Nạn chấn thương đang không “buông tha” cho bất cứ ngôi sao hay một quốc gia nào. Từ Marco Reus, Ilkay Guendogan, Holger Badstuber của ĐT Đức, Franck Ribery, Clement Grenier của Pháp, Radamel Falcao của Colombia, Riccardo Montolivo của Italia hay 2 cầu thủ đầy tốc độ của ĐT Anh là Theo Walcott và Kyle Walker.
ĐT Hà Lan cũng mất Rafael van der Vaart, Kevin Strootman và Gregory van der Wiel, Tây Ban Nha thiệt hại Victor Valdes và Thiago Alcantara, Croatia cũng không có được tiền vệ từng thi đấu lâu năm tại Premier League, Niko Kranjcar. Đến ngay cả Luis Suarez, một cầu thủ dường như được “miễn nhiễm” với chấn thương cũng từng đối mặt nguy cơ phải chia tay giải. Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha cũng chẳng chịu đứng ngoài cuộc.
Đáng lo ngại hơn, đây mới chỉ là giai đoạn khởi động cho World Cup mà thôi. Một khi vào giải, nạn chấn thương chắc chắn sẽ còn hoành hành dữ dội hơn nhiều, bởi giai đoạn vòng bảng là lúc các cầu thủ phải căng sức thi đấu với mật độ khá dày, 3 trận chỉ trong khoảng 10 ngày. Chưa kể thời tiết nóng nực và bầu không khí loãng tại Brazil sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng thể lực vốn đã chẳng lấy gì đảm bảo của các ngôi sao sau một mùa giải “cày ải” miệt mài. Lionel Messi với “thói quen”… nôn khan liệu có còn đứng vững nổi qua giai đoạn này?
Nhưng như người Việt ta thường nói, trong cái khó, cái khôn sẽ ló ra. Biết đâu đấy, những chấn thương của các ngôi sao đình đám lại sẽ là cơ hội để các “sao mai” bừng sáng, để World Cup sẽ trở nên khó lường hơn, thú vị hơn? Ribery chấn thương, người Pháp đặt kỳ vọng cả vào cái tên thay thế, Remy Cabella, tốc độ và kĩ thuật chẳng kém đàn anh, mà đã mấy ai biết mặt. Vắng Marcos Reus nhưng tuyển Đức không vì thế mà bớt nguy hiểm với những Andre Schuerrle hay Julian Draxler. Ai dám bảo họ không tài năng? Chỉ có điều, đẳng cấp của họ chưa được kiểm chứng tại sân chơi cao nhất, nhưng ngược lại, đó cũng là tiền đề cho các “hiện tượng” thú vị ra đời.
Mất Falcao, người Colombia không lo lắng, bởi họ đã có bộ đôi tiền đạo Jackson Martinez và Adrian Ramos với tổng cộng 40 bàn thắng ghi được tại các giải đấu hàng đầu châu Âu mùa giải vừa qua. Không Van Der Vaart, Hà Lan càng trở nên nguy hiểm với một mình “nhạc trưởng” Wesley Sneijder, chưa kể Arjen Robben luôn sẵn sàng tự mình tỏa sáng, và một Robin Van Persie đã hoàn toàn khỏe mạnh. Ngay cả Ronaldo hay Suarez cũng chẳng phải không thể thay thế nếu không đảm bảo được thể lực tốt, bởi Nani, Vieirinha (Bồ Đào Nha) hay Abel Hernandez (Uruguay) luôn sẵn sàng thể hiện mình.
Hãy nhớ lại, chúng ta từng trầm trồ thế nào trước các “hiện tượng” Adnan Januzaj (M.U), Raheem Sterling, Jordan Henderson (Liverpool) hay Aaron Ramsey (Arsenal)… Không “sao mai”, sẽ chẳng bao giờ có ngôi sao. Mà kỳ World Cup này lại chẳng thiếu những “sao mai” ấy, bởi hơn ai hết, các HLV biết rõ quốc gia mình dẫn dắt sở hữu tài năng nào, tiềm năng ra sao và tất cả những cái tên được họ mang tới Brazil đều là những cá nhân tinh túy nhất.
Các ĐTQG đang phải trả giá cho những giải đấu trường kì cấp CLB. Người hâm mộ trái bóng tròn cũng đang trải qua từ thất vọng này tới thất vọng khác khi các thần tượng của chúng ta cứ lần lượt phải rời cuộc chơi. Nhưng sức hấp dẫn của giải đấu hay nhất hành tinh không vì thế mà giảm sút, bởi dù có là ai, đã nổi tiếng hay chưa một lần lên tuyển, đã khoác áo ĐTQG sẽ đều thi đấu với hơn 200% khả năng của mình. Hơn thế nữa, chẳng phải trong bóng đá, những điều bất ngờ và mới mẻ mới thực sự đem đến cảm xúc tột cùng đó sao?
Theo Bongdaplus.vn