Châu Âu chưa từng vô địch World Cup tại tổ chức tại châu Mỹ. Argentina sẽ đối đầu với tham vọng của đội chủ nhà, trong khi Brazil sẽ phải chịu sức ép từ “thảm họa 1950”. Ai có đủ bản lĩnh, tham vọng và may mắn để đoạt Cúp Vàng 2014?
THÁCH THỨC LỚN CHO CHỦ NHÀ VÀ ĐKVĐ
World Cup 2010 là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử mà đội chủ nhà (Nam Phi) không qua nổi vòng đấu đầu tiên. Đấy cũng là kỳ World Cup mà đội ĐKVĐ gây thất vọng lớn. Italia chỉ đứng chót bảng, dưới cả New Zealand. Trước đó, ĐKVĐ Pháp cũng đứng chót bảng, không ghi bàn nào tại World Cup 2002. ĐKVĐ Brazil thì chỉ vào đến tứ kết World Cup 2006.
Tây Ban Nha có nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch
Chủ nhà và ĐKVĐ luôn là 2 đội bóng được chú ý nhiều nhất, chịu áp lực nặng nề nhất, cũng bị đối thủ nghiên cứu kỹ nhất ở đấu trường World Cup. Thế nên, họ thường thất thất bại (hoặc gặt hái kết quả dưới mức mong đợi) trong kỷ nguyên hiện đại. Ở đây, còn một yếu tố ngoài chuyên môn tuy chẳng bao giờ được kiểm chứng, cũng ít được bàn đến, nhưng đáng mổ xẻ. Đó là... thị trường cá cược. Trên nguyên tắc, chủ nhà và ĐKVĐ thường là hai đội được người chơi đặt cược nhiều nhất. Họ mà thất bại thì các nhà cái lớn càng hưởng lợi.
Ở đây, chúng ta không bàn về yếu tố tiêu cực. Nhưng sẽ chẳng có gì lạ nếu các nhà cái tận dụng triệt để khả năng chuyên môn của các chuyên gia, khai thác triệt để chất xám của họ, dùng hết thế mạnh của mọi phần mềm cao cấp, chỉ để nghiên cứu và chỉ rõ nhược điểm chuyên môn của đội chủ nhà và ĐKVĐ. Mọi số liệu thống kê kỹ thuật mà các công ty lớn đưa ra đều có thể hướng đến mục đích giúp giới cầm quân tìm ra con đường chiến thắng đội chủ nhà và ĐKVĐ World Cup.
Trong 11 kỳ World Cup đầu tiên, có đến 5 lần chức vô địch thuộc về các đội chủ nhà (Uruguay 1930, Italia 1934, Anh 1966, Đức 1974 và Argentina 1978). Nhưng trong 8 kỳ World Cup còn lại, Pháp (1998) là đội chủ nhà duy nhất đăng quang. Nghĩa là càng ngày càng khó cho đội chủ nhà vô địch World Cup. Còn với các đội ĐKVĐ, chỉ cần nhắc lại câu nói quen thuộc: bảo vệ vương miện luôn khó hơn việc chiếm lĩnh nó.
Hiển nhiên, Brazil là ứng cử viên vô địch số 1 tại World Cup 2014 (ít ra là theo các biểu giá cá cược). Nhưng ai cũng nhắc lại “thảm họa” 1950 của Brazil. Và - đúng sai chưa cần bàn vội - ai cũng có thể phân tích lối chơi, con người, các ưu, nhược điểm của Brazil tại World Cup này. Đối thủ nào chẳng muốn đánh bại Brazil. Đã vậy, Brazil sẽ bị coi là thất bại tại World Cup 2014 trong mọi trường hợp, trừ kết quả duy nhất là họ chiếm ngôi vô địch. Quá khó!
Ngay sau Brazil trong danh mục các đối thủ cần mổ xẻ kỹ của các đội mạnh chắc chắn là TBN. Ngoài các khó khăn chủ quan, như gánh nặng tuổi tác của các trụ cột và sự già nua của lối chơi quen thuộc, TBN còn gặp khó khăn khách quan là cả thế giới đã biết quá rõ về họ suốt 6 năm qua. Bảo vệ vương miện tại World Cup 2014 đồng nghĩa TBN “thắng cả thế giới” - chứ không chỉ là thắng các đối thủ cụ thể trên sân cỏ. Đấy là nhiệm vụ bất khả thi?
NHÀ VÔ ĐỊCH WORLD CUP CẦN GÌ?
Suốt 20 năm nay, các nhà vô địch World Cup chưa hề thủng lưới nhiều hơn 2 bàn trong giai đoạn knock-out (gồm 4 trận đấu). Càng về sau, đặc điểm này càng thể hiện rõ. Cụ thể, Đức (1990) và Brazil (1994) đều chỉ thủng lưới 2 bàn trong giai đoạn knock-out. Pháp (1998), Brazil (2002) và Italia (2006) đều chỉ thủng lưới 1 bàn. Và đến World Cup 2010 thì TBN không hề thủng lưới bàn nào. Họ tiến đến ngôi vô địch bằng 4 trận thắng 1-0 liên tiếp ở giai đoạn knock-out.
Còn một chi tiết rất đáng lưu ý: trong 6 đội vô địch World Cup gần đây, chỉ có một đội thủng lưới ở trận chung kết. Đấy là Italia năm 2006. Thật ra, họ chỉ thủng lưới 1 bàn trong suốt 120 phút và đấy là bàn thắng được ghi từ chấm phạt đền. Trước đây, người ta quan niệm: không ghi bàn thì không thể thắng. Quan niệm bây giờ là nếu không thủng lưới, bạn sẽ không thua và luôn còn cơ hội chiến thắng. Sự tương đồng rất cao trong 6 kỳ World Cup gần đây cho thấy: khả năng ghi bàn giúp bạn có xác suất chiến thắng cao trong từng trận đấu, nhưng chỉ có khả năng phòng ngự mới giúp bạn nâng cao xác suất vô địch cả một giải đấu.
Kỳ World Cup gần đây nhất cũng chính là bằng chứng thuyết phục nhất cho lập luận vừa nêu. TBN chỉ ghi vỏn vẹn 8 bàn trong 7 trận. Đúng là họ không thể đảm bảo chiến thắng trong từng trận đấu. TBN thậm chí thua cả Thụy Sĩ ngay trận ra quân. Nhưng nhìn toàn cục, cách phòng thủ ưu việt của TBN khiến họ trở nên an toàn tuyệt đối trong những trận đấu quyết định. Và dù khó khăn thì trước sau gì TBN cũng ghi được bàn quyết định. Chỉ 1 bàn là quá đủ! Phòng thủ hay, chưa chắc vô địch. Nhưng nếu không phòng thủ hay thì chắc chắn không thể vô địch World Cup!
Theo Bongdaplus.vn