Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Đội tuyển Italy: Cứ thua đi rồi… vô địch World Cup?

Thứ Sáu 06/06/2014 14:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Cứ đá giao hữu là đội tuyển Italy thua, nhưng quá khứ nói rằng, kết quả các trận giao hữu là thứ giả dối nhất Azzurri có thể tạo ra.

1. Trước World Cup 1994, tuyển Italy đá giao hữu với đội Pontedera của vùng Toscana. Đội bóng đó chỉ ở trình độ nghiệp dư, thi đấu tại Serie C2, hạng thấp nhất trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp ở Italy.

Daniele Allori, một trong những cầu thủ chơi trận đấu ấy, nhớ lại: “HLV hôm đó bảo với tôi: Nếu hàng tiền vệ phong tỏa được Baggio thì cậu có thể ghi bàn. Tôi phá lên cười, và các đồng đội của tôi cũng vậy. Baggio rõ là ở một đẳng cấp khác hẳn”.
 

Italia với sức mạnh tập thể đã lên ngôi
 

Gazzetta dello Sport số ra hôm sau tả lại: Pontedera khởi đầu với tâm lý căng thẳng. Massaro mở tỉ số cho Azzurri rồi ghi 1 bàn nữa nhưng không được trọng tài công nhận. Pontedera gỡ hòa, và rồi địa chấn xảy ra: Họ nâng tỉ số lên 2-1.

Thỏa thuận là hai đội sẽ đá mỗi hiệp 40 phút, nhưng khi trận đấu đến phút 80, trọng tài Collina cho bù giờ đến… 10 phút, khiến phần lớn CĐV Fiorentina cổ vũ cho Pontedera trên khán đài hét lên phản đối. Trận đấu vẫn tiếp tục, nhưng thật cay đắng cho Azzurri là họ không thể gỡ hòa.

Gazzetta dello Sport hôm sau giật tít: “Dự World Cup với Pontedera”, kèm dòng nhỏ hơn bên dưới: “Bài học từ những kẻ nghiệp dư”. Pontedera được chào mừng như những anh hùng khi trở về thị trấn, còn tuyển Italy bị chỉ trích tơi tả. Arrigo Sacchi thừa nhận đấy là thời khắc khó khăn nhất sự nghiệp của ông, nhưng rồi câu chuyện kết thúc thế nào chắc ai cũng rõ: Italy giành ngôi Á quân World Cup 1994.

2. Đó không phải là lần đầu đội tuyển Italy dự một giải đấu lớn với khuôn mặt bầm dập vì bị truyền thông đánh đập.

World Cup 1982: Azzurri hòa liền 3 trận vòng bảng trước Ba Lan, Peru và Cameroon, mà Paolo Rossi, tiền đạo được HLV Enzo Bearzot ưu ái mang theo tịt ngòi (loại Roberto Pruzzo, người ghi 15 bàn ở Serie A để chọn Rossi). Sau đó Rossi thành Vua phá lưới còn Italy vô địch.

World Cup 2006: Italy vào giải với scandal Calciopoli khiến một số trụ cột liên đới có thể phải ngồi tù, bất ngờ đá xuất thần, rồi sau đó cũng vô địch.

Trước thềm EURO 2012, Italy thua 3 trận liên tiếp trước Uruguay, Mỹ và Nga ở các trận giao hữu; rồi cũng rúng động bởi scandal bán độ Scommessopoli, bất ngờ giành ngôi Á quân.

3. Các đời HLV tuyển Italy chưa bao giờ coi trọng các trận giao hữu. HLV Lippi thậm chí còn đúc kết thành một “định luật” từ người thầy Enzo Bearzot: Các trận thua là nơi tốt nhất để lên kế hoạch cho các trận thắng. Italy của Lippi đá giao hữu cực tồi, và Italy của Prandelli cũng vậy: Gần 4 năm, đá 22 trận giao hữu mà chỉ thắng 4, và thua tới 11. Nhưng trong thời gian đó, Azzurri chỉ thua đúng 2 trận chính thức sau 90 phút.

Tất nhiên, không thể lấy các trận giao hữu thất bại để tự huyễn hoặc với nhau rằng, Azzurri cứ thua trận nhỏ là sẽ thắng trận lớn. Các trận thua giao hữu liên tiếp có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, sự kém cỏi thật sự về chuyên môn, hoặc một thái độ thi đấu đầy… “mê tín” của các đời tuyển Italy. Và trận hòa Luxembourg hôm qua cũng không thể là thảm họa, khi tuyển Italy vẫn cầm bóng vượt trội, 2 lần đưa bóng trúng xà ngang đối thủ, tạo ra vô số cơ hội.

Tuyển Italy chỉ coi đó là nơi để tập dượt, nơi để… mắc sai lầm, nơi Azzurri tạo ra các trận thắng sau này, và có thể là nơi cho họ trưng ra sự yếu đuối giả dối.

Gazzetta dello Sport hôm qua giật tít: “Italy, chiến thắng ở nơi đâu?”, hòng phàn nàn về 9 tháng không thắng của đội tuyển.

Các tifosi đang mong rằng, ông Prandelli sẽ đáp trả hùng hồn thế này: World Cup!

Theo TTVH

 

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X