“Với các cầu thủ Italy, bóng đá là một công việc; với người Anh, nó là một trò chơi”.
Gianluca Vialli, cựu HLV Chelsea, người từng thi đấu ở cả hai nền bóng đá rất đặc trưng của châu Âu tin rằng bóng đá Anh và Italy vẫn giữ được những nét riêng, bất chấp toàn cầu hóa khiến các phong cách đang mờ nhạt.
“Anh và Italy đang gần nhau hơn, nhưng cầu thủ Italy vẫn chơi bằng cái đầu nhiều hơn trái tim”, Vialli nói với Four Four Two.
“Thế hệ Catenaccio”
“Chơi bằng trái tim là cách của người Anh, mang tính giải trí nhiều, nhưng chơi bằng cái đầu có xu hướng đạt kết quả tốt hơn. Người Italy không quan tâm bạn đạt được kết quả ấy bằng cách nào. Miễn là bạn đạt được nó”, Vialli nhận xét. Anh đồng ý rằng đây có thể là nguyên nhân của Catenaccio, lối phòng thủ đặc trưng của Italy xuất hiện từ những năm 1940.
Thời Hoàng kim của các hậu vệ Italy là những năm 1960-70, khi Helenio Herrera của Inter xây dựng Catenaccio và biến nó thành một trường phái thống trị châu Âu. Thứ bóng đá của Italy khi đó theo miêu tả của Vialli: “Kéo một chiếc áo sơ mi thật kín, sút vào những mắt cá chân thật ranh mãnh, trước khi phá bóng lên khán đài rồi chờ tiếng còi hết trận”. Các đối thủ dĩ nhiên cay cú lối chơi ấy, nhưng người Italy thì tự hào (và chẳng thèm quan tâm).
Sau hai lần vô địch World Cup liên tiếp năm 1932 và 1934, Italy vô địch EURO 1968 trên sân nhà sau trận đá lại rồi thắng Nam Tư 2-0 ở chung kết. Sau đó tại World Cup 1970, Italy vào chung kết gặp Brazil. World Cup 1974 thì là một thảm họa khi đội hình Thiên thanh bị già hóa, nên bị loại ngay ở vòng bảng trước Ba Lan.
Italy thi đấu tốt hơn nhiều vào năm 1978, với một thế hệ cầu thủ mới và phong cách mới dưới quyền HLV Enzo Bearzot. Họ lọt vào trận tranh ba tư và một lần nữa thua Brazil. Bearzot là một sản phẩm của trung tâm đào tạo, huấn luyện Coverciano, từng dẫn dắt đội U23 Italy trước khi làm trợ lý cho Ferruccio Valcareggi ở World Cup 1974 tại Tây Đức. Thành tựu của ông đến vào năm 1982, khi tuyển Italy đánh bại Tây Đức 3-1 trong trận chung kết và vô địch thế giới lần thứ 3.
Thành công từ thất bại và scandal
Tuyển Italy từ trước vẫn luôn đối mặt những sự trùng hợp có phần mê tín. Họ vô địch Espana 1982 với tiền đạo Vua phá lưới Paolo Rossi bị cấm thi đấu 2 năm vì scandal dàn xếp tỉ số Totonero năm 1980. Sau đó vào năm 2006, Italy lại vô địch World Cup 2006, sau scandal Calciopoli liên quan đến các cầu thủ nòng cốt thuộc 2 CLB Juventus, Milan, và thậm chí cả HLV Marcelo Lippi.
Sau khi đi từ địa ngục Calciopoli đến thiên đường Berlin 2006, Italy quyết thay đổi. Nhưng phải sau thất bại ở World Cup 2010 họ mới thật sự làm mạnh tay. HLV Cesare Prandelli, người có nhiều điểm tương đồng với Enzo Bearzot, lên thay Marcelo Lippi. Như Bearzot, Prandelli cũng đến đội Italy sau một giai đoạn thảm họa. Ông cũng thành công bước đầu với bóng đá trẻ, cụ thể là trên cương vị HLV đội Allievi (U15) và Primavera (U19) Atalanta. Cho đến giờ, Prandelli vẫn nổi tiếng là ưu ái cầu thủ trẻ.
Hè 2010, Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) cơ cấu lại toàn bộ nền tảng quyền lực tại Coverciano và cả đội tuyển quốc gia. Demetrio Albertini, phó ủy viên FIGC và cựu tiền vệ tuyển Italy được phụ trách các đội tuyển quốc gia từ lứa tuổi thiếu niên đến đội lớn. Arrigo Sacchi, cựu HLV tuyển Italy, phụ trách hệ thống đào tạo trẻ còn Roberto Baggio giám sát việc giảng dạy của các HLV, như một Giám đốc kỹ thuật (năm 2013, Baggio xin từ chức và hiện ông Antonello Valentini giữ chức vụ này). Đó là ý tưởng ban đầu của LĐBĐ Italy: Tạo ra một chiếc kiềng 3 chân gồm khâu huấn luyện, giám sát huấn luyện và đào tạo trẻ. Mô hình ấy hoạt động khá hiệu quả những năm qua.
Theo Thể Thao Văn Hoá