- Sau 4 năm, Hà Lan rơi rớt gần 3/4 đội hình
- Casillas cẩn trọng trước đại chiến với Hà Lan
- ĐT Hà Lan: Robben - Van Persie khó là cặp bài trùng!
Khi huấn luyện Ajax Amsterdam, Barcelona hay Bayern Munich, Van Gaal từng áp đặt 4-3-3 với phong cách chơi mà ông muốn sử dụng, và đã thành công, với không ít chiến tích. Tuy nhiên, thất bại lớn nhất của ông đến vào năm 2002, trong nhiệm kỳ đầu tiên nắm đội tuyển Da cam (lỡ hẹn với World Cup 2002).
Giờ trong nhiệm kỳ thứ hai dẫn dắt ĐTQG Hà Lan, ông Van Gaal, người sẽ đến với Man United sau khi World Cup kết thúc, đang tìm cách làm những điều khác biệt. Không chỉ mềm hóa chế độ tập luyện khắt khe từng khiến ông bất hòa với một nhóm cầu thủ hồi năm 2002, ông còn sẵn sàng từ bỏ sơ đồ chiến thuật ưa thích.
Van Gaal đã làm cho cộng đồng bóng đá Hà Lan bị sốc khi thông báo rằng ông đang rũ bỏ thương hiệu bóng đá tổng lực. Người tiền nhiệm Bert van Marwijk thực ra đã làm điều đó ở World Cup 2010, Oranje dù vẫn đá 4-3-3 nhưng với lối chơi xù xì thô ráp đã vào tới trận chung kết. Còn Van Gaal thì cải tổ từ cách tổ chức hàng hậu vệ: Chuyển đổi từ 4-3-3 sang 5-3-2. Bóng đá đẹp không còn là vấn đề tối quan trọng nữa, mà là kết quả thi đấu - một triết lý đem lại cho những người duy mỹ như ‘Thánh’ Cruyff những cơn ác mộng.
Tuy nhiên, sự thay đổi này có ý nghĩa đối với một ĐTQG không có nhiều những cầu thủ đẳng cấp thế giới như năm 1974, cuối thập kỷ 80 hay năm 1998, và đang phải “tìm một con đường, tìm một lối đi” vượt qua bảng đấu có ĐKVĐ thế giới và châu Âu Tây Ban Nha, Chile và Australia. Việc mất tiền vệ giàu ảnh hưởng Kevin Strootman bởi chấn thương cũng là một lý do chính đáng về chuyên môn khiến ông Van Gaal hạ nhiệt được sự chỉ trích từ phía giới truyền thông Hà Lan, vì rõ ràng không có sự thay thế xứng đáng cho tiền vệ con thoi này.
Hàng phòng ngự của Oranje, một lần nữa, vẫn là điểm yếu nhất với 6/8 hậu vệ được triệu tập vừa kết thúc mùa bóng ở giải nội địa yếu ớt. Chuyển sang sơ đồ 5 hậu vệ, họ vẫn cần “nhân vật phản diện” năm 2010, tiền vệ của AC Milan Nigel de Jong, che chắn phía trước để tăng thêm chất thép.
Dẫu vậy, Hà Lan có thể đặt hy vọng vào tuyến đầu vẫn có đủ tài năng mà nhiều đội tuyển khác thèm muốn, với bộ đôi van Persie (Man United) và Arjen Robben (Bayern Munich). Phía sau họ là Wesley Sneijder, người đang bắt đầu lấy lại phong độ đầy cảm hứng, sẵn sàng sắm vai một “tay súng” thượng thặng khi cần, như cách đây bốn năm tại Nam Phi.
Hà Lan đến Brazil sau hai trận giao hữu đều thắng không mấy ấn tượng, 1-0 trước Ghana và 2-0 trước Xứ Wales. Nhưng có thể một-Hà-Lan-mới, không chịu quá nhiều sức ép của giới truyền thông Hà Lan và người hâm mộ, sẽ gây được bất ngờ từ vị thế bị đánh giá thấp. Đừng vội gạch tên Hà-Lan-của-ông-Van-Gaal ra khỏi danh sách các ứng viên!
Theo TTVH