Bài dự thi: Người Italia đã quên Mario Balotelli mất rồi!

Bầu trời dẫu có rộng và xanh đến đâu cũng có lúc đổi mùa theo thời gian. Một giờ, một ngày, một tháng, hay một năm…rồi bao lâu thì mọi thứ sẽ đổi thay? Liệu có ai đong, ai đếm được những ký ức trong tâm hồn? Rồi khi nhìn hạt cát thời gian trôi qua kẽ tay như vô tình thì đó là lúc mà ta nhận ra rằng mọi thứ đã quá xa những gì mình từng nắm giữ.


Mario Balotelli cuối cùng cũng sắp bước sang tuổi 31. Ở độ tuổi này, người ta không còn bồng bột nữa. Ở độ tuổi này, người ta đã đủ trải nghiệm, đủ lớn để quyết định cuộc đời mình. Nhưng với “Super Mario”, chàng trai lắm tài nhiều tật ấy vẫn chẳng lớn thêm chút nào, ngoài khuôn mặt có phần già dặn và thể hình phát tướng hơn trước.
 
Monza - đội bóng đang thi đấu tại Serie B thuộc quyền sở hữu của cựu thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi là bến đỗ hiện tại của tiền đạo gốc Ghana. Đó đã là lần thay đổi CLB thứ 7 kể từ khoảnh khắc Balotelli rời Inter Milan sau cú ăn ba lịch sử mùa giải 2009/2010. Nhưng có lẽ Monza cũng chẳng phải bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp của chàng “badboy” lắm tài nhiều tật. 

Đến Monza chưa đầy một năm, Balotelli đã sắp phải ra đi

 
Thi đấu vài tháng cho Brescia trước khi bị thải loại vì thói vô kỷ luật, và giờ Monza cũng chẳng mặn mà giữ chân Balotelli. Với việc hợp đồng sắp đáo hạn, mùa giải tới Balotelli còn chưa biết mình sẽ chơi bóng ở đâu. Là Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, hay một đất nước xa xôi nào khác? Có thể nói sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Balotelli đã chấm dứt hoàn toàn, theo một cách cay đắng nhất.
 
Hồi tháng 5 vừa qua, khi HLV Roberto Mancini công bố danh sách sơ bộ của ĐT Italia tham dự Euro 2020, chẳng ai buồn quan tâm hay thắc mắc rằng vì sao Balotelli không được triệu tập. Sự thật thì trong tiềm thức người Italia, họ đã lãng quên Balotelli từ lâu rồi. Nhưng cũng sẽ có một vài người vẫn tiếc tuối, dù là thiểu số. Nhưng sự tiếc nuối ấy không dành riêng cho Balotelli, mà dành cho quá khứ, dành riêng cho một phần ký ức mà các Tifosi vẫn nâng niu và trân trọng.
 
Hồi mới lên 11 tuổi, Balotelli vẫn là cậu nhóc nhỏ con gầy gò ốm yếu, từng tuyên bố “xanh rờn” việc mình sẽ trở thành cầu thủ da màu đầu tiên chơi bóng cho ĐT Italia. Chủ tịch Ezio Chielli của Lumenzzane nhớ lại khoảnh khắc đó đã khiến ông cùng các đồng sự phải bật cười. Ở một đất nước thừa mứa những tài năng bóng đá và đầy rẫy các vấn nạn về phân biệt chủng tộc này, chẳng mấy ai có thể nghĩ họ sẽ sống đủ lâu để chứng kiến một cầu thủ da màu khoác lên mình chiếc áo màu Thiên thanh. Nhưng cũng chẳng ai ngờ rằng chỉ 11 năm sau, chính chàng trai ấy đã khiến cả nước Italia phát cuồng với pha ăn mừng kinh điển sau cú đúp vào lưới ĐT Đức. Và đó là cái cách Balotelli đi vào tiềm thức của các Tifosi.

Tuy vậy, người Italia cũng chưa bao giờ yêu mến Balotelli hoàn toàn. Nếu đặt lên bàn cân thì lúc nào họ cũng thích những tiền đạo điển trai, phong cách lãng tử như Roberto Baggio, Alessandro Del Piero hay Francesco Totti hơn là một cầu thủ da màu chơi bóng thiên về sức mạnh. Còn nhớ tại Euro 2012, Liên đoàn bóng đá Croatia từng bị phạt nặng vì để CĐV của mình liên tục có hành vi chửi rủa, phân biệt chủng tộc với Balotelli ngay trong trận đấu. Thậm chí cả tờ Gazzetta dello Sport của Italia cũng nhận không ít gạch đá, sau cùng phải lên tiếng xin lỗi vì bức tranh biếm họa Balotelli trong hình hài một chú khỉ leo lên ngọn đồng hồ tháp Big Ben nước Anh. Đỉnh điểm là việc Balotelli tuyên bố sẵn sàng giết chết kẻ nào dám nhạo báng màu da của anh. 
 
Bởi vậy sau khi lần thứ hai đánh bại Manuel Neuer ở trận bán kết Euro 2012, Balotelli đã cởi phăng chiếc áo đấu khoe cơ bắp cuồn cuộn, gồng mình với cặp mắt hung dữ, như một lời đáp trả đanh thép nhất cho những sự kỳ thị hướng về anh. Sau này khi tham gia vào một bài phỏng vấn, Balotelli được hỏi rằng vì sao anh lại không cười sau khi ghi bàn ấy, anh đáp: “Bạn có từng thấy người đưa thư ăn mừng khi họ đưa thư đến nhà không? Tôi chỉ là công việc của tôi, vậy tại sao tôi lại ăn mừng vì điều đó?”. Một phong cách dị biệt, chẳng giống ai!

Khoảnh khắc kinh điển sau khi ghi bàn vào lưới ĐT Đức của Balotelli tại Euro 2012

 
Balotelli là vậy, có một chút kiêu ngạo, có một chút bất cần của tuổi đôi mươi. Nhưng trận bán kết Euro 2012 với chiến thắng 2-1 trước ĐT Đức năm ấy cũng là dịp hiếm hoi mà người ta “mắt thấy tai nghe” về một Balotelli hoàn toàn khác. Một Balotelli hiếu thảo, như cái cách anh chạy thẳng lên khán đài sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu cất lên, ôm chầm lấy người mẹ nuôi, hét lớn đầy cảm xúc: “Mẹ ơi! Hai bàn thắng này con dành cho mẹ đấy!
 
Để rồi cũng chính những giọt nước mắt của Balotelli khi Italia thảm bại 0-4 trước Tây Ban Nha trong đêm chung kết tại Kiew cũng đem lại một chút an ủi cho những người yêu bóng đá Italia trước nỗi đau thất trận. Đó là sự tiếc nuối và đau khổ của chàng trai mới 22 tuổi trong lần đầu tiên tham dự một giải đấu lớn ở cấp châu lục. Một người luôn bị nguyền rủa vì cá tính chẳng giống ai, bị nhạo báng vì những rắc rối, bị hắt hủi vì những người chưa bao giờ coi anh là một công dân Italia thực sự. Nhưng xét cho cùng, Balotelli đã chiến đấu hết mình ở kỳ Euro năm ấy, còn hơn một chiến binh Italia đích thực chiến đấu vì tổ quốc. Và những giọt nước mắt đó phần nào để lại dư vị ngọt ngào hơn là đắng cay.

Balotelli và những giọt nước mắt sau đêm chung kết với người Tây Ban Nha tại Kiew

 
Tuy vậy sau tất cả, những gì đã trải qua dường như không đủ để giúp Balotelli trưởng thành. Ai cũng biết Balotelli có một tuổi thơ nhiều sóng gió khi bị ba mẹ ruột bỏ rơi từ lúc mới 3 tuổi. Đó là lý do vì sao người ta bắt đầu thông cảm cho những cư xử còn non nớt và đôi khi hơi thiếu giáo dục của anh. Thế nhưng, Balotelli đã đủ lớn để biết rằng, thông cảm không có nghĩa là đồng tình hay tha thứ. Thông cảm đơn giản chỉ là một cách nhún nhường, một cách nhìn cao thượng hơn với nhiều khổ cực mà anh đã trải qua. Dư luận cho rằng Balotelli đáng thương hơn là đáng trách, anh thiếu thốn tình cảm gia đình, anh bị người ta ghẻ lạnh… nhưng thông cảm như thế là đủ rồi.
 
Thông cảm cho anh là để anh lớn lên và biết điều hơn chứ không phải để tranh thủ sự đồng cảm của người hâm mộ mà mãi mãi cư xử trẻ con như thế. Balotelli muốn có sự công bằng vì anh đã chịu đựng quá nhiều sự đau khổ, nhưng anh cũng nên biết rằng không ít các cầu thủ Châu Phi cũng phải vật lộn không kém gì anh. So với họ, ít nhất Balotelli cũng hạnh phúc hơn khi đã đến được với trái bóng, đã có một người mẹ nuôi yêu thương anh vô điều kiện. 
 
Balotelli muốn người ta tôn trọng mình nhưng ngược lại anh chưa từng tôn trọng người ta, thậm chí chưa một lần tôn trọng sự nghiệp chơi bóng của chính mình. Luôn có những lời lẽ thiếu suy nghĩ, luôn có những hành động ngang ngược, thiếu kiềm chế. Đó vốn dĩ không phải cái cách bắt người ta phải tôn trọng mình. Chính anh cũng đã bao lần tự hạ thấp bản thân bằng những cư xử thiếu văn hóa. Anh phản ứng lại hành vi phân biệt chủng tộc bằng những hành vi còn khiến người ta khinh ghét hơn.
 
Có ai đó từng nói rằng: “Cùng một sai lầm, đừng bao giờ lặp lại đến lần thứ hai. Lần thứ hai lặp lại sai lầm, thực sự nó không còn là sai lầm nữa, mà là lựa chọn”. Đúng vậy! Sự nghiệp của Balotelli ở Manchester City, ở AC Milan, ở ĐT Italia, đã có thể sáng lạn hơn rất nhiều nếu anh tập trung hoàn toàn vào bóng đá. Nhưng Balotelli đã bỏ qua tất cả những lời khuyên ngăn từ những người xung quanh anh, đó vốn dĩ là lựa chọn chẳng thể quay đầu. Ở tuổi 30, đáng lẽ ra Balotelli đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng đã từ rất lâu những người yêu bóng đá đã dần quên tên anh rồi. Hiện tại, ĐT Italia dưới bàn tay nhào nặn của Roberto Mancini đã lột xác trở thành một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Euro 2020, với ba trận toàn thắng tại vòng bảng, đồng thời không để lọt lưới bất cứ bàn thua nào. Khi cả nước Italia đang đắm chìm trong men say chiến thắng, người ta tự hỏi Balotelli đang ở đâu?
 
Ciro Immobile – chân sút chủ lực của Italia, bằng tuổi với Balotelli nhưng có xuất phát điểm chậm hơn cựu thần đồng của Inter Milan rất nhiều, giờ đang là niềm hi vọng lớn nhất trên hàng công của HLV Mancini với 2 bàn thắng. Sự nghiệp với Immobile vốn dĩ cũng không bằng phẳng và tưởng chừng đã có thời điểm tàn lụi tại Dortmund lẫn Sevilla. Nhưng bằng ý chí kiên định, Immobile đã hồi sinh rực rỡ trong màu áo Lazio, trở thành cây săn bàn đáng sợ với hai lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới Serie A mùa giải 2017/2018 và 2019/2020. Manuel Locatelli – tiền vệ tài hoa vừa lập một cú đúp vào lưới Thụy Sỹ và được rất nhiều đội bóng lớn tại Châu Âu theo đuổi, từng chỉ là cậu nhóc nhặt bóng tại San Siro thời điểm Balotelli là ngôi sao sáng giá nhất của AC Milan. 
 
Tất cả những so sánh ấy, chỉ khiến người ta thêm tiếc nuối cho sự nghiệp của “Super Mario”, một sự nghiệp sớm nở chóng tàn…

Tác giả dự thi: Kiều Cao Trường
                                          
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: gocbandoc@bongda24h.vn. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!
Bài dự thi: Roberto Mancini - Quý ông tinh tế của đội tuyển Ý
Phút thứ 19 trong trận đấu giữa Ý và Xứ Wales tại bảng A Euro 2020, Neco Williams tung ra một đường chuyền hỏng, trái bóng vô tình tìm đến vị trí của Roberto...
Bài dự thi: Đội tuyển Ý - Đứng dậy sau đống tro tàn, đổ nát?!
Bóng đá Ý đến với vòng chung kết Euro 2020 sau những thất bại đầy tủi nhục và đau đớn khi trước đấy bị loại bởi “Cỗ xe tăng” Đức ở tứ kết Euro 2016 và đặc biệt...

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục