World Cup 2018: Khi bóng chết trở thành vũ khí chiến lược
Thứ Tư 20/06/2018 15:18(GMT+7)
World Cup 2018 dần trở thành giải đấu mà những tình huống cố định là chìa khóa giải quyết vấn đề bởi những công nghệ mới được áp dụng.
Telstar 18 - cơn ác mộng của các thủ môn
Khác với World Cup 2014 khi lối chơi kiểm soát bóng là một xu hướng thời thượng, giải đấu năm nay lại trở thành "thiên đường" của những tình huống cố định. Không phải ngẫu nhiên điều này xảy ra, công nghệ trợ lý hình ảnh (VAR) và trái bóng Telstar 18 là một trong những nguyên nhân chính.
|
Cristiano Ronaldo là một trong bốn cái tên đã ghi bàn từ chấm đá phạt trực tiếp tại World Cup 2018. |
World Cup 2018 đã có 35 bàn thắng được ghi, 20 trong số đó xuất phát từ những tình huống cố định (57%)*.
Chưa hết loạt trận đầu tiên, World Cup 2018 chứng kiến đến 4 bàn thắng từ chấm đá phạt trực tiếp. Đó là những đường cong đẹp mắt của Cristiano Ronaldo (vs Tây Ban Nha), Aleksandr Golovin (vs Saudi Arabia), Aleksandar Kolarov (Costa Rica) và mới nhất là Quintero (vs Nhật Bản).
4 điều rút ra sau trận Bồ Đào Nha 3-3 Tây Ban Nha siêu kịch tính Điểm nhấn Bồ Đào Nha vs Tây Ban Nha không thể thiếu hai cái tên Ronaldo và De Gea. Cộng thêm một vài yếu tố, dưới đây là những điều rút ra sau trận derby... Ngoài kỹ năng của các cầu thủ và toan tính của các huấn luyện viên, một trong những yếu tố khiến World Cup 2018 bùng nổ những bàn thắng từ tình huống cố định là trái bóng Telstar 18. Thủ thành David De Gea từ trước giải đã phàn nàn về Telstar 18, cho biết quỹ đạo của trái bóng "kỳ lạ" và khó bắt dính.
Hệ quả là De Gea phải nhận hai bàn thua, một tình tình huống đá phạt trực tiếp với quỹ đạo quá khó đoán, một từ pha bắt không trúng bóng. Thủ thành Essam El Hadary (Ai Cập) cho rằng những nhà phát triển trái bóng Telstar 18 dường như muốn làm khó dễ những người gác đền: "Chúng tôi trở thành nạn nhân của FIFA".
|
Telstar 18 trở thành cơn ác mộng của các thủ môn tại World Cup 2018. |
Trái bóng Telstar 18 đã trải qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt tại trung tâm khoa học đặt ở Thụy Sĩ. Trái bóng phục vụ World Cup 2018 trải qua cả những cuộc kiểm tra khắc nghiệt nhất tại trung tâm thí nghiệm Empa, như bắn vào khối thép 2.000 lần với vận tốc 50 kilomet/giờ mà vẫn giữ được nguyên dạng.
Đó là cơ sở để Adidas và FIFA hài lòng với Telstar 18 nhưng các thủ môn thì không. Bí quyết khiến các cầu thủ dễ sút phạt thành bàn hơn nằm ở chính bản thân trái bóng.
Martin Camenzind, chuyên gia của trung tâm ứng dụng màng sinh học và dệt may tiết lộ: "Sự biến dạng gây ra bởi chân ở va chạm ban đầu khiến cho quả bóng lắc lư. Những cầu thủ giàu kinh nghiệm có thể lợi dụng điều đó để lái quỹ đạo trái bóng 'cong như Beckham'. Đó chẳng phải phép màu gì cả, đơn giản là vật lý ứng dụng".
VAR và những xu hướng mới
Tính thêm cả bàn thắng của Shinji Kagawa vào lưới Colombia, World Cup 2018 đã có đến 9 tình huống phạt đền (7 thành bàn). Con số này tương phản hoàn toàn với chỉ 2 pha đá phạt đền sau 48 trận vòng bảng World Cup 2014.
|
ĐT Pháp được hưởng phạt đền nhờ công nghệ VAR mới được áp dụng tại World Cup 2018. |
Ngoài việc các trọng tài "tinh mắt" hơn, công nghệ trợ lý hình ảnh (VAR) cũng góp phần quan trọng. Giờ đây nếu phạm lỗi trong vòng cấm, các đội khó thoát khỏi khả năng thoát phạt đền khi các trọng tài bị khuất tầm nhìn.
Xu hướng chiến thuật cũng đang thay đổi. Các đội bóng bị đánh giá thấp hơn chơi phòng ngự chặt chẽ, khoa học hơn. Điều đó khiến những tình huống cố định trở thành chìa khóa để giải quyết trận đấu.
Toàn cảnh về VAR tại World Cup 2018 Phải mất một thời gian dài để VAR được áp dụng. Phần lớn ý kiến phản đối xuất phát từ việc lo ngại công nghệ có thể đánh mất đi những cảm xúc tự nhiên mà bóng... Tiêu biểu là màn chạm trán giữa Argentina vs Iceland, quả phạt đền hỏng của Messi tác động trực tiếp đến kết quả trận đấu. Hay một trận đấu khác ở bảng D giữa Croatia vs Nigeria, cả hai bàn thắng của Croatia đều đến từ những tình huống cố định.
"Chúng tôi tập những tình huống cố định nhiều hơn trước giải" - Luka Modric chia sẻ. HLV Zlatko Dalic (Croatia) tiết lộ thêm: "Phạt góc và phạt đền cũng là một phần của bóng đá. Chẳng ai quan tâm bạn ghi bàn bằng cách nào, quan trọng là bàn thắng. Tất nhiên có yếu tố may mắn nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà đến".
|
ĐT Croatia vượt qua Senegal bởi hai tình huống cố định. |
Thực ra từ bốn năm trước, bản báo cáo kỹ thuật của FIFA sau World Cup 2014 đã đề cập đến sự thay đổi này: "Tầm quan trọng của các tình huống cố định tăng khủng khiếp và mọi đội bóng đều dùng cách này như một công cụ tấn công quan trọng".
"Các đội phòng ngự cố gắng tránh bất kỳ quả đá phạt nào gần khung thành, hoàn toàn nhận thức được sự nguy hiểm của những tình huống đó".
"Nếu có điều gì chúng tôi kém hơn, đó là Croatia tận dụng những quả phạt góc tốt hơn" - HLV Gernot Rohr (Nigeria) tổng kết ngắn gọn.
* Số liệu về bàn thắng tính đến hết trận đấu giữa Colombia vs Nhật Bản.
Như Đạt (TTVN)