Trước một đối thủ có đấu pháp hợp lý khi phòng thủ có tổ chức và khoa học như đội tuyển CH Czech, đoàn quân của HLV Frank De Boer không còn là "Cơn lốc màu da cam" lừng danh với lối đá tấn công tổng lực cuồn cuộn giàu tốc độ nữa.
Sai lầm tai hại của De Ligt trong pha té ngã cố dùng tay giữ bóng khi bị Patrik Schick vượt qua đã để lại "lỗ hổng to tướng" cho các cầu thủ Czech khai thác những khoảng trống nơi hàng hậu vệ chơi thiếu người vì tấm thẻ đỏ dành cho De Ligt. Và Tomas Holes - Người liên quan đến "những lỗ hổng" đã khôn khéo tìm ra từng khoảng trống nơi vị trí mà De Ligt để lại đã cùng các đồng đội trong tuyển Czech mặc sức khai thác. Tomas Holes hợp cùng Patrik Schick trở thành hai người hùng đưa Czech vào Tứ kết Euro 2020 gặp tuyển Đan Mạch.
Sự non kém kinh nghiệm trong phòng ngự của De Ligt khi dùng tay cản bóng trong pha té ngã. Họ lại không biết chắt chiu cơ hội ghi bàn như tình huống một mình một bóng của Malen thoát xuống đối mặt với thủ môn Czech, nhưng Malen lại không có cú lắc hông điệu nghệ như Rô béo hay Rô vẩu của đội tuyển Brazil để lừa bóng qua người thủ môn đối phương và sút vào lưới khi thủ môn đã "xuất tướng" rời bỏ khung thành trống.
Tấm thẻ đỏ của De Ligt và pha bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ngon ăn của Malen là bước ngoặt của trận thua muối mặt với 2 bàn không gỡ của tuyển Hà Lan trước sự xuất sắc của cặp Tomas Holes và Patrik Schick.
Không còn là hình ảnh "Những người Hà Lan bay" của thế hệ vàng Ruud Gullit, Van Basten và Frank Rijkaard lên ngôi vô địch Euro 1988 trong trận thắng tuyển Liên Xô cũ đến 2-0, trong đó có bàn thắng vô lê tuyệt đẹp của Van Basten ở tư thế góc hẹp rất khó ghi bàn. Nhưng bóng lại bay qua khỏi tầm với của thủ môn tài ba Dasaev và nó đã thành thương hiệu của Van Basten tại mỗi kỳ Euro về bình chọn siêu phẩm bàn thắng đẹp nhất.
Tiếp theo đó là thế hệ huy hoàng của Robben và Van Persie từng vào đến Chung kết World Cup 2010 với tuyển Tây Ban Nha. Tất cả điều đó đều là hai niềm vinh hạnh và là di sản của bóng đá Hà Lan với lối đá tấn công tổng lực đẹp mắt từ thời của cố danh thủ huyền thoại Johan Cruyff cùng các đồng đội lên ngôi Á quân tại World Cup 1974.
Có lẽ ngồi trên khán đài HLV Frank De Boer và trợ lý là cựu ngôi sao danh thủ Van Nistelrooy cũng không ngăn được cảm giác ngào ngán, khi chứng kiến các học trò cứ mãi loay hoay bất lực trong nỗ lực vô vọng tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa và lật ngược thế cờ vào phút cuối, trước một tuyển Czech thi đấu quá kiên cường trong tranh cướp bóng và triển khai tấn công sắc bén. Hai ông thầy một nổi tiếng ở hàng thủ, một là sát thủ ở hàng công nhưng thế hệ đàn em ngày này gồm Wijnaldum, Depay, Demfries, De Ligt, Malen.... lại bế tắc trong thi đấu, công cùn thủ kém đến như vậy.
Giấc mơ đi đến trận Chung kết Euro 2020 và lên ngôi chức vô địch giờ đây đã tan thành mây khói sau sai lầm tai hại của De Ligt và sự non kém kinh nghiệm về đẳng cấp xử lý bóng của Malen. Hy vọng họ đủ bản lĩnh để vượt qua cú sốc thảm hoạ này. Hà Lan thiếu những chân sút chính xác và lạnh lùng như tuyển Ý cùng nhân tố biết toả sáng đúng lúc để chớp thời cơ ghi bàn trong khoảnh khắc sơ hở của đối thủ. Tuyển Czech cũng chơi cái cách phòng thủ chặt phản công nhanh như đội tuyển Áo nhờ vào những cầu thủ có thể lực cao to, đá càn lướt, áp sát và lì lợm trong tranh cướp bóng, nhưng Czech tấn công sắc sảo và tạo đột biến hơn nhờ vào hai ngôi sao nổi bật nhất trong đội hình là Holes và Schick.
Điều tuyển Ý có được nhờ vào sự thay người tài tình của HLV Roberto Mancini khi tung vào sân hai ngôi sao dự bị là Chiesa và Pessina thì cả hai cầu thủ này đều ghi bàn trong tình huống các hậu vệ Áo đã thấm mệt và lơi lòng trong kèm người. Ngược lại bên phía Hà Lan, HLV Frank De Boer không có giải pháp nào hữu hiệu khi tung hết những cầu thủ dự bị ra sân hòng lật ngược thế cờ, nhưng tất cả trở nên vô ích khi hàng thủ thì mất người, hàng tiền vệ không cầm được bóng và đi bóng đột phá vào trung lộ, hoặc tạt ra hai bên cánh hòng kéo giãn hàng phòng ngự tuyển Czech để lộ nhiều khoảng trống cho các tiền đạo Hà Lan có cơ hội rảnh chân tung ra những cú sút chính xác hơn.
Nhìn chung họ thiếu một nhạc trưởng tài hoa, người có khả năng giữ nhịp, điều tiết trận đấu và cung cấp bóng lên cho hàng tiền đạo dễ nhận bóng cũng như gây sức ép lên khung thành đối phương như tiền vệ Luka Modric của tuyển Croatia chẳng hạn.
Nỗi đau thua trận của Hà Lan quả thật khó nguôi ngoai hơn so với tuyển Áo vì họ thua bởi một tập thể có nhiều ngôi sao đồng đều cả ba tuyến trong đội hình và ngày cả các cầu thủ dự bị lại còn tỏ ra xuất sắc hơn người được đá chính. Dù sao Áo cũng ghi được bàn thắng vào lưới tuyển Ý qua ba trận vòng bảng các tuyển thủ Áo màu Thiên thanh chưa bị thủng lưới so với 23 đội bóng còn lại tại Euro 2020. Vả chăng tuyển Áo cũng không được kỳ vọng và bị áp đặt phải đạt thành tích vào chức Vô địch Euro 2020 như đội tuyển Hà Lan nên họ không bị ức chế tâm lý nhiều, thi đấu thoải mái và thoáng hơn do có thất bại cũng ít bị búa rìu dư luận và khán giả nhà chê bai, tuyển Áo bị xem là đội chiếu dưới so với đội Ý quá hùng mạnh. Trong khi khán giả hâm mộ luôn đặt kỳ vọng nhiều vào "Cơn lốc màu da cam" với nhiều ngôi sao trẻ tài năng, cứ ngỡ cuốn phăng "khối pha lê Czech" tan tành thành những mảnh vụn bằng lối đá tấn công toé lửa, nhưng thực tế thì giờ đây chỉ còn là một "đoá Tulip" tả tơi trong cơn gió thoảng qua của trưa hè nóng bức bằng một lối chơi bế tắc trên hàng công và đầy sai sót nơi hàng phòng ngự.
Bóng đá xét cho cùng vẫn chỉ là môn thể thao, một trò chơi lớn được con người tạo ra nên nó khó tránh được những sai lầm rất "con người". Và Hà Lan cũng như tuyển Bồ Đào Nha của siêu sao Ronaldo cũng vừa thất bại cay đắng từ "bầy Quỷ đỏ" Bỉ cũng không là... ngoại lệ. Nhà cựu vô địch Euro 2016 cứ bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác trong từng cú sút vào lưới thủ môn đội bạn. Ngay cả khi bóng đã loại hết hàng hậu vệ tuyển Bỉ cũng không "thắng" được... cái cột dọc khung thành. Đồng thời cú sút sấm sét của "Hazard em" làm xới tung lưới Bồ Đào Nha lên, đồng thời "hất tung" luôn cả đội Bồ Đào Nha cùng Ronaldo phải xách vali về nước sớm.
Thôi thì xoá bài làm lại, trông mong vào thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng và bản lĩnh, có nghị lực vươn lên ngay chính nơi mình vấp ngã. Để cho những giọt nước mắt buồn đau thôi rơi vì đội nhà thua trận trên khán đài của các cổ động viên trung thành, luôn cổ vũ cuồng nhiệt bằng còn tim yêu bóng đá, yêu quý đội nhà vô bờ bến.
Cuộc vui nào cũng tàn, nỗi buồn nào rồi cũng quá đi. Tuy nhiên thất bại cay đắng của Hà Lan và Bồ Đào Nha đã đi đến tận cùng nỗi đau, khi họ được đánh giá là hai trong các ứng cử viên cho chức vô địch Euro năm nay nhưng phải chịu thất bại nghiệt ngã khó lường. Nhất là đối với thất bại của tuyển Hà Lan trước một đội bóng âm thầm nhưng tiềm ẩn hiểm nguy như đội tuyển CH Czech, họ sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào đối với mọi đối thủ.
|
Hà Lan thất vọng khi không thể vào tứ kết |
Trận thua của Hà Lan không phải là "cái chết đẹp của con thiên nga" như thất bại của Bồ Đào Nha trước Bỉ, mà nó xuất phát từ cánh tay giơ ra khều lấy bóng một cách kém sáng suốt của De Ligt. Nhất là cái chân vụng về của Malen chưa thành thạo "điệu vũ lắc hông", để lừa bóng qua người thủ môn và sút vào lưới trống mang thương hiệu của "phù thủy" đàn anh Ronaldinho hay tiền bối Van Nistelrooy thuở nào.
Tác giả dự thi: Nguyễn Hoàng Thảo