Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Chiến thuật của Hà Lan: Tiếp tục quay lưng với bóng đá tổng lực

Thứ Sáu 13/06/2014 14:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Hà Lan từng khiến cả thế giới mê hoặc bằng thứ bóng đá tổng lực (Total Football). Thậm chí, người Hà Lan đã biến không gian trên sân thành của riêng họ nhờ lối chơi ưu việt của mình.

Tuy vậy, khi Hà Lan thi đấu tại World Cup 2014, người ta sẽ thấy một đội bóng hoàn toàn lạ lẫm. Đó không còn là một Hà Lan với thứ bóng đá tổng lực mê hoặc nữa, mà là một đội bóng phòng ngự với 5 hậu vệ, co cụm, và có thể là rất nhàm chán.

Không gian từng là “độc quyền” của người Hà Lan

“Total Football” là lối chơi mà trong đó một cầu thủ có thể đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trên sân. Nó được Ajax sử dụng rộng rãi trong giai đoạn 1965-1973, và sau đó đạt đến đỉnh cao ở đội tuyển Hà Lan dưới sự dẫn dắt của Rinus Michels.

 

Trong hệ thống “lỏng” này, ngoài thủ môn, không một cầu thủ nào có một vai trò cố định, mà anh ta có thể là một tiền đạo, một tiền vệ hay một hậu vệ.

Johan Cruyff chính là nhân tố quan trọng nhất trong “Total Footbal”. Ông là một tiền đạo trong danh sách thi đấu, nhưng trên sân, Cruyff hoạt động ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, không gian và nghệ thuật tạo ra không gian mới là trung tâm của “Total Football”.

Barry Hulshoff, cựu hậu vệ của Ajax, đã nói về cách mà đội bóng của ông đã hai lần liên tiếp vô địch châu Âu (1972, 1973): “Chúng tôi thảo luận về không gian mọi lúc mọi nơi. Johan Cruyff luôn nói về vị trí mà các cầu thủ nên di chuyển vào và nơi mà họ nên đứng lại, và khi nào thì không nên di chuyển”.

Một cách dễ hiểu, sự hoán đổi vị trí liên tục, cốt lõi của “Total Football”, chỉ có được khi một cầu thủ có ý thức về mặt không gian. “Tất cả là về tạo ra khoảng trống, di chuyển vào khoảng trống, và tổ chức khoảng trống, như một kiến trúc sư trên sân”, Hulshoff nói tiếp.

Đội Hà Lan của thập niên 1970 là tập thể đầu tiên ứng dụng sự hoán chuyển để tạo ra không gian linh hoạt, với sơ đồ 4-3-3. Vì chiếm lĩnh không gian cực tốt nên Hà Lan của Michel thu hẹp khoảng trống rất giỏi khi phòng ngự và mở rộng nó một cách linh hoạt khi tấn công.

Đó là lý do tại sao Hà Lan thườngphòng ngự từ… nửa sân của đối phương, khiến đối phương hầu như không có khoảng trống và thời gian đủ để triển khai lối chơi.

Khi van Gaal cũng quay lưng

Không giống người tiền nhiệm Bert van Marwijk, vốn nổi tiếng vì áp dụng một lối chơi tiêu cực và thô bạo cho Hà Lan, Louis van Gaal cũng là một tín đồ của bóng đá tấn công. Sơ đồ ưa thích của ông là 4-3-3 truyền thống của người Hà Lan và đây cũng là chiến thuật của “Oranje” tại vòng loại World Cup 2014.

Tuy nhiên, phát biểu trước trận mở màn với TBN, van Gaal thừa nhận rằng ông sẽ áp dụng sơ đồ 5 hậu vệ (5-3-2), và đây sẽ là chiến thuật của Hà Lan tại Brazil. Tất nhiên, trong cách chơi này, không gian chơi bóng và nghệ thuật tạo ra nó chỉ còn là một sự xa xỉ.

Việc van Gaal quay lưng với sơ đồ 4-3-3 truyền thống khiến người ta nhớ lại Hà Lan của van Marwijk tại World Cup 2010 khi họ chơi thứ bóng đá xấu xí bậc nhất của giải đấu, mà đỉnh điểm là màn trình diễn bạo lực trong trận Chung kết với TBN. Van Gaal không muốn lặp lại những gì van Marwijk đã làm nhưng có lẽ ông không thể làm khác.

So về mặt lực lượng, Hà Lan hiện tại còn kém hơn cả 4 năm về trước khi trong tay van Gaal chỉ còn lại 3 ngôi sao đáng xem (nhưng đều qua ngưỡng 30 tuổi) là van Persie, Robben và Sneijder, bên cạnh một tập thể trẻ trung nhưng cực kỳ thiếu kinh nghiệm.

Hà Lan hoàn toàn có thể bị loại ngay từ vòng bảng nếu như họ không đặt sự hiệu quả lên trên hết. Vì thế, sự lựa chọn của van Gaal, dù là một sự quay lưng với truyền thống, có lẽ cần được tôn trọng. 

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X