Thứ Ba, 23/04/2024Mới nhất
Zalo

Bình luận: Người Bồ và người Đức

Thứ Hai 23/06/2014 17:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Rạng sáng nay, Bồ Đào Nha đã có trận hòa 2-2 “hút chết” trước ĐT Mỹ, qua đó níu kéo chút hy vọng ít ỏi còn lại trên đất Brazil. Nhưng thực tế, phải thừa nhận rằng cơ hội đi tiếp của thầy trò HLV Paulo Bento tại kỳ World Cup lần này gần như đã không còn. Xa hơn một chút, người ta sẽ thấy rằng trận thảm bại 0-4 trước người Đức cách đây không lâu đã khiến cho đội bóng đến từ bán đảo Iberia gặp khó khăn đến thế nào.

Trước thềm World Cup 2014, đương nhiên chẳng ai dám xem thường Bồ Đào Nha. Sở hữu một dàn cầu thủ hết sức chất lượng, đang ở “độ chín” nhất định, lại từng thi đấu gắn kết với nhau trong suốt những năm qua và cũng giành được nhiều thành công ở các giải đấu lớn gần đây, đội bóng Nam Âu thậm chí còn được xem là ứng cử viên cho một vị trí cao tại Brazil mùa hè này.

Bồ Đào Nha
Ronaldo không thể giúp Bồ Đào Nha tiến xa tại kỳ World Cup lần này

Rơi vào bảng đấu có sự xuất hiện của Đức, Mỹ và Ghana, đều là những đối thủ không hề dễ dàng nhưng đa số giới chuyên môn vẫn nhận định rằng Bồ Đào Nha sẽ là đội bóng thứ 2 đoạt vé đi tiếp, sau Đức. Nhưng rồi mọi chuyện đã không diễn ra giống với những gì người ta dự đoán... Sau 2 vòng đấu, Cristiano Ronaldo và các đồng đội đang đứng trước nguy cơ phải nói lời “chia tay” sớm  với VCK World Cup 2014. Chỉ giành được 1 điểm, có hiệu số bàn thắng bại quá thấp (-4), ngay cả trong trường hợp thầy trò HLV Paulo Bento đánh bại Ghana ở lượt đấu cuối cùng, họ cũng không thể tự quyết định số phận của mình.

Lúc này, khi nhìn sang ĐT Đức, người ta vẫn thấy được sự chắc chắn, hiệu quả trong lối chơi của thầy trò HLV Joachim Loew. Cũng là một đội bóng được đánh giá cao trước thềm giải đấu nhưng khác với Bồ Đào Nha, Manschaft đã không hề “gục ngã” trước những kỳ vọng, những sức ép vô hình mà dư luận dành cho họ. Và ở một góc nhìn khác, sâu xa hơn nữa, người ta sẽ còn thấy biết bao điều trái ngược giữa người Bồ và người Đức.

Cầu thủ Bồ Đào Nha và nỗi lo… cơm áo gạo tiền

Đầu tiên, hãy nói về giải VĐQG của 2 đất nước này để thấy được sự khác biệt giữa nền bóng đá của họ. Với Bồ Đào Nha, đó là Primeira Liga, một giải đấu vốn được xem là hết sức thành công tại đấu trường “hạng hai” châu Âu, Europa League trong suốt nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các đội bóng Bồ Đào Nha, dù lớn dù nhỏ cũng đều có thói quen “xuất khẩu” tài năng trẻ, một hình thức kinh doanh đã trở thành “thương hiệu” của nền bóng đá xứ sở này.

Thật vậy, chỉ cần nhìn từ những đội bóng “có số có má” nhất ở đất nước bán đảo Iberia thôi là đủ hiểu. FC Porto ngay sau thành công năm 2004 chấp nhận “chia tay” một loạt công thần, từ HLV Jose Mourinho, cho đến những Deco, Carvalho, Paolo Ferreira… Những năm sau đó, chẳng cần biết có thành công hay không, nhưng cứ hễ có “sao” là đội bóng này sẽ ngay lập tức bán, từ Pepe, Lucho Gonzalez, Falcao, Hulk, Moutinho, James Rodriguez… Và sắp tới có thể tiếp tục là những Mangala, Jackson Martinez hay Fernando…

Bồ Đào Nha
FC Porto chia tay một loạt ngôi sao sau chức vô địch Champions League năm 2004

Một CLB khác của Bồ Đào Nha cũng được xem là “bậc thầy” trong khả năng kinh doanh cầu thủ, đó là Benfica. Với một loạt những thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” mang tên David Luiz, Ramires, Coentrao, Di Maria, Javi Garcia, Matic… đội bóng chủ sân Da Luz đã thu về hàng trăm triệu euro tiền lợi nhuận.

Nhưng đằng sau những phi vụ làm ăn “siêu lãi” như vậy, người Bồ hiểu ra điều gì? Có phải vì nền bóng đá nước họ quá “thừa mứa” tài năng giống như những Ronaldo để rồi cứ đem đi “xuất khẩu” và mang tiền về hay không? Không phải. Thực tế, Bồ Đào Nha là một quốc gia có nền kinh tế “yếu đuối” gần nhất trong khu vực EU. Và hệ quả, giới cầu thủ nước này buộc phải tìm đường “vượt biên ra nước ngoài” cũng là vì muốn tìm kiếm một cuộc sống no đủ hơn.

Đa số các cầu thủ Bồ Đào Nha đều sinh ra trong những hoàn cảnh hết sức “éo le”, hoặc đói ăn, hoặc thất học, hay thậm chí là cả hai. Với họ, đá bóng là con đường để duy nhất “sinh tồn”. Chính bởi vậy, trước khi nghĩ đến những điều xa xôi như phục vụ Tổ quốc chẳng hạn, điều quan trọng nhất chính là nhu cầu cuộc sống, nghe thì tưởng như đơn giản nhưng lại là nỗi ám ảnh của rất nhiều ngôi sao bóng đá Bồ Đào Nha khi còn ấu thơ. Vì lẽ đó, việc các cầu thủ Bồ Đào Nha phải sớm đi “tha phương cầu thực” nơi xứ người ngay từ những năm tháng đôi mươi cũng là điều dễ hiểu.

Hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Đức là số một thế giới

Ngược lại, với người Đức, lại là một sự trái ngược hoàn toàn. Vài năm trở lại đây, Bundesliga đã liên tục phát triển không ngừng, trở thành 1 trong 3 giải đấu chất lượng nhất châu Âu. Đó chính là thành quả xứng đáng của công tác đào tạo bóng đá trẻ một cách bài bản và quy mô, một hình mẫu để cả thế giới học hỏi và noi theo.

Nhưng không phải tự nhiên mà người Đức thành công đến như vậy. Nguyên nhân chính là bởi vì nước Đức giàu, họ có tiền và họ cũng rất khôn ngoan trong cách làm bóng đá của mình. Khác với người Anh, Bundesliga không “nhập khẩu” siêu sao một cách thái quá như Premier League, họ cũng không phải “bán máu” như các đội bóng Bồ Đào Nha. Người Đức mua những gì cần mua, bán những gì nên bán và đặc biệt chú trọng công tác huấn luyện theo hướng có chiều sâu, tạo nền tảng lâu dài.

Đức
ĐT Đức luôn là một tập thể đồng đều và kỷ luật

Chính bởi vậy, khi nhìn vào đội hình ĐT Đức hiện tại, người ta có thể thấy rằng về danh tiếng, chẳng ai so sánh được với Ronaldo bên phía Bồ Đào Nha nhưng xét về độ đồng đều, Manschaft lại hơn hẳn. Từ Mueller, Goetze, Kroos, Oezil cho đến Schurrle, Draxler… đều là những ngôi sao còn rất trẻ nhưng đã khẳng định được tên tuổi ở giải quốc nội cũng như đấu trường châu Âu.

Một đặc điểm khác, chính là nhờ việc được rèn luyện trong môi trường tốt ngay từ khi còn nhỏ, khác với cầu thủ Bồ Đào Nha đa số chơi bóng tự do trên các bãi biển, đường phố… nên cầu thủ Đức luôn giữ kỷ luật rất tốt, dù là ở bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể nhận thấy, khi ĐT Đức bị dẫn trước, toàn đội vẫn tuân thủ đúng theo hệ thống chiến thuật từ ban đầu. Ngược lại, với Bồ Đào Nha, nếu chẳng may điều này có xảy ra, thì đa phần là… vỡ trận. 

Kết luận

Rõ ràng, thông qua cách làm bóng đá của mỗi nước cũng phần nào phản ánh lên “diện mạo” thật của các ĐTQG. Với ĐT Đức, đó là một tập thể được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, luôn giữ vững kỷ luật cũng như tinh thần chiến đấu vì cái chung. Và đương nhiên, thành công của họ đến từ nền tảng của quá trình định hướng dài lâu vô cùng hiệu quả.

Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha cần phải thay đổi nếu như muốn hướng đến thành công lâu dài trong tương lai

Còn với Bồ Đào Nha, thất bại tại World Cup 2014 lần này có lẽ mới chỉ khởi đầu của những khó khăn trong tương lai gần mà thôi. Không có những chiến lược phát triển mang tính bền vững, không có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cải thiện công tác huấn luyện. Suốt bao năm qua, người Bồ vẫn chỉ trông mong vào những ngôi sao “đi tha phương cầu thực” trên khắp châu Âu để rồi phải trả giá vì sự “huyễn hoặc” vào đội bóng của mình.

Đã bao giờ ĐT Bồ Đào Nha biết đến “mùi vị” đăng quang ở một giải đấu lớn. Chưa bao giờ cả! Và nếu như vẫn không chịu thay đổi “tư duy” làm bóng đá của mình một cách toàn diện, đội bóng bán đảo Iberia chắc chắn sẽ còn lâu lắm mới biết đến cái gọi là thành công trong tương lai.

Cùng nằm trong một bảng đấu, nhưng sau thất bại đậm đà 0-4, người Đức đã “dạy" cho người Bồ nhiều hơn cả một bài học…

 

NAM ANH   


Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X