VAR tại World Cup 2018: Lằn ranh giữa được và mất
Thứ Bảy 23/06/2018 14:52(GMT+7)
Việc áp dụng VAR tại World Cup 2018 gợi nên nhiều tranh cãi dù giúp trọng tài đưa ra quyết định chính xác hơn, bởi người ta e rằng công nghệ này sẽ "giết chết cảm xúc trong bóng đá".
World Cup 2018 đánh dấu cột mốc rất quan trọng với bóng đá thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ trợ lý hình ảnh (VAR) được sử dụng để các trọng tài đưa ra quyết định chuẩn xác hơn trong các trận đấu. FIFA khẳng định không muốn ai phải rời giải đấu trong sự oan ức.
|
Việc áp dụng VAR tại World Cup 2018 vẫn gây nên nhiều tranh cãi. |
Tất nhiên, cái gì mới cũng gợi nên nhiều tranh cãi.
Các sân vận động sẽ có một phòng kỹ thuật về hình ảnh để cung cấp cho trọng tài chính trong những tình huống gây tranh cãi. Thông qua thiết bị liên lạc không dây, trọng tài sẽ tham khảo trợ lý trước khi tự ra xem lại tình huống.
Thông thường, VAR nhằm vào bốn trường hợp chính: Xác định bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ và tránh sai lầm trong các tình huống như việt vị, phạt trực tiếp,.... Trong trường hợp trọng tài tự tin vào quyết định của mình, VAR không được áp dụng.
VAR vẫn gợi nhiều tranh cãi
VAR đã được áp dụng tại FA Cup (Anh) và Bundesliga (VĐQG Đức). Trước đó một năm tại Confederations Cup 2017, FIFA cũng thử nghiệm VAR nhưng gợi nên nhiều tranh cãi, khi các quyết định của trọng tài dù đã tham khảo VAR nhưng vẫn chưa chính xác.
|
Tình huống Jara đánh cùi chỏ Werner nhưng không bị thẻ đỏ dù trọng tài đã sử dụng VAR. |
Tiêu biểu là tình huống Gonzalo Jara (Chile) đánh cùi chỏ với Timo Werner (Đức) trong trận chung kết. Trọng tài chính Molorad Mazic sau khi xem VAR chỉ rút thẻ vàng, thay vì thẻ đỏ dù Jara cố ý.
Năm 2017, lần đầu tiên VAR được áp dụng thử nghiệm tại FA Cup. Công nghệ này nhanh chóng bị chỉ trích vì phá hỏng nét đẹp của các trận đấu bởi cả các huấn luyện viên lẫn cầu thủ. Điều tương tự cũng xảy ra ở Bundesliga.
Khi hiệp một trận đấu giữa Mainz 05 vs SC Freiburg kết thúc, trọng tài đề nghị cầu thủ hai đội trở lại sân để... đá bù phạt đền. Trong tình huống diễn ra ở phút 45, bóng chạm tay Kempf (Freiburg). Sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên khi cầu thủ hai đội rời sân tiến vào phòng thay đổi, trọng tài chính Guido Winkmann đề nghị tất cả trở lại để thực hiện nốt quả phạt đền rồi mới được ra nghỉ.
Dù xác định chính xác nhiều tình huống nhưng VAR vẫn để lại tranh cãi lớn ở World Cup 2018. Trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha vs Ma-rốc, trung vệ Pepe để bóng chạm tay trong vòng cấm nhưng trọng tài chính Mark Geiger không thổi phạt đền, cũng không sử dụng VAR.
Sau trận đấu, Nordin Amrabat chỉ trích: "VAR không hoạt động nếu bạn chẳng động đến nó".
|
Amrabat chế nhạo việc áp dụng VAR tại World Cup 2018 sau trận thua Bồ Đào Nha. |
VAR - được và mất
Có thể thấy ngay điểm tích cực do VAR mang lại: Các trọng tài sẽ có những quyết định chính xác hơn, các đội bóng tránh khỏi những bàn thua oan uổng hoặc có được phạt đền dù các trọng tài bị khuất tầm nhìn. Có thể thấy ngay điều đó qua sự bùng nổ số lần được hưởng penalty của các đội tuyển tại World Cup 2018.
Hoặc tiêu biểu là tình huống Ezzatollahi (ĐT Iran) đưa được bóng vào lưới Tây Ban Nha. Tuy nhiên sau khi dùng VAR, trọng tài chính Andres Cunha không công nhận bàn thắng khi Ezzatollahi việt vị trong tình huống nhận bóng.
Tuy nhiên điều gì cũng có mặt trái, VAR bị chỉ trích vì "giết chết cảm xúc" trong bóng đá. Tiêu biểu như việc Ezzatollahi ăn mừng đến gần ngất sau khi đưa được bóng vào lưới ĐT Tây Ban Nha, nhưng sau đó lại không được công nhận.
|
ĐT Iran bị tước bàn thắng sau khi trọng tài sử dụng VAR trong trận đấu với Tây Ban Nha. |
Các trọng tài cũng phải tự điều chỉnh lúc nào cần sử dụng VAR để không cắt nát trận đấu. Trong trường hợp trọng tài tự tin với quyết định bản thân, VAR sẽ không được sử dụng.
Trong trận đấu giữa Anh vs Tunisia, Harry Kane hai lần ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài không sử dụng VAR. Trận đấu giữa Bồ Đào Nha vs Ma-rốc cũng gây tranh cãi khi trọng tài không sử dụng VAR trong nhiều tình huống gây tranh cãi.
VAR cần thêm thời gian để hoàn thiện và các đội bóng phải chấp nhận đây là một xu hướng của tương lai, khi công nghệ xâm nhập sâu hơn vào bóng đá. Như goal-line giờ là một phần quan trọng của thế giới túc cầu.
Rồi sẽ đến lúc VAR được chấp nhận như thế.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về VAR tại World Cup 2018:
Như Đạt (TTVN)