“Có chứ, thậm chí còn nhiều hơn bây giờ”, tôi trả lời.
Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến những lần xem Euro hơn ba mươi năm trước, lúc ấy tôi bằng tuổi thằng con bây giờ và đang học ở trường thị trấn. Quê tôi thuộc vùng sâu của huyện, cuộc sống còn gặp khó khăn. Tôi biết xem bóng đá châu Âu bắt đầu từ Euro 1984 khi Đài truyền hình chưa trực tiếp đá bóng như bây giờ mà chỉ toàn phát lại. Do nghỉ hè nên bọn tôi mỗi tối không học bài, tháp tùng cùng mấy chú, mấy bác sang xóm bên cạnh có cái tivi 12 inch trắng đen sử dụng bình ắc quy thay điện. Đi coi như vậy mà vui.
Cái nhà ngói ba gian của anh Chín trở nên bé nhỏ trước một đám đàn ông mê bóng đá. Những màn trình diễn kỹ thuật của Völler (Đức), cú dốc bóng thần tốc mang “nhãn hiệu” Littbarski hay những cú bắt bóng điệu nghệ của thủ môn Arconada (Tây Ban Nha) đã làm cho mọi người trầm trồ thán phục.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cầu thủ Platini (Pháp). Màn trình diễn của anh thật ấn tượng cho đến trận chung kết, nhất là những cú sút phạt hiểm hóc như lá vàng rơi. Ở đội Pháp, ngoài Platini, tôi còn khoái hậu vệ thép Battiston khi anh bắt chết mọi tiền đạo nổi tiếng của đối phương.
Xem trên tivi, tôi học được lối kèm người của Battiston đến nỗi mỗi chiều đá bóng trên sân ruộng, không anh nào qua được tôi để sút bóng vào khung thành của thằng Thành, khiến nó nói vui “Mày mua giùm tờ báo cho tao đọc”.
Mãi đến cuối năm 1986, điện mới kéo tới xóm tôi, nhưng đâu phải hộ nào cũng có tiền để vào điện kế hết. Khi có điện, số hộ có tivi trong xóm bắt đầu tăng (chủ yếu là ti vi trắng đen) nhưng đếm chưa đủ bàn tay, mỗi chiều có điện đi xem tivi ké là bình thường. Ban đầu người ta chỉ xem cải lương mỗi tối thứ bảy, nhưng rồi sức hút của quả bóng da vào hè 1988 làm cho đám thanh niên, trung niên và ngay cả những cụ già chấp nhận thức khuya, dậy sớm xem bóng đá.
Hồi đó, chúng tôi còn nhớ hoài câu nói quen thuộc của các phát thanh viên Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 19 giờ sau giới thiệu chương trình: “Nếu không có gì thay đổi và điều kiện kỹ thuật cho phép, chúng tôi sẽ trực tiếp trận…” nên cứ hồi hộp chờ đợi.
Người dân xóm tôi mê Euro hơn World Cup bởi giải này quy tụ hầu hết những cầu thủ giỏi, nổi tiếng thế giới. Mấy hôm trời mưa nhưng gặp phải trận hay, tội nghiệp chú Hai xóm trên có chiếc xuồng lớn bơi ngang nhà ai có người mê bóng đá cũng lên tiếng, vì sợ mọi người ngại đường sá lầy lội không đi xem trực tiếp Euro trên tivi. Ai cũng thủ sẵn cho mình chiếc đèn pin hoặc ít ra là chiếc đèn bão để thấy đường mà đi cùng chiếc áo mưa.
Trên đường về nhà, chú Hai cố tình bơi xuồng thật chậm để mọi người cùng nhau bình luận trận đấu vừa xem. Họ bình luận theo kiểu chân chất của người nông dân nghe cũng hay hay. Nhờ đọc báo trước, tôi luôn có lời nhận định tuy không sắc sảo nhưng ai nghe thấy cũng có lý. Chiếc xuồng di chuyển chậm nhưng ai cũng thấy nhanh quá, đến nhà rồi mà cũng chẳng muốn lên bờ.
Tình hình sản xuất điện khi đó còn khó khăn, Nhà nước có chủ trương tiết kiệm bằng việc cắt điện luân phiên, một tuần cúp điện hết ba ngày đêm. Đêm diễn ra trận chung kết Euro 1988, cả xóm bị cúp điện. Tôi cứ bồn chồn đứng ngồi không yên. Lúc này chỉ nhà ông Bảy có cái tivi 12 inch trắng đen xài được bằng cách chạy máy Kohler 4 kéo moteur phát điện.
Tối hôm ấy, trời không mưa, tôi đợi chú Hai qua rủ là nhảy xuống xuồng đi liền. Đến nơi đã thấy mọi người đã chật kín. Đợi đúng tới giờ mà phát thanh viên đã báo, ông Bảy gọi tôi ra giựt máy chạy để bà con xem. Tôi lấy sức giật mạnh 1 cái, 2 cái, vậy mà cái máy dở chứng không chịu chạy. Mắc cười nhất là chú Bảy Thơm miệng cứ lâm râm vái cho máy chạy suông sẽ cúng ông Địa nải chuối.
Tôi ra sức giựt mãi cuối cùng máy cũng chạy để mọi người cùng xem. Tôi mon men đến gần chiếc tivi nhỏ để xem cho đã. Nhưng thật trớ trêu, trận đấu diễn ra giữa hiệp hai khi Van Basten sút tung lưới Dasaev đã con mắt thì máy hết xăng. Mọi người tặc lưỡi như thằn lằn. Anh Sáu đứng phía cuối lên tiếng: “Tôi có nửa lít xăng bơm nước ruộng còn dư nè, lấy đổ máy vô coi tiếp”.
Nhờ vậy mà mọi người tiếp tục xem được đến hết trận mặc dù cái máy có lúc chạy cà lăm làm cho màn hình bị giật liên tục. Tôi còn nhớ, sau trận đấu, mấy người lớn không xem cảnh Gullit giơ cao chiếc cúp vô địch Euro 1988 mà bày nhau ra vừa nhậu vừa bình luận sau trận đấu gần tới sáng. Kẻ thắng người thua trong quá trình xem đã bắt độ hùng hạp chuẩn bị mồi nhậu sẵn.
Đi xem Euro vất vả như vậy nhưng vui và nhớ đến bây giờ. Điều thú vị là qua mùa Euro hay World Cup, không còn ai biết sợ ma là gì (!?). Mấy cô, mấy bà sau một thời gian cằn nhằn các ông “có trái banh mà mười mấy hai chục ông kéo nhau ra sân giành có gì để coi mà mê dữ vậy?” cũng tò mò xem rồi chuyền tai, rủ nhau cùng xem. Tới sáng ra chợ chồm hổm cũng bàn tán các trận đấu nào hay, dở, biết đến các ngôi sao bóng đá Van Basten, Platini, Totti, Maldini, … không thua gì các ông, rồi bình phẩm xem ai đẹp trai hơn ai. Đến kỳ Euro 1992 về sau, số phụ nữ trong xóm “thức cùng Euro” tăng lên đáng kể.
Những năm sau, mỗi kỳ Euro chuyện rủ nhau xem tivi ké cũng thưa dần và không còn nữa. Gia đình tôi sau đó cũng sắm được cái ti vi màu 15 inch nên cũng ít đi xem ké mỗi kỳ Euro hay World Cup, ngoại trừ những trận đấu căng thẳng cùng mấy chú, mấy anh em ra quán cà phê đầu xóm cùng xem, bình luận. Mùa Euro năm nay lại trùng lúc dịch Covid-19 nên ai cũng coi tại nhà. Quán xá đóng cửa, đìu hiu. Những câu chuyện tối lò dò đi xem bóng đá mỗi kỳ Euro thời bao cấp cũng lùi vào dĩ vãng…
“Có điện rồi!”, tiếng thằng bé làm tôi giật mình trở về thực tại. Tôi với tay lấy chiếc remote khởi động lại chiếc tivi LED 49 inch, mở quạt máy, nằm võng xem tiếp. Xem Euro theo kiếu tránh dịch Covid–19 bây giờ tuy sướng hơn xưa, nhưng thiếu cái không khí bóng đá như năm xưa. Thôi kệ, chỉ mong ông nhà đèn đừng làm điện bị cà giật.