Bài dự thi: “Sự phản bội ngọt ngào” trong tình yêu bóng đá

Tôi xin cam đoan rằng, bất cứ một người nào, đã xem bóng đá quốc tế, dù trận đấu không có sự có mặt đội tuyển quốc gia của mình, luôn nảy sinh ủng hộ một trong hai đội, hay nói cách khác, manh nha trong lòng thần tượng của mình (thần tượng đội tuyển hoặc thần tượng cầu thủ), chí ít là chỉ trong trận đấu đang xem mà thôi.

Có nhiều lý do: Thích đội có lối đá tấn công, thích đội có lối chơi fair play, thích đội ở thế yếu nhưng vẫn chiến đấu hết mình, thích đội mà quốc gia của họ cùng châu lục của mình (nếu đội đó đang thi đấu với đội khác châu), thích đội bóng có nhiều cầu thủ đẹp trai (nhất là khi người xem là nữ), Nhiều khi thích đội này vì đội đối phương chơi xấu, chơi tiểu xảo… Có những thần tượng hình thành trong thời gian ngắn, cũng có thần tượng gắn liền với bản thân trong thời gian khá dài, như tôi chẳng hạn.

Nghĩ lại bản thân tôi cũng lạ: kể từ khi biết và thích bóng đá đến nay được 47 năm, trừ đội tuyển Việt Nam, tôi chỉ có 2 thần tượng đội tuyển bóng đá quốc tế là: đội tuyển Tây Đức (tức CHLB Đức) kể từ 1974 và đội tuyển Pháp  kể từ 1982.  Rất chung thủy phải không và để “thay lòng đổi dạ” thần tượng lâu dài của mình không phải dễ dàng đâu, ắt phải có lý do. Và sau trận đấu “điên rồ” giữa Pháp và Thụy Sĩ rạng sáng ngày 29/6/2021 ở vòng 1/8 EURO 2020, thần tượng đội tuyển Pháp của tôi đã sụp đổ. Tôi không còn chung thủy với “Những chú gà trống Gaulois” nữa rồi! Tôi phải tìm thần tượng mới của mình. Và để bạn đọc hiểu rõ hơn cảm xúc này, phải quay lại quá khứ bản thân mình đối với tình yêu bóng đá.
 
Mùa hè năm 1974, lúc được 9 tuổi tôi bắt đầu biết bóng đá khi được xem 3 trận cầu quốc tế ở World Cup 1974 (tất nhiên là xem phát lại trên Tivi và hoàn cảnh khi ấy xem lại cũng như xem trực tiếp). Trận đầu tiên là trận khai mạc giữa Ba Tây (tức Brasil) và Nam Tư. Tôi nhớ khi ấy vừa xem vừa được ba tôi giải thích luật chơi (vì là đầu tiên tôi xem bóng đá mà). Ba tôi còn nói: "Đội Ba Tây có cái ông da đen quảng cáo trên típ kem đánh răng mà con dùng hằng ngày là giỏi nhất toàn cầu (hình như là kem Hynos thì phải), nhưng bây giờ ổng nghỉ đá rồi" (tức là ông Pele). Chắc có lẽ nguyên nhân thiếu vắng Pele nên dù đang coi trận bóng đá đầu tiên của mình (lại là bóng đá quốc tế), tôi chưa có ấn tượng gì về môn thể thao vua này, vì 2 đội thi đấu buồn tẻ kết thúc với tỷ số 0-0 (tôi chỉ ấn tượng chút chút thủ môn Ba Tây vì anh bắt khá dính các cú sút căng của đội tuyển Nam Tư). Đến khi xem đến trận thứ hai: Tây Đức và Thụy Điển (diễn ra ở giai đoạn 2 của VCK) thì quả là ấn tượng với tỷ số 4-2 nghiêng về Tây Đức. Tôi thích lối đá tấn công của đội chủ nhà, ấn tượng với lối chơi ăn miếng trả miếng của 2 đội. Dù không biết tên cầu thủ (còn nhỏ tuổi quá), nhưng bản thân tôi đã bén duyên cùng Tây Đức, đó là thần tượng đội bóng đá đầu tiên của tôi. Sau đó xem đến trận thứ ba, trận chung kết giữa Tây Đức và Hòa Lan (lúc đó gọi là Hòa Lan chứ không gọi Hà Lan) tôi đã là cổ động viên thực thụ của Tây Đức rồi. 
 
Năm 1978, điều kiện khi ấy không xem được World Cup (thậm chí là không xem lại được 1 trận nào), thần tượng đội tuyển quốc tế của tôi cũng vẫn là Tây Đức, lúc bấy giờ gọi là CHLB Đức. Và cho đến khi trước khi diễn ra World Cup 1982, thông qua báo chí, tranh ảnh, tôi mới tìm được thần tượng cầu thủ quốc tế đầu tiên của mình (tất nhiên là gắn liền với thần tượng đội bóng CHLB Đức): Pierre Littbarski (có lẽ vì trước tiên anh ấy đẹp trai, sau là đá bóng kỹ thuật, xông xáo, không chơi xấu, dù có lùn một chút). Tôi buồn não ruột khi ở trận cầu ra quân, đội tuyển con cưng của mình thất bại nhục nhã 1-2 trước đội tuyển Algeria. Mặc dù sau đó, đội tuyển CHLB Đức và Áo bắt tay nhau vào vòng trong để loại Algeria trong một trận cầu tiêu cực, tôi vẫn chưa từ bỏ mối tình đầu CHLB Đức.
 
Cũng cần nhắc lại rằng, ở World Cup 1982, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chủ yếu nắm bắt thông tin bóng đá quốc tế chủ yếu thông qua “nghe” là chủ yếu (Đài tiếng nói Việt Nam lúc 6g20 sáng – chú Hoài Sơn, Đình Khải phụ trách), còn nhìn chả là bao, vì báo chí chuyên về thể thao và bóng đá còn hạn chế, nguời hâm mộ chỉ được xem phát lại qua đài truyền hình một vài trận cầu then chốt.
 
Và “sự thay lòng đổi dạ” bắt đầu từ đây, từ sau trận cầu kinh điển ở Espana ’82: bán kết CHLB Đức – Pháp. Đây là là trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup phải giải quyết thắng – thua bằng loạt đá 11m với diễn biến “điên rồ”, là trận cầu có nét tương đồng với những gì đã diễn ra giữa Pháp và Thụy Sỹ ở vòng 1/8 EURO 2020 (nét tương đồng này thể hiện rõ ở thứ tự bàn thắng và kết cục trận đấu – thật tình tôi chưa nghe BLV nào nhắc đến điều này sau trận Pháp – Thụy Sĩ mới đây). Hai trận cầu này còn có điểm giống nhau là nguyên nhân dẫn đến “sự thay lòng đổi dạ” mà tôi đã đề cập ở trên.
 
Buổi sáng sau khi đã diễn ra trận bán kết này, sau khi nghe tin trên đài phát thanh thông báo CHLB Đức thắng chật vật Pháp để vào chung kết, tôi mừng rơn khi đội bóng mình yêu thích (CHLB Đức) vượt ải thành công. Vài ngày sau, xem lại trên TV chỉ là hâm lại niềm vui thôi (vì đã biết kết quả rồi), nhưng xem rồi mới biết, “trăm nghe không bằng một thấy”.

Đến giữa hiệp 1 (hình như sau phút 17), tôi vẫn còn hả hê khi nhận thấy cầu thủ thần tượng của mình – Littbarski mở tỷ số 1-0 cho tuyển CHLB Đức (trước đó nghe đài không nghe kịp). Đội Pháp gỡ hòa sau đó bằng quả 11m của đội trưởng Pháp Michel Platini. Đến giữa hiệp 2, từ một đường chuyền xa chính xác của Platini từ sân nhà, hậu vệ Pháp Patrick Battiston băng lên nhận bóng xâm nhập vào vùng cấm đội tuyển Đức. Một tiếng va chạm cực mạnh, hậu vệ này gục ngã trên sân bất động. Một cảm xúc trào lên trong tôi, nó tương tự như chứng kiến cảnh Eriksen (Đan mạch) gục ngã vào cuối hiệp 1 trận gặp Phần Lan mới đây. Đoạn video quay chậm lại mới biết thủ môn đội Đức Haraid Schumacher đã lao ra với cả tứ chi, cố triệt hạ Bastiston như một sát thủ trong phim quyền cước. Kỳ lạ ở chỗ, trọng tài không rút 1 thẻ nào (nếu bây giờ có VAR thì khác rồi – Đức chắc chắn chỉ còn 10 người trên sân). Có thể  bỏ qua cho trọng tài vì không ông không quan sát kịp và nó xảy ra quá nhanh, ở xa tầm mắt. Nhưng điều mà người xem trận đấu (trong đó có tôi) vô cùng phẫn nộ (thậm chí là căm thù) khi thủ môn Schumacher vẫn bình chân như vại, “hắn” không hề tỏ ra một cảm xúc gì khi chứng kiến đối phương gục ngã trên sân, không thèm “quá bước” đến xem “nạn nhân của mình gây ra” ra sao, trong khi đội ngũ y tế tràn vào sân chăm sóc cho Bastiston. Hình ảnh đội trưởng Platini nắm tay Battiston trên cáng y tế khi đưa ra khỏi sân thật cảm động, và khi ấy tôi nghĩ rằng, nếu ai đó khi đang xem trực tiếp trận này mà không phải quốc tịch Đức, đều ngã về đội tuyển Pháp, mong họ giành thắng lợi trước người Đức để vào chung kết, để trả thù cho hành động “phát xít” mà thủ phạm là thủ môn “Sống chết mặc bay” gây ra (Sau này tôi đọc báo có 1 bài viết thể thao Việt Nam phiên dịch hài hước cái tên Schumacher ra tiếng Việt là như vậy).

Nhưng nếu Pháp thi đấu trong khoảng thời gian còn lại như phong cách Đan Mạch sau khi Eriksen rời sân (trận gặp Phần Lan), thì chưa chắc tôi chia tay CHLB Đức để về với Pháp. Các cầu thủ Pháp, ở trước trận bán kết này, được đánh giá dưới cơ đội Đức (Báo chí Đức khi ấy còn kiêu ngạo nói rằng “Gà trống Gaulois ráng gáy được đến canh ba”, “Đội tuyển 10 robot + Rủmmenigger sẽ dễ dàng hạ Pháp để vào chung kết” – những thông tin này là sau đó tôi nắm được qua báo chí). Đầu hiệp phụ thứ nhất, trong vòng 5 phút (93 và 98), Pháp ghi 2 bàn dẫn Đức 3-1 và sau đó “ngây thơ,  hồn nhiên” không phòng thủ thực dụng mà lại thi triển lối đá tấn công như muốn ăn thêm 4-1, 5-1 …(báo chí hồi ấy miêu tả là lối đá cắm hoa trên nòng súng). Người Đức lạnh lùng lần lượt gỡ hòa 3-3 và trận đấu phải định đoạt 11m luân lưu với thắng lợi của Đức trong sự nuối tiếc của hàng triệu người hâm mộ đội tuyển Pháp.
 
Đội Pháp thất trận trong tư thế ngẩng cao đầu. Họ chỉ giành hạng tư giải năm đó (sau đó thua Ba Lan 2-3) nhưng trận bán kết tại Sevilla (TBN) sẽ mãi là trận cầu kinh điển trong lòng người hâm mộ bóng đá, trong đó có tôi. Đội tuyển Pháp là đội tuyển ghi nhiều bàn thắng nhất ở kỳ World Cup này và dưới con mắt của giới chuyên môn, Pháp là ứng cử viên vô địch của kỳ EURO sau đó 2 năm.  Quả thật, tại VCK EURO 84, Pháp vô địch với 5 trận toàn thắng (là đội vô địch EURO duy nhất đến nay toàn thắng tất cả các trận tại VCK kể từ khi VCK Euro bắt đầu có thể thức vòng đấu bảng) - kỷ lục thứ nhất; ghi tổng cộng 14 bàn- kỷ lục ghi bàn của 1 đội bóng (vô địch và cả không vô địch) tại 1 VCK – kỷ lục thứ hai; trong đó có 9 bàn của Michel Platini – kỷ lục thứ ba – kỷ lục ghi bàn tại 1 VCK của 1 cầu thủ- 3 kỷ lục này đến nay hiện chưa phá nổi. Những con số vừa nêu đã xác nhận rằng’ “sự phản bội tình yêu bóng đá” trước đó 2 năm của tôi là hoàn toàn xác đáng.

Thứ tự các bàn thắng và kết quả trận bán kết Pháp – Đức 1982 giống y hệt như trận Pháp – Thụy Sĩ mới đây (thậm chí tỷ số đá luân lưu cũng y vậy 4-5). Nhưng cái khác cơ bản là: Pháp 1982 thất bại trong vinh quang, thất bại mà làm rơi nước mắt rất nhiều người hâm mộ bóng đá, trong đó có tôi, thất bại mà nhiều người phải thốt lên rằng “công lý bóng đá đâu rồi?”. Còn Pháp 2021 thất bại trong sự nhục nhã ê chề, vì kiêu ngạo, coi thường đối thủ, cả các cầu thủ lẫn HLV trên sân (nhìn cái cách Paul Popba ăn mừng bàn thắng thứ ba thì biết – còn ông thầy Didier Deschamps thì chắc không dạy cho học trò bài học Sevilla 39 năm về trước). Nói như ngôn ngữ bình dân Việt Nam là “thua là đáng”. Không như cảm xúc mất ngủ khi Pháp thua Đan Mạch ở vòng bảng Euro 1992, thua Đức tiếp ở bán kết World Cup 1986, thua Ý tại chung kết World Cup 2006,  Pháp 2021 thất bại đã làm đổi chiều nhiều người hâm mộ đội tuyển Pháp (từ yêu thành ghét). 
 
Có thể trong tương lai, trận cầu Pháp – Thụy Sĩ ở vòng 1/8 sẽ được xếp vào một trong những trận cầu kinh điển của EURO, là “phiên bản Sevilla 2.0” trong lịch sử bóng đá thế giới, song đối với tôi, đó là trận đấu đánh dấu một cái mốc, là cái cớ hoàn toàn hợp pháp để tôi phản bội tình yêu bóng đá đối với thần tượng đội tuyển Pháp. 
 
Giờ đây có lẽ tôi phải chọn lại thần tượng đội tuyển bóng đá mới rồi.
 
Về mặt lý trí, tôi chọn đội tuyển Anh, tôi mong đội Anh vô địch để đảm bảo sự công bằng trong bóng đá (người Anh chưa có danh hiệu này) và hơn nữa, họ có đủ “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” ở kỳ EURO lần này. Hình như “Công lý bóng đá” đã sắp xếp như vậy sau những diễn biến mới nhất trước trận bán kết Anh – Đan Mạch.
Lịch thi đấu Euro 2021 hôm nay 7/7
 
Nhưng về mặt tình cảm (mà mặt này mới quyết định đội bóng tương lai trở thành thần tượng), tôi thích đội tuyển Đan Mạch. Thực ra tôi cũng ấn tượng “Những thùng thuốc nổ” từ EURO 84, WORLD CUP 1986 nhưng khi đó đã có Pháp trong tim rồi nên không chọn. Họ thi đấu đầy thuyết phục, mãn nhãn người xem 4 trận gần nhất (trận gặp Phần Lan thì không tính rồi vì họ đang bị tâm lý). Xem họ đấu các trận gặp Nga và Xứ Wales sao thấy giống như hình ảnh Đan Mạch ngày nào cách đây 35 năm về trước (World Cup 1986 Đan Mạch lần đầu tiên tham dự đã toàn thắng ở bảng tử thần). Bản thân tôi chỉ tiếc họ cùng nhánh với đội Anh (2 đội này gặp nhau ở bán kết). Nhưng tôi tin rằng, với phong cách đã trình diễn vừa qua, rất nhiều người hâm mộ trung lập sẽ ngã về Đan Mạch. Dẫu sao Đan Mạch đã vô địch Châu Âu 1 lần rồi, nhường Anh cũng được (nhưng nếu loại Anh thì cũng chẳng sao, chí ít là đối với bản thân tôi). Đội Đan Mạch sẽ là một đội tuyển đáng gờm trong tương lai, trước mắt là kỳ World Cup năm sau tại Quatar 2022.
 
Trong tình yêu giữa người và người, “sự phản bội” là điều mà nhiều người coi khinh, là điều cấm kỵ, trái với “luân thường đạo lý”. Song tình yêu đối với bóng đá, vẫn có “những sự phản bội” xác đáng, hợp lý và đôi lúc có thể coi là “sự phản bội ngọt ngào”,  phải không các bạn!
 
Tác giả dự thi: Trần Kim Tuyến 
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: gocbandoc@bongda24h.vn. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.