Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Điểm nhấn trận Đức 2-1 Algeria: Lịch sử suýt lặp lại và nỗi lo hàng thủ

Thứ Ba 01/07/2014 09:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Được đánh giá cao hơn hẳn nhưng tuyển Đức phải rất chật vật mới vượt qua được Algeria, thậm chí còn bị lép vế ở nửa đầu hiệp Một.

1. Algeria suýt tái lập lịch sử

Trong quá khứ, Algeria từng gặp Đức 2 lần và thắng cả 2. Tại World Cup 1982, Algeria từng hạ gục Đức khi đó là đương kim vô địch châu Âu. Nửa đầu hiệp Một trận vòng 16 đội vừa qua, Algeria lại một lần nữa khiến người Đức thót tim.

đức
 

Đội bóng Bắc Phi chơi rất có tổ chức, chặt chẽ trong phòng ngự và sắc bén trong tấn công. Những pha lên bóng đầy tốc độ của Algeria đã khiến hàng thủ Đức nhiều lần chao đảo, buộc Manuel Neuer không ít lần phải lao ra ngoài vòng cấm địa phá bóng.

Trong thời gian đó, tuyển Đức đã hoàn toàn bị ngợp trước sức mạnh và sự tinh quái của đối phương. “Die Mannschaft” chơi không có ý tưởng, liên tục chuyền hỏng. Nếu các chân sút của Algeria dứt điểm tốt hơn, Đức đã bị chọc thủng lưới ngay trong hiệp Một. Với thế trận lúc đó, chưa chắc đội quân của HLV Joachim Loew đã gượng dậy nổi.

2. Hàng thủ mong manh

Trước thềm World Cup, người ta đã lo ngại cho hàng công của tuyển Đức khi HLV Joachim Loew chỉ mang theo đúng một trung phong, lại đã 36 tuổi. Tuy nhiên, tại Brazil, hàng thủ đã để lộ ra rằng đây mới là tử huyệt của "Die Mannschaft".

Ở vòng loại khu vực châu Âu, Đức là đội đầu bảng bị thủng lưới nhiều nhất. Đoàn quân của HLV Loew từng gây sốc khi dẫn trước Thụy Điển 4-0 rồi để đối phương gỡ hòa.

Tại Brazil, điểm yếu này vẫn chưa được khắc phục. Ở trận mở màn, trước khi Mario Goetze kiếm được quả đá penalty, Đức liên tục bị Bồ Đào Nha uy hiếp do hàng thủ chơi quá sơ hở. Nếu Bồ Đào Nha sở hữu một trung phong xuất sắc hơn, Đức đã phải trả giá.

Ở trận gặp Ghana rồi Mỹ, kịch bản cũng lặp lại. Sau trận gặp Mỹ, HLV Loew từng phải kêu trời: "Hàng thủ đã chơi rất mất tập trung, tạo cho đối phương quá nhiều cơ hội". Nhưng rốt cuộc, ở trận gặp Algeria, những sai lầm này vẫn tái diễn.

Đây là hậu quả của việc tuyển Đức, có cả 2 trung vệ, đều dâng rất cao. Chỉ cần giành được bóng, đối phương đã dễ dàng tổ chức phản công do hàng thủ của Đức có quá nhiều lỗ hổng. Ở trận đấu với Algeria, Đức không bị thủng lưới trước chủ yếu nhờ những pha lao ra phá bóng rất hợp lý của Neuer. Nhưng trước các tiền đạo nhanh hơn, xuất sắc hơn, không rõ thủ môn này có tiếp tục chiến thắng.

3. Khác biệt về đẳng cấp

So với 4 năm trước, Algeria đã tiến bộ vượt bậc. Ở Nam Phi 2010, Algeria thi đấu mờ nhạt, không vượt qua nổi vòng bảng. Còn ở Brazil 2014, "Cáo sa mạc" cho thấy họ là một đội bóng được tổ chức tốt, giàu kỷ luật, có những pha phản công sắc như dao cạo. Lần đầu tiên trong lịch sử, Algeria đã lọt vào vòng 16 đội  và có những lúc tưởng như sẽ giành vé vào tứ kết.

Nhưng cuối cùng, Algeria vẫn chưa thể vượt qua được cách biệt về đẳng cấp so với Đức. Dù lối chơi không ấn tượng nhưng bù lại, Đức có nhiều ngôi sao đẳng cấp hơn, lực lượng dự bị phong phú và chất lượng hơn. Bàn thắng quyết định của trận đấu được ghi bởi Andre Schuerrle, cầu thủ vào sân từ ghế dự bị ở đầu hiệp Hai.

Tuy thua trận nhưng dẫu sao, Algeria cũng có thể ra về trong thế ngẩng cao đầu. Nếu duy trì được đà tiến bộ hiện nay, “Cáo sa mạc” sẽ còn tiến xa trong tương lai.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X