- Huyền thoại Oliver Kahn "bênh" Robben: Cậu ta đã quá kinh nghiệm và lọc lõi
- Thủ môn Neuer đã biến thành "máy quét" như thế nào?
- Trung vệ ĐT Đức “nổi đóa” vì bị chê bai
Sau chiến thắng nhọc nhằn 2-1 trước Algeria, Per Mertesacker tiến vào đường hầm với thông điệp “Đừng phân tích trận đấu này” gửi đến các phóng viên. Có thể hiểu được tại sao trung vệ của ĐT Đức nói vậy. Bởi thày trò Joachim Loew bộc lộ quá nhiều yếu kém trong cuộc đọ sức với Algeria…
Tất nhiên, những cuộc đấu knock-out không bao giờ là điều dễ dàng. ĐT Đức của Joachim Loew không đáng trách vì 120 phút nhọc nhằn trước đối thủ dưới cơ Algeria. Mà vấn đề nằm ở cách họ lựa chọn tiếp cận trận đấu.
Sơ hở phòng ngự
Thủ thành Rais của ĐT Algeria đã được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Nhưng người đồng nghiệp của anh, Manuel Neuer cũng xứng đáng được tôn vinh. Chỉ có điều, trong khi Rais gây ấn tượng với những phản xạ xuất thần, cứu thua xuất sắc, thì Neuer khiến người ta phải nhớ đến mình bởi những cú cản phá giống như một… hậu vệ.
Không ít lần, Đức để Algeria đưa bóng xuống hai biên và vào khoảng trống đằng sau các hậu vệ tương đối dễ dàng, dù là trong tình huống họ bị tấn công hay bị phản công. Neuer thường xuyên phải “xuất tướng”, đơn giản vì anh không có lựa chọn nào khác: Anh là chốt chặn cuối cùng của một hệ thống thi đấu cực kỳ phiêu lưu.
Loew đã sao chép nguyên xi cách đá mà Pep Guardiola áp dụng tại Bayern Munich, và ông thậm chí không thay đổi nó ngay cả khi Algeria đã khiến những trái tim yêu đội Đức nhảy lô-tô trong lồng ngực.
Bản sao của Bayern Munich
Trước Algeria, Loew thực sự đã biến Die Mannschaft thành bản sao của Bayern Munich. Ông vẫn bố trí Lahm chơi ở giữa sân cùng với 2 người đồng đội ở Bayern Munich là Schweinsteiger và Kroos. Còn Mueller đảm nhiệm vai trò đá cắm trong sơ đồ 4-1-4-1. Đây là chiến thuật vẫn được Loew áp dụng ở vòng bảng. Nhưng điều đáng nói là ở trận này, ông đã có những điều chỉnh, khi đẩy hàng hậu vệ lên rất cao. Hai hậu vệ biên được biến thành những tiền vệ cánh, còn bộ đôi trung vệ cũng luôn áp sát giữa sân.
Cách bố trí đội hình này chính là thứ Pep vẫn làm ở Bayern Munich, để phục vụ lối chơi tiki-taka. Có thể nói, ĐT Đức ở trận này đã chơi tiki-taka đúng nghĩa, giống hệt Bayern Munich. Nó khác hẳn với vòng bảng, dù họ có tổng cộng 1999 đường chuyền (tính cả phạt góc) – nhiều nhất giải, nhưng đó hoàn toàn không phải là tiki-taka của Bayern Munich. Bởi Loew không mấy khi để các hậu vệ dâng cao, những trung-vệ-đá-biên tập trung vào phòng ngự, hơn là tấn công.
Hệ quả của sự sao chép nguyên mẫu là ĐT Đức của Loew đã gặp những khó khăn giống hệt Bayern Munich. Những pha tấn công của các cầu thủ áo trắng tỏ ra rất bế tắc, thiếu ý tưởng. Do khoảng không gian cuối phần sân của Algeria bị bóp nghẹt bởi sự xuất hiện của quá đông cầu thủ 2 đội. Trong khi đó, hàng thủ của Die Mannschaft luôn thường trực sống trong nỗi lo bị dính phản công. Mà nếu không có sự xuất sắc của “trung vệ thòng” Neuer thì hẳn người Đức đã ôm hận.
Cách bố trí nhân sự của Loew cũng rất đáng bàn. Dù đẩy 2 cầu thủ đá biên lên rất cao, nhưng ông vẫn không sử dụng những hậu vệ cánh chuyên nghiệp. Điều này làm suy giảm đáng kể sức tấn công của Mannschaft. Tương tự như thế, ở giữa sân bộ ba tiền vệ của Bayern rất vất vả trước những pha pressing liên tục của Algeria.
Bayern Munich thất bại một phần vì Guardiola bỏ rơi một tiền vệ tranh chấp tốt như Javi Martinez. Loew lại đang đi lại vào vết xe đổ ấy, khi chỉ tung Khedira vào sân ở cuối trận do Mustafi bị chấn thương. Ai cũng thấy, với Khedira, tuyến giữa của ĐT Đức chơi khởi sắc trông thấy, mà cụ thể chính là chiến thắng trong hiệp phụ.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Loew và Guardiola là điều ai cũng biết. Bản thân vị HLV trưởng ĐT Đức cũng không hề giấu diếm việc ông hâm mộ triết lí của Pep. Nhưng đơn giản là chẳng ai theo đuổi một hình mẫu đã thất bại (ở Champions League mùa này) để mong thành công cả.
Theo Thể Thao Văn Hoá