Sau hai lượt trận đầu tiên, Colombia đã thể hiện đúng tư cách đội hạt giống của bảng khi giành trọn vẹn 6 điểm với phong độ cực kỳ thuyết phục (thắng Hy Lạp 3-0 và Bờ Biển Ngà 2-1) và trở thành đội tuyển thứ 3 sau Hà Lan, Chile của bảng B chính thức có mặt ở vòng 1/8 nên Colombia đang được kỳ vọng sẽ là chú ngựa ô của giải đấu. Trong khi đó, Nhật Bản để lại nỗi thất vọng lớn nhất. Trước giải, họ hùng hồn đặt mục tiêu lọt vào tứ kết chứ không đơn giản chỉ là vượt qua vòng bảng thế nhưng Nhật đã thua đau Bờ Biển Ngà và rạng sáng nay, hoà thất vọng Hy Lạp bất chấp được chơi hơn người trong gần 2/3 thời gian thi đấu.
Đại diện của châu Phi vẫn phần nào chứng tỏ được năng lực, trình độ của mình dựa trên dàn cầu thủ thiện chiến, nhiều năm thi đấu tại châu Âu còn phong cách thực dụng của Hy Lạp được hình thành từ thời "Thánh" Otto Rehhagel mà từng giúp họ viết nên câu chuyện thần thoại ở Euro 2014 rõ ràng đã quá lỗi thời, cũ kỹ từ cách tổ chức cho đến nhân sự. Tuy nhiên, với việc cầm chân được Nhật Bản trong thế dưới cơ (nếu họ biết chắt chiu cơ hội và thủ môn Nhật không có vài pha cứu thua xuất thần thì chưa biết chừng Hy Lạp đã giành chiến thắng), đội tuyển đến từ xứ sở các vị thần có quyền tin vào khả năng đánh bại Bờ Biển Ngà, nhất là khi những gương mặt của lục địa đen vốn vẫn mang trong người chất hoang dã thường rất sợ khi phải chạm trán những đội theo trường phái thực dụng triệt để như Hy Lạp. Do đó, cơ hội giành tấm vé còn lại của bảng C vẫn chia đều cho cả 3 và Bờ Biển Ngà chưa chắc đã chiếm lợi thế lớn nhất dù đang có trong tay số điểm lớn nhất.
Ngôi đầu khó thoát khỏi tay Colombia trừ phi họ không muốn do được quyền chọn đối thủ ở vòng 1/8 |
Vậy thì hãy cùng vẽ ra những kịch bản có thể xảy ra ở lượt cuối bảng C. Đầu tiên, xin được nhắc lại rằng, ở VCK World Cup lần này, FIFA đã quyết định áp dụng quy tắc cũ để phân định thứ hạng khi các đội bằng điểm nhau. Đó là sử dụng hiệu số bàn thắng - bại là tiêu chí xét đến trước tiên rồi mới tính đến các tiêu chí khác. Còn nhớ, ở mấy VCK trước đó, FIFA dùng "thành tích đối đầu trực tiếp giữa các đội có liên quan" làm tiêu chí quan trọng nhất để xếp thứ hạng, sau đó mới đến hiệu số bàn thắng - bại. Thực ra, việc FIFA lấy hiệu số bàn thắng - bại cũng có cái hay. Thứ nhất, nó đơn giản, dễ hiểu, dễ phân tích chứ không lằng nhằng như "thành tích đối đầu trực tiếp". Thứ hai, nó sẽ kích thích các đội chơi tấn công nhằm giành chiến thắng đậm nhất có thể hòng còn có cái để so đọ chứ áp dụng tiêu chuẩn kia thì đôi lúc các đội chỉ cần thắng là đủ nên sẽ không hết mình.
Đây là tình hình hiện tại của bảng C sau 2 lượt đâu và chúng ta sẽ dựa vào để phân tích
Trận | Thắng | Hoà | Thua | Bàn thắng | Bàn thua | Hiệu số | Điểm | ||
1 | Colombia | 2 | 2 | 0 | 0 | 5 | 1 | 4 | 6 |
2 | Bờ Biển Ngà | 2 | 1 | 0 | 1 | 3 | 3 | 0 | 3 |
3 | Nhật Bản | 2 | 0 | 1 | 1 | 1 | 2 | -1 | 1 |
4 | Hy Lạp | 2 | 0 | 1 | 1 | 0 | 3 | -3 | 1 |
1. Colombia (6 điểm, hiệu số: +4)
Với thành tích này thì Colombia có đến 90% khả năng sẽ kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu mà không cần quá bận tâm đến kết quả lượt cuối bởi đội đứng gần nhất (Bờ Biển Ngà) chẳng những kém 3 điểm tương đương với một trận thắng mà chỉ số phụ cũng rất thấp. Colombia sẽ chỉ mất ngôi đầu nếu như thua Nhật với cách biệt từ 3 bàn trở lên và đồng thời Bờ Biển Ngà thắng Hy Lạp cũng với cách biệt từ ba bàn trở lên. Ngoài ra, còn một tình huống khác. Đó là nếu Colombia thua Nhật với cách biệt đúng 2 bàn (0-2, 1-3,...) và Bờ Biển Ngà cũng hạ gục Hy Lạp bằng kết quả tương ứng (nói đơn giản là tỷ số hai trận giống nhau) thì khi đó, Colombia và Bờ Biển Ngà sẽ cùng số điểm, cùng hiệu số, cùng số bàn thắng ghi được. Đến lúc này, thành tích đối đầu trực tiếp sẽ được tính đến và Colombia do thắng Bờ Biển Ngà nên vẫn xếp trên. Tất nhiên, sẽ còn trường hợp như Colombia thua Nhật 0-2 còn Bờ Biển Ngà thắng Hy Lạp 3-1 (tức là số bàn thắng của Bờ Biển Ngà nhiều hơn số bàn thua của Colombia nếu khoảng cách xét đến vẫn là 2 bàn) thì Colombia sẽ xuống thứ hai do kém về số bàn thắng ghi đuợc.
Kết luận: Trừ phi Colombia có ý định "thả tự do" cho Nhật Bản nhằm không muốn xếp đầu bảng thì Bờ Biển Ngà mới có khả năng kết thúc vòng bảng với vị trí số 1 dù chưa chắc họ đã đủ sức huỷ diệt Hy Lạp. Thực ra, khả năng đó không phải không có cơ sở bởi theo cách sắp xếp của FIFA, thì hai trận cuối bảng C sẽ diễn ra sau khi hai trận cuối bảng D đã kết thúc, tức là Colombia được quyền chọn đối thủ ở vòng 1/8. Dù vậy, trong mọi hoàn cảnh, tin chắc Colombia sẽ chỉ tung đội hình dự bị hoặc chơi cầm chừng nhằm dành sức cho vòng 1/8 đồng nghĩa mở ra cơ hội chiến thắng cho Nhật Bản
2. Bờ Biển Ngà (3 điểm, hiệu số: 0)
Bờ Biển Ngà là đội duy nhất ở bảng C còn cơ hội cạnh tranh ngôi đầu với Colombia nhưng có lẽ thủ lĩnh Drogba cùng các đồng đội chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng mà thôi. Họ sẽ hoàn thành kế hoạch đó nếu:
- Thắng Hy Lạp bằng bất cứ tỷ số nào còn việc có được ngôi đầu hay không thì đã được phân tích chi tiết ở phía trên.
- Hoà Hy Lạp và Nhật không thắng Colombia
- Hoà Hy Lạp và Nhật chỉ có thể thắng tối thiểu Colombia (1-0, 2-1, 3-2,...) nhưng tổng số bàn thắng Nhật ghi được ở vòng bảng phải bằng hoặc nhỏ hơn tổng số bàn thắng của Bờ Biển Ngà. Bởi nếu hai đội cùng điểm số, cùng hiệu số bàn thắng - bại thì đội nào ghi nhiều bàn hơn sẽ đứng trên. Nếu số bàn thắng ghi được bằng nhau thì mới xét đến thành tích đối đầu trực tiếp mà cái này thì Bờ Biển Ngà đương nhiên hơn Nhật Bản vì thắng 2-1 trong trận đối đầu.Chưa biết chừng, Hy Lạp và Nhật Bản sẽ phải xài đến lá thăm may mắn để xác định đội giành quyền đi tiếp
3. Nhật Bản (1 điểm, hiệu số: -1)
- Thắng Colombia với cách biệt từ hai bàn trở lên (2-0, 3-1, 3-0,....) và Bờ Biển Ngà hoà Hy Lạp. Khi ấy, Nhật Bản sẽ giành quyền đi tiếp nhờ hơn hiệu số bàn thắng - bại
- Thắng Colombia với cách biệt đúng 1 bàn trở lên và Bờ Biển Ngà hoà Hy Lạp nhưng với điều kiện tổng số bàn thắng của Nhật phải cao hơn Bờ Biển Ngà.
- Thắng Colombia với cách biệt tối thiểu và Hy Lạp thắng Bờ Biển Ngà với cách biệt dưới 3 bàn. Khi ấy, Nhật sẽ đứng trên Hy Lạp nhờ hơn hiệu số bàn thắng - bại. Như vậy, Nhật càng thắng cách biệt Colombia thì đồng nghĩa Hy Lạp cũng đồng thời càng phải thắng Bờ Biển Ngà với cách biệt cao hơn. Ví dụ, Nhật thắng Colombia với cách biệt hai bàn thì Hy Lạp phải thắng Bờ Biển Ngà với cách biệt từ 4 bàn trở lên thì mới mong hơn người Nhật về chỉ số phụ
Trong trường này, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ lý thú và bắt buộc FIFA phải xài tới hình thức cuối cùng (bốc thăm may mắn) để chọn ra đội giành quyền đi tiếp nếu như Nhật và Hy Lạp giành được những thắng lợi mà sẽ khiến họ không chỉ cùng chỉ số phụ mà còn tương đồng luôn về số bàn thắng (chẳng hạn, Nhật thắng Colombia 2-1 và Hy Lạp thắng Bờ Biển Ngà 3-0. Khi đó, cả hai cùng có hiệu số 3-3). Ở trận đối đầu trực tiếp, hai đội hoà 0-0 đồng nghĩa FIFA chẳng còn bất cứ cơ sở nào để phân định ai xếp trên nên chỉ còn cách rút thăm may mắn. Trong lịch sử VCK World Cup, mới chỉ duy nhất một lần biện pháp này được xài tới. Đó là vào World Cup 1970 khi Liên Xô cũ và Mexico có cùng điểm số, cùng hiệu số và hoà ở trận đối đầu trực tiếp nên FIFA buộc phải bốc thăm chọn đội nhất bảng và may mắn thuộc về Liên Xô cũ. Thực ra, khi đó, FIFA chưa cài thêm tiêu chí "số bàn thắng ghi được" nhưng kể cả như thế thì Liên Xô vẫn đứng trên vì ghi nhiều bàn hơn. Biết đâu đấy ở VCK lần này, FIFA sẽ phải xài đến trò "lá thăm may rủi" ở bảng C.
4. Hy Lạp (1 điểm, hiệu số: -3)
- Thắng Bờ Biển Ngà bằng bất cứ tỷ số nào và Nhật không thắng được Colombia
- Thắng Bờ Biển Ngà với cách biệt đủ lớn trong trường hợp Nhật thắng Colombia để mong hoặc vượt qua về chỉ số phụ hoặc hơn về số bàn thắng ghi được. Tình huống này đã được đề cập đôi chút ở phía trên.
Bảo Phương