European Super League ra đời để làm gì?
Ngược thời gian trở về năm 2021, Juventus, Real Madrid và Barcelona là ba thành viên cốt cán trong ý tưởng lập nên European Super League (ESL) và hai đại diện Tây Ban Nha cũng là hai cái tên theo đuổi tới cùng thương vụ nêu trên. Điểm chung của ba đội bóng trên là gì?Tập fan đông đảo, sở hữu bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ? Đúng, nhưng chưa phải mấu chốt vấn đề.
Cả Barcelona lẫn Juventus đều phải chật vật với vấn đề kinh tế, nhất là ở giai đoạn hậu đại dịch. Real Madrid, dù kiếm tiền tốt nhất châu Âu bất chấp khó khăn khách quan, cũng dần ngán ngẩm với hệ thống giải đấu cũng như phân chia giải thưởng của UEFA.
Super League thắng kiện trong cuộc chiến pháp lý với UEFA |
Chủ tịch UEFA luôn khẳng định “bóng đá không thể chỉ vì tiền”, nhưng hệ thống giải đấu của UEFA chứng minh điều ngược lại. UEFA liên tục tìm cách thay đổi thể thức hay thậm chí tạo ra những giải đấu mới nhằm mục tiêu…tối đa hóa lợi nhuận. Toni Kroos, Kevin De Bruyne từng thẳng thắn chỉ trích giải đấu như Nations League là “vô nghĩa”.
Lẽ đó, chủ tịch Perez của Real muốn đứng ra lập nên một giải đấu mới, với giới hạn trần lương nhất định đồng thời đảm bảo minh bạch trong phân chia tiền thưởng. Về phía CĐV, việc thường xuyên được chứng kiến những cuộc so tài đỉnh cao sẽ giúp giữ chân khán giả với giải đấu, cũng như đảm bảo nguồn thu cho các đội.
Mô hình của European Super League cũng đề cao trải nghiệm giải trí ở người hâm mộ hơn so với các giải đấu trước đây. Lấy ví dụ ngay tại UEFA Champions League năm nay, người hâm mộ có thể phải chờ tới tứ kết mới được chứng kiến một trận cầu đinh. Nhưng nếu ESL được thông qua, Man City có thể chạm trán Bayern Munich nhiều hơn hai lần trong vòng ba tháng.
Tại ESL, những cuộc thư hùng đỉnh cao sẽ đến thường xuyên |
Có thể thấy, tham vọng của ESL không kém phần…cao cả. Những nhà sáng lập mang tới viễn cảnh một giải đấu công bằng, minh bạch và…an toàn (về kinh tế) hơn cho các đội tham dự. Nhưng mọi sự công bằng đều mang tính tương đối, nếu không muốn nói là phục vụ lợi ích của một nhóm người nhất định. ESL cũng không ngoại lệ và đây cũng là điểm yếu chí tử của dự án này, nếu so với các giải đấu của UEFA.
Kế hoạch khó thành hình
Ngay sau khi tòa án công lý châu Âu ra phán quyết về ESL, các đội bóng và các giải đấu đồng loạt công bố thái độ phản đối. Và một khi các đội bóng lớn đồng loạt rút lui, ESL cũng không thể đảm bảo những trận cầu đỉnh cao phục vụ người hâm mộ mỗi tuần, cũng chính là đi ngược lại với mục tiêu ban đầu của mình.
Mô hình tưởng như được tối ưu hóa của ESL lại là rào cản lớn nhất của giải đấu này trong việc cạnh tranh với chính UEFA. Khác biệt ở chỗ European Super League mang hơi hướng của thể thao Mỹ, như NBA, nơi trải nghiệm giải trí của người hâm mộ được đề cao.
ESL đề cao trải nghiệm giải trí của người hâm mộ |
Ở mô hình giải đấu như vậy, một đội bóng với thành tích không mấy ấn tượng như New York Knicks vẫn có doanh thu xếp thứ ba giải đấu (504 triệu USD) vượt xa cả nhà vô địch Denver Nuggets (348 triệu USD) trong mùa giải 2022/2023 vừa qua (thống kê từ Statista). Trong mô hình này, đội bóng nào với thị trường rộng, như Real Madrid (hay tại NBA là trường hợp của Knicks) vốn đã có nhiều lợi thế, nay lại càng dễ kiếm tiền hơn.
Ngược trở lại, nhóm CLB không có lợi thế về thị trường hay tập fan sẽ càng bị bỏ cách so với nhóm dẫn đầu. Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa thể thao Mỹ và châu Âu. Tại lục địa già, bóng đá vốn đề cao tính đại chúng. Các giải đấu của UEFA được xây dựng với cốt lõi nằm ở việc phục vụ cộng đồng.
Năm 2021, Gary Neville từng nhận giải thưởng vì...tích cực chống lại Super League |
La Liga gọi thể thức của ESL là một mô hình xây dựng để “phục vụ lợi ích của nhóm tinh hoa”. Ở hệ thống giải của UEFA, CĐV các đội vẫn có quyền mơ mộng về một kỳ tích như của Porto mùa giải 2003/2004. Nhưng tại ESL, viễn cảnh ấy thật khó xuất hiện. "Chấp nhận” ESL đồng nghĩa với việc CLB sẽ đi ngược lại tinh thần, chân giá trị của môn thể thao vua tại lục địa già.
Vẫn còn quá sớm và quá mơ mộng nếu tin vào viễn cảnh ESL sẽ khởi tranh trong tương lai gần. Lúc này, UEFA đang “dẫn trước”, nhưng người đứng đầu cơ quan này cũng hiểu rằng họ không còn nắm giữ vị thế của kẻ độc tôn nữa. Trong tương lai, liệu sẽ có một ESL hay một A22 nào khác xuất hiện hay không?
ESL có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý. Nhưng về khía cạnh thể thao, dự án này còn một chặng đường dài để theo đuổi. Mong rằng phán quyết của Tòa án công lý châu Âu không phải “hồi quang phản chiếu” của một ý tưởng táo bạo, mang trong mình trọng trách của kẻ mở đường nhưng lại kết thúc trong tiếc nuối như một giấc mơ mãi không thành.