Lối chơi của tuyển Tây Ban Nha hình thành từ Barca hay ngược lại? Tất cả vẫn còn đang tranh cãi, song có một điều chắc chắn rằng khi sự tương đồng giữa 2 hệ thống - đặt trong giai đoạn Barca suy yếu - khiến các fan của La Roja phải thấy giật mình.
Không phải đến những ngày nóng nực này quyền lực của tuyển Tây Ban Nha mới bị đặt lên bàn tranh cãi. Ở trận chung kết Confed Cup Hè 2013, họ thua mất mặt Brazil 0-3. Trận giao hữu 3 tháng sau đó, Tây Ban Nha chỉ có được kết quả hòa 2-2 trước Chile. Họ chơi chật vật trước Belarus, Georgia, Nam Phi và mới đây là chiến thắng nhọc nhằn trước đội tuyển Ý. Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2014, La Roja phải đợi đến tận lượt đấu cuối cùng mới cầm được tấm vé đến Brazil.
Sự thống trị của ĐKVĐ EURO và World Cup trên BXH của FIFA không phản ảnh đúng đắn một thực tế là sức mạnh suy giảm trong bước đi của Tây Ban Nha hơn 1 năm qua. Nó không phải là vấn đề khát vọng của “Nhà vua” thiếu đi (nhiều lần các tuyển thủ đã bác bỏ), mà trọng điểm nhạt nhòa nằm ở chính tiềm lực con người lẫn lối chơi.
Về cơ bản, thành tích của Tây Ban Nha không bi đát, song để nói về khả năng bảo vệ vương miện của họ trên đất Brazil là quá khó. Một phần vì rào cản khí hậu và địa lý, nhưng sự cảnh báo lớn hơn là hình bóng chu kỳ khép lại của đội tuyển từng lập thành tích “vô tiền khoáng hậu” ở những ngày hội World Cup và EURO gần đây.
Nhìn nhận một cách sâu sắc thì nó như hậu quả lan truyền từ Barcelona. Trong 5 năm qua, Barca vẫn là lực lượng nòng cốt của La Roja, thậm chí liên tục có đến 6-7 cầu thủ trong sơ đồ chơi bóng của đội tuyển. Nhưng 2 năm nay, Barcelona suy yếu mà nguyên nhân chủ yếu là phẩm chất kém đi của các trụ cột. Xavi đã mất đi vai trò của “máy chuyền” ở tuổi 34. Iniesta không còn duy trì được hình ảnh đầu não trong cả mùa bóng. Những Busquets, Pique, Pedro, Fabregas, Alba đều trải qua một mùa bóng nhiều chỉ trích.
Về mặt lô-gíc, nếu đội bóng được xây dựng trên nền tảng nhân sự và lối chơi của một CLB nhất định thì sự phụ thuộc vào nó là rất lớn. CLB duy trì được sự ổn định, thành công, đồng nghĩa tín hiệu tốt cho đội tuyển, và ngược lại. Nhiều năm La Roja gặt hái được kết quả mỹ mãn, còn bây giờ họ phải đối mặt với một giai đoạn mới đầy sóng gió, như Barcelona.
Có một điểm nhấn thay đổi trong lần hội quân trước và lần này là sự hiện diện của Diego Costa - hiện tượng “số 9” mùa giải năm nay. Nhưng nếu nhìn lại lần ra mắt mờ nhạt của Costa cách đây 2 tháng thì hi vọng vào chân sút nhập tịch này không thực sự nhiều. Costa đúng là “tay súng” rình rập giỏi ở CLB nhưng để liên kết được anh vào hệ thống chơi bóng của tuyển Tây Ban Nha lại không dễ dàng. Bản chất trong triết lí chơi bóng của Atletico mà HLV Diego Simeone xây dựng lên hoàn toàn khác với Barca và tuyển Tây Ban Nha.
Giành được Diego Costa trong cuộc chiến với LĐBĐ Brazil là nỗ lực của LĐBĐ Tây Ban Nha, cùng nỗ lực tìm kiếm và thử nghiệm nhân sự mới của Del Bosque trong hơn 1 năm là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế “Ngài râu kẽm” vẫn chỉ còn cách chọn lựa hầu hết những con người cũ, bởi danh sách triệu tập vừa công bố là tất cả những gì tốt đẹp nhất ông có trong tay. Và nguồn nhân sự ấy đang thiếu linh hồn. Họ như sắp bước qua chu kỳ thịnh vượng.
Theo Bongdaplus.vn