Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Cầu thủ Nam Mỹ thích dùng 'thủ đoạn': Xấu chơi là bản chất?

Thứ Bảy 28/06/2014 21:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Nếu là người châu Âu, Luis Suarez đã phải chịu sự chỉ trích kịch liệt của đồng bào. Nhưng, do là người Nam Mỹ, “sở thích” cắn người của tiền đạo này lại được coi là… bình thường. Đơn giản, đó là tố chất được vun đắp trong lối chơi của bất cứ cầu thủ Nam Mỹ nào trưởng thành từ bóng đá đường phố.

Nhiều người dân ở các châu lục hay khu vực khác tại châu Mỹ hẳn sẽ thấy rất ngạc nhiên khi đông đảo người dân và cả Tổng thống Uruguay, ông Jose Mujica, đã đến tận sân bay Thủ đô Montevideo (Uruguay) để đón Suarez trở về. Ở đây, không ai coi Suarez là “ác quỷ”, Dracula hay gã khùng, họ đơn giản coi anh là… người hùng dân tộc, người sẵn sàng làm tất cả những việc không liên quan gì đến đá bóng để giúp đội nhà thắng trận.

4 năm trước, tại Nam Phi, ở vòng tứ kết World Cup 2010 gặp Ghana, chính Suarez đã “chơi bóng chuyền” để ngăn cản bàn thua mười mươi cho đội nhà ở phút chót, để rồi Uruguay sau đó đánh bại đối phương trong loạt sút luân lưu. Người Ghana tất nhiên phê phán Suarez với những lời lẽ cay nghiệt nhất. Nhưng người Uruguay thì lại tung hô anh như hiện thân của Chúa.

Người Uruguay tung hô Suarez như người hùng sau hành động cắn người của anh
Người Uruguay tung hô Suarez như người hùng sau hành động cắn người của anh


Tất nhiên, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Tại Uruguay nói riêng và Nam Mỹ nói chung, bóng đá chính là con đường đưa những cậu bé lớn lên tại các khu ổ chuột trở thành siêu sao với mức thu nhập không tưởng. Trên đường phố Nam Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể là sân bóng đá và các cậu bé chơi bóng tại đây được hình thành, hun đúc quyết tâm phải chiến thắng bằng mọi giá, bằng mọi thủ đoạn nếu cần thiết.

Những huyền thoại của bóng đá Nam Mỹ như Pele, Garrincha, Didi, Maradona… đều lớn lên từ bóng đá đường phố, nơi ngoài tài năng thiên bẩm, họ còn phải sử dụng đủ các loại tiểu xảo, mánh lới để tự bảo vệ mình và giúp đội nhà chiến thắng.

Cầu thủ Nam Mỹ trưởng thành từ môi trường này vì thế coi việc chơi xấu là đương nhiên. Chính Maradona, tại World Cup 1986 đã lưu danh sử sách bằng bàn thắng có tên gọi “Bàn tay của Chúa” trong trận tứ kết Argentina thắng Anh 2-1. Suarez và lứa đồng nghiệp Nam Mỹ cùng thời với anh hiện tại cũng chẳng ngần ngại dùng mưu mô hay sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nếu họ thấy đó là cần thiết.

Diego Costa, tiền đạo của đội tuyển Tây Ban Nha nhưng là một người Brazil chính gốc luôn khẳng định: Anh coi việc sử dụng cùi chỏ khi chơi bóng là bình thường. Đồng hương của Suarez là Edinson Cavani cũng “ngạc nhiên” khi thấy đồng đội bị chỉ trích mạnh mẽ đến thế. “Ở Nam Mỹ, những pha va chạm thế này trên sân bóng là một phần tất yếu của cuộc chơi”, Cavani bảo thế.

Chính Suarez, thủ phạm vết cắn vào vai Chiellini (Italia) thì vẫn luôn nhấn mạnh: Ở quê hương anh, bóng đá là cuộc chiến sinh tồn và chỉ chiến thắng mới đáng kể. Nếu muốn xem cái đẹp hoặc sự trình diễn, mọi người nên đi xem múa ballet hơn là đến sân bóng.

Nói như Suarez thì xấu chơi là bản chất của các cầu thủ Nam Mỹ? Xem ra điều này không hề sai. Bởi trước Suarez, cũng có hàng loạt danh thủ Nam Mỹ giở đủ chiêu trò (tất nhiên không phải là cắn người nên không bị chú ý quá mức) trên sân bóng.

Hãy nhớ, chỉ Nam Mỹ mới có Maradona ghi bàn bằng tay, Simeone khiêu khích David Beckham, Ronaldinho ghi bàn sau màn giả vờ xin nước uống của thủ môn đối phương… Bởi vậy, Suarez có cắn người (hoặc rồi sẽ còn cắn nữa) cũng chưa hẳn là vì anh… bị điên.

Người Uruguay yêu Suarez có lẽ cũng vì những phẩm chất mà họ thấy có sự tương đồng: Dám làm, dám chịu, có tài năng, không khoan nhượng và sẵn sàng sử dụng mẹo đấu để mang chiến thắng về cho đội nhà. Chưa biết chừng, trò cắn người này rồi sẽ còn được nhiều cậu bé Nam Mỹ khác áp dụng trên các sân bóng đá đường phố để vun đắp giấc mơ trở thành ngôi sao bóng đá, như Suarez bây giờ.

Theo Tiền Phong

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X