thuật của Selecao, Neymar vừa đóng vai “trung phong ảo”, vừa khơi nguồn cảm hứng cho các đợt tấn công. Dĩ nhiên, sự hiện diện của anh trên sân cũng thu hút chú ý từ đối phương, giúp các đồng đội có khoảng trống để dứt điểm.

Nỗi lo đằng sau những bàn thắng

Thành tích ghi 4 bàn sau 3 trận vòng bảng của Neymar đã sánh ngang với đàn anh Ronaldo tại World Cup 2002. Nếu cứ với hiệu suất như thế này, Neymar hoàn toàn có thể giành ngôi Vua phá lưới và giúp Brazil lần thứ 6 vô địch thế giới. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang từ ngôi sao này lại ẩn chứa nhiều nỗi lo cho đội quân xứ Samba.

Chắc chắn đang tồn tại cái gọi là “hội chứng phụ thuộc Neymar” ở ĐT Brazil. Thậm chí, nó đã kéo dài suốt từ Confederations Cup 2013 đến nay. Sau giải đấu mà Neymar đoạt danh hiệu Quả bóng vàng và Chiếc giày bạc (4 bàn) này, anh còn ghi thêm 7 bàn thắng khác cho ĐTQG trước khi bùng nổ ở World Cup 2014. Điều dễ nhận thấy nhất, HLV Scolari luôn coi Neymar là một mắt xích không thể thiếu trên hàng công và cũng xây dựng lối chơi xung quanh cầu thủ này. Chẳng thế mà mỗi khi Neymar vắng mặt hoặc không ghi bàn, hiệu suất tấn công của Brazil chỉ ở mức khiêm tốn.

Tính từ sau Confederations Cup đến nay, Selecao chỉ ghi được 10 bàn trong 6 trận khi chân sút số một của mình im tiếng (so với 27 bàn/7 trận mà anh nổ súng). Minh chứng rõ nhất là cuộc đụng độ Mexico ở lượt trận thứ 2 vòng bảng, trong bối cảnh Neymar không thể khuất phục nổi thủ môn Ochoa, cả Fred, Oscar, rồi Bernard, Jo, Willian vào sân từ ghế dự bị cũng chẳng tạo ra sự khác biệt nào.

Hàng công mất cân đối

Tại Confederations Cup 2013, hàng công Brazil đã có sự cân bằng đáng kể nhờ cả Neymar và Fred đều tỏa sáng, chưa kể Jo cũng hỗ trợ tuyệt vời từ băng ghế dự bị, cộng thêm Paulinho hiệu quả ở tuyến hai. Thế nhưng, một năm trôi qua cũng là lúc chứng kiến Fred và Paulinho sa sút nghiêm trọng, còn Jo không có bước đột phá.

Cho đến khi kết thúc Confederations Cup, bộ đôi Fred - Neymar đã tham gia vào 21 trong tổng số 29 bàn thắng của Brazil (72,4%), gồm cả ghi bàn hoặc kiến tạo. Còn bây giờ, “số 10” đang trở thành “nghệ sĩ độc tấu” khi “số 9” đánh mất mình. Những chấn thương ở nửa cuối năm 2013 được coi là nguyên nhân lý giải cho sự sa sút phong độ của Fred. Kể từ đầu năm 204 đến nay, chân sút của Fluminense này chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn cho ĐTQG ở trận gặp Serbia.

Sự mất cân đối ấy tiếp tục diễn ra ở World Cup 2014, nơi mãi đến lượt trận thứ 3 Fred mới ghi bàn, chủ yếu do sai lầm của cầu thủ đối phương trước một đội bóng đã hết hy vọng đi tiếp. Hai trận đấu trước đó, Fred đều chơi quá mờ nhạt mà chỉ đem về quả phạt đền gây tranh cãi. Thống kê cho thấy, anh chỉ chạm bóng 22 giây trong 2 trận đầu, chuyền hỏng 6/20 đường chuyền, thời gian chơi bóng đồng đội chỉ là 52% so với 75% của cả đội tuyển. Một thống kê khác từ đài truyền hình Globo cho biết, trung bình mỗi cầu thủ Brazil nhận được trung bình 37 đường chuyền từ đồng đội, nhưng Fred chỉ có 13. Tệ hơn nữa, người chủ yếu chuyền cho anh là thủ môn Julio Cesar.

Rõ ràng, mối liên kết giữa Fred và các đối tác đang gặp vấn đề mà lý do không hoàn toàn thuộc về phong độ yếu kém của trung phong này. Nhưng ít ra, với việc giải tỏa cơn khát trước Cameroon, Fred hy vọng có thể trút bỏ được áp lực đè nặng để chơi tốt hơn trong những trận tới. Nhiều người vẫn còn nhớ “số 9” của Selecao từng rơi vào tình trạng tương tự cách đây một năm. Fred chỉ ghi bàn trong trận thứ 3 vòng bảng gặp Italia (cú đúp) rồi thêm 3 bàn nữa trước Uruguay ở bán kết (1) và Tây Ban Nha ở chung kết (2).

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X