- Những điểm nhấn rút ra từ trận khai mạc World Cup 2014
- Góc chuyên môn: Oscar, khi hộ công trở thành… "hộ vệ"
- ĐT Hà Lan: Robben - Van Persie khó là cặp bài trùng!
Được đầu tư 90 triệu USD, gấp đôi chi phí khai mạc Olympic London 2012 và gấp 6 lần số tiền mà Nam Phi đã bỏ ra để làm lễ khai mạc World Cup 2010, nhưng những gì đã diễn ra ở sân Arena de Sao Paulo đã không thuyết phục được người xem.
Một lễ khai mạc được tờ Daily Mail nhận xét ngắn gọn là "lãng phí thời gian" khiến chủ nhà Brazil mất điểm rất nhiều trước mặt bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh, xứ sở samba đang chìm đắm trong nợ công và những vụ bạo loạn, họ cần nhiều hơn một lễ khai mạc hoành tráng để kéo người hâm mộ quan tâm tới World Cup nhiều hơn. Sau đây là 5 cách có thể cứu vãn lại sự thất vọng về lễ khai mạc đêm qua:
Lễ khai mạc World Cup 2014 không được như mong đợi |
1. Chủ nhà Brazil tiến sâu vào giải
Đội chủ nhà thi đấu thành công và tiến sâu vào giải luôn là cách tốt nhất để kéo khán giả tới sân nhiều hơn. Bằng chứng là nhãn tiền là kỳ World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc, khi đội bóng xứ kim chi lọt vào tới tận vòng 4 đội, và chỉ chịu dừng bước trước ĐT Đức. Brazil dĩ nhiên được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, và việc họ đi sâu vào các vòng trong cũng là lẽ tất nhiên. Ngược lại, nếu bị loại sớm (trước vòng bán kết), đó sẽ là thất bại nặng nề của không chỉ thầy trò Felipe Scolari, mà còn cho cả World Cup 2014.
2. Các đội bóng lớn thi đấu thành công
Một World Cup không có gì bất ngờ thì chẳng còn gì thú vị để mà chờ đợi. Tuy nhiên, những bất ngờ chỉ nên nằm trong giới hạn, bởi xét đến cùng, chẳng ai muốn thấy Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào bán kết World Cup 2002, hay Hy Lạp vô địch Euro 2004 cả (ngoại trừ các CĐV của những đội tuyển này). Điểm khác biệt giữa những đội bóng lớn và những đội bóng ít tên tuổi hơn, đó là những ngôi sao. Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Neymar, Robin van Persie, Wayne Rooney hay Diego Costa, tự bản thân họ đã đủ sức hút khán giả đến sân bằng vô vàn những câu chuyện bên lề và cá tính đặc biệt của họ. Chừng nào những đôi chân triệu USD còn thi đấu ở World Cup, chừng đó FIFA còn có thể yên tâm về sự quan tâm của người hâm mộ.
3. Những ngôi sao miễn nhiễm với chấn thương
Hiếm có kỳ World Cup nào mà những ca chấn thương lại xảy ra liên miên với các ngôi sao đến vậy. Từ rất sớm, Falcao đã có nguy cơ ngồi ngoài. Sau đó lần lượt là Ribery, Marco Reus, Ricardo Montolivo phải theo dõi World Cup 2014 qua tivi. Cristiano Ronaldo vào giải với một vết đau ở đầu gối. Diego Costa chưa hoàn toàn khỏe mạnh kể từ cuối mùa giải. Robin van Persie tiết lộ đã phải cắn răng nhịn đau thi đấu suốt 6 năm qua. Chừng đó khiến họ, những nhân vật chính của bữa tiệc bóng đá, không thể "sản xuất" được những bữa ăn thịnh soạn nhất.
4. Lối chơi tấn công trở lại
Người ta luôn nhớ đến kỳ World Cup 1970 bằng lối chơi tấn công rực lửa của Brazil, hay World Cup 1986 với cái chân trái huyền thoại của Diego Maradona. Đó luôn được coi là chuẩn mực của những vòng chung kết bóng đá thế giới, nhờ việc đem lại cảm xúc tột cùng khi các đội chơi tấn công. Tấn công và tấn công, đó luôn là cách nhanh nhất để thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Những màn đấu trí theo kiểu Mourinho và Simeone có lẽ chỉ nên ghi vào trong sách giáo khoa bóng đá, còn ngoài thực tế, người ta vẫn say đắm với những bàn thắng, những pha phối hợp đẹp mắt nhiều hơn.
5. Hiện tượng Yuichi Nishimura không lặp lại
Một điểm trừ nặng trong ngày khai mạc World Cup 2014, bên cạnh lễ khai mạc, đó là vị trọng tài người Nhật Yuichi Nishimura. Ông bị cho là quá thiên vị đội chủ nhà khi chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo Neymar trong tình huống đánh nguội với Modric, và đặc biệt là cắt còi trong pha bóng Fred chủ động ngã trong vòng cấm để kiếm phạt đền. HLV Niko Kovac của Croatia đã tức giận phát biểu rằng Nishimura không xứng đáng cầm còi tại một giải đấu như World Cup. Có thể lời nói ấy của ông là hơi quá, nhưng rõ ràng những "hạt sạn" như vậy khiến người xem mất cảm hứng nghiêm trọng mỗi khi theo dõi trận đấu.
Theo VTC