Ban đầu công cuộc đổi mới của “Die Mannschaft” nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Bởi đấy là lúc bóng đá Đức khủng hoảng toàn diện. Nhưng khi mà tuyển Đức liên tục lặp đi, lặp lại kịch bản thất bại thì người ta bắt buộc phải có sự xét lại.
Khiếm khuyết của “Die Mannschaft”
Đá đẹp và sự hiệu quả luôn là 2 mặt đối lập khó tìm được sự dung hòa. Với đội tuyển Đức cũng vậy. Trước đây, họ được biết đến như một cỗ xe tăng xù xì, nhưng lại rất khó bị đánh bại, cứ thế lừng lững tiến lên. Đến mức danh thủ Gary Lineker của bóng đá Anh phải đúc kết đầy chua chát: “Bóng đá là trò chơi của 22 người đàn ông và 1 quả bóng, nhưng người chiến thắng cuối cùng luôn là người Đức”.
Nhưng đấy là câu chuyện của quá khứ. Còn hiện tại, đội bóng của Joachim Loew là một trong những đội đá đẹp và cống hiến nhất hành tinh. Các trận đấu có sự góp mặt của “Die Mannschaft” luôn thừa mứa bàn thắng. Tính tổng cộng trong 21 trận gần nhất của đội tuyển Đức thì đã có tới 80 bàn thắng được ghi, tức là trung bình tới gần 4 bàn/trận. Chỉ có điều, số danh hiệu của họ lại không tỉ lệ thuận với số bàn thắng.
Ở cả 4 giải đấu tính từ World Cup 2006, đội tuyển Đức đều không thể đi đến tận cùng khám phá, dù họ đều ít nhất có mặt ở Bán kết và luôn để lại ấn tượng mạnh ở những thời điểm cụ thể. Nhưng vấn đề là “Die Mannschaft” tỏ ra thiếu một chút lì lợm, bản lĩnh để vượt qua những thời điểm sống còn. Cụ thể do lối chơi quá cởi mở, nên hàng thủ của đội bóng này luôn tồn tại những lỗ hổng chết người, bị đối phương khai thác.
Trận hòa 2-2 với Cameroon rạng sáng qua tiếp tục khiến các CĐV của Đức phải lo lắng. Hàng phòng ngự của đội bóng vẫn rất sơ hở và mắc lỗi trong cả 2 bàn thắng của đại diện châu Phi. Không những thế, do “lá chắn” ở giữa sân Sami Khedira chưa có phong độ cao, nên khả năng phòng thủ của đội tuyển Đức còn càng trở nên báo động hơn bao giờ hết. HLV Joachim Loew sẽ buộc phải tìm ra cách gia cố tấm khiên mong manh này, nếu không muốn một lần nữa trở thành kẻ chiến bại.
Không thể lên ngôi với đôi chân đất sét?
Lịch sử đã chứng minh kể từ sau Argentina của Maradona tại Mexico 1986, thì các nhà vô địch World Cup đều phải là những đội bóng ít nhiều đề cao tính thực dụng. Đừng để tiki-taka của Tây Ban Nha đánh lừa, khiến bạn lầm tưởng họ chơi cống hiến. Trên thực tế, Tây Ban Nha xứng đáng là kẻ thực dụng nhất trong số những kẻ thực dụng. Bằng chứng là tại World Cup 2010, từ vòng knock-out, Tây Ban Nha đều kết liễu đối thủ bằng series chiến thắng 1-0, lạnh lùng đến vô cảm.
Đội tuyển Đức ở Italy 1990 hay Italy tại World Cup 2006 thì chẳng phải bàn. Đó đều là những thương hiệu lớn của lối chơi đặt sự hiệu quả lên trên hết. Ngay cả với Brazil, một đội tuyển nổi tiếng tôn thờ cái đẹp, thì trong cả 2 lần nâng Cúp gần đây (1994 và 2002), họ đều được dẫn dắt bởi những HLV yêu cầu sự chắc chắn nơi hàng thủ, trước khi tấn công: Carlos Parreira và Scolari. Tương tự như thế, Pháp đã chinh phục World Cup 1998 với chỉ 3 bàn thua trong cả giải đấu (giữ trắng lưới ở 3/4 trận từ vòng knock-out).
Vậy đấy! Để lên ngôi một đội bóng buộc phải có nền tảng, chỗ dựa là một hàng thủ chắc chắn. Bóng đá hiện đại đơn giản là quá khắc nghiệt với những kẻ mộng mơ. Trong khi thày trò Joachim Loew dường như lại đang vào vai chàng Don Quixote trong đầu tràn đầy những ý tưởng viển vông, cứ liều mình lao vào chiếc cối xay gió và….thất bại!
Theo TTVH