Bài dự thi: Gareth Southgate và ký ức buồn với người Đức tại Wembley – Hãy đứng dậy ở nơi vấp ngã để đi tìm sự công nhận

Lá thăm chia nhánh cùng với kết quả tại vòng bảng Euro 2020 đã vô tình mang đến cho chúng ta một cặp đấu kinh điển ngay từ vòng loại trực tiếp đầu tiên giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Đức. Trong suốt chiều dài lịch sử cả trăm năm qua, Anh cùng với Đức luôn là đối trọng hàng đầu ở Châu Âu cả về kinh tế, khoa học – kỹ thuật, quân sự… và bóng đá cũng không nằm ngoài sự đồi đầu đó.

Hai đội tuyển của hai quốc gia hùng mạnh này đã chạm trán nhau tổng cộng 32 lần, trong đó ĐT Đức thắng nhiều hơn với 15 trận, trong khi Tam sư thắng 13 và hòa 4. Tính riêng tại các vòng knock – out của các giải đấu lớn, Tam sư và những cỗ xe tăng đụng độ nhau 8 lần, còn xét riêng tại Euro Anh và Đức đã đối đầu nhau 4 lần, trong đó Die Mannschaft có 2 lần ăn mừng trước đối thủ, người Anh giành chiến thắng 1 trận và 1 trận kết thúc với tỷ số hoà. Nhìn tổng quan thành tích đối đầu, có thể đánh giá đây là cặp đấu khá tài cân sức, nhưng chắc chắn người Anh không nghĩ vậy bởi lần gần đây nhất họ giành chiến thắng trước đối thủ sừng sỏ này tại 1 trận đấu knock – out đã là từ World Cup 1966, nơi thế hệ huyền thoại của những Gordon Banks, Bobby Moore, Geoff Hurst và anh em nhà Charlton… đã hạ người Đức 4-2 để lên ngôi vô địch ngay tại Wembley. 

Bốn lần chạm trán sau đó tại tứ kết World Cup 1970, bán kết World Cup 1990, bán kết Euro 1996 và vòng 1/8 World Cup 2010, người Anh đều đóng vai những kẻ bại trận. Nỗi ám ảnh về thất bại trước người Đức lớn đến mức khiến tiền đạo huyền thoại của tuyển Anh là Gary Lineker đã từng phải thốt lên đầy cay đắng “Bóng đá là trò chơi của 22 cầu thủ với 1 quả bóng, nhưng kết quả chung cuộc chỉ có một: Người Đức là đội chiến thắng”. Phát biểu trên tuy chua chát nhưng là một định nghĩa mang tính biểu tượng cho một thế hệ các cầu thủ Anh luôn tự hào mang trong mình dòng máu của những hiệp sĩ với lối chơi tốc độ, mạnh mẽ, trực diện nhưng có phần ngây thơ nên luôn thất bại trong những giờ phút quyết định trước sự bản lĩnh, sự lỳ lợm và chất thực dụng của người Đức.
 
Tuy nhiên, tôi tin rằng Gary Lineker chưa chắc đã phải là người Anh mang nỗi ám ảnh thất bại lớn nhất trước người Đức, cái tên mà tôi muốn nhắc đến ở đây chính là đương kim HLV của Tam sư ở thời điểm hiện tại: Gareth Southgate.

Câu chuyện xảy ra tại kỳ Euro 1996 được tổ chức tại chính nước Anh, quê hương của bóng đá hiện đại. Người Anh kỳ vọng lợi thế sân nhà có thể giúp họ làm nên kỳ tích như tại World Cup 1966. Hy vọng ấy càng được củng cố bởi tuyển Anh khi ấy sở hữu lực lượng đồng đều trải dài ở cả ba tuyến: ở trong khung gỗ là thủ thành David Seaman, người kế thừa xứng đáng chiếc áo số 1 mà huyền thoại Peter Shilton để lại, dẫn dắt hàng phòng ngự là người đội trưởng vĩ đại bậc nhất lịch sử Arsenal: Tony Adams, hàng tiền vệ có Paul Ince người từng là trụ cột của đội bóng số 1 tại giải Ngoại hạng lúc bấy giờ Manchester United và đang thi đấu cho Inter Milan tại Italia, cùng ngôi sao chạy cánh đang lên của Liverpool Steve Mcmanaman, phía trên là bộ đôi tiền đạo trứ danh đang làm mưa làm gió ở Ngoại hạng Anh lúc bấy giờ: Alan Shearer dũng mạnh với kỹ năng dứt điểm siêu hạng và Teddy Sherringham toàn diện, thông minh. Dĩ nhiên, không thể nào bỏ qua nhạc trưởng thiên tài dẫn dắt lối chơi của đội hình năm đó: Paul Gascoigne, người được Sir Alex Ferguson đánh giá là tiền vệ mang quốc tịch Anh vĩ đại nhất sau thời Sir Bobby Charlton. Gareth Southgate khi ấy, tuy không phải ngôi sao nổi bật của đội bóng nhưng cũng là cái tên quen mặt tại giải ngoại hạng Anh khi ấy trong màu áo Aston Villa.
 
Với lợi thế sân nhà cùng dàn hảo thủ chất lượng, người Anh dễ dàng vượt qua vòng bảng trước khi loại một đối thủ rất mạnh khác ở tứ kết là Tây Ban Nha để có mặt tại bán kết. Nơi người Đức đang đợi họ, tuy nhiên lần này, người Anh có cơ sở để tin vào một chiến thắng nhằm trả món nợ thua trận cách đó 6 năm tại bán kết World Cup 1990. 
Gareth Southgate
Gareth Southgate đá hỏng penalty ở trận bán kết EURO 1996 giữa Anh và Đức, trên sân Wembley
Niềm tin đó càng được củng cố hơn bởi khi đó, tuyển Đức đang trong thời kỳ chuyển giao thế hệ, những Rudi Völler, Jürgen Klinsmann, Lothar Matthäus, người thì đã giã từ đội tuyển, người còn thi đấu cũng đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, tiền vệ cá tính Stefan Effenberg thì bị loại khỏi đội tuyển sau những lùm xùm từ World Cup 1994.  Cái tên đáng chú ý nhất của tuyển Đức khi ấy có lẽ là Matthias Sammer, tiền vệ đang chơi cho Borrusia Dortmund, người được coi là Ribero cuối cùng của bóng đá thế giới. Dẫu vậy, từ trước đến nay, thứ bản sắc làm nên một tuyển Đức gai góc kiên cường luôn là sức mạnh tập thể đến từ ý chí và tinh thần đoàn kết của các cầu thủ. 
 
Và ở kỳ Euro lần này cũng vậy, bước vào trận đấu, với ưu thế sân nhà, Tam sư nhanh chóng giành quyền chủ động trong lối chơi và vươn lên dẫn trước sau cú đánh đầu dũng mạnh của tiền đạo chủ lực Alan Shearer. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian để những cỗ xe tăng đưa trận đấu về vạch xuất phát, ngày hôm đó HLV Terry Venables của tuyển Anh bố trí bộ ba Tony Adams, Gareth Southgate và Stuart Pearce bảo vệ cho khung thành của David Seaman và bộ ba này đã hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn Stefan Kuntz ghi bàn gỡ hoà cho tuyển Đức. Cả hai đội sau đó thi đấu dằng co đầy quyết liệt, nhịp độ trên sân luôn diễn ra ở tốc độ cao với những pha tấn công ăn miếng trả miếng từ cả hai bên, thậm chí người Anh đã một lần đưa bóng vào cột dọc của tuyển Đức, tuy nhiên trải qua 120 phút với hai hiệp chính và hai hiệp phụ, tỷ số 1-1 vẫn được giữ nguyên và chờ đón tất cả phía sau là loạt sút luân lưu cân não. 
 
Lúc này, tất nhiên ưu thế thuộc về người Đức bởi trên thế giới không có ai giỏi sút phạt đền hơn người Đức, với bản lĩnh và tinh thần thép, họ luôn cực mạnh ở cự ly 11m, chính họ đã loại tuyển Anh tại bán kết World Cup 1990 cũng bằng những loạt sút đầy may rủi. Nhưng người Anh khi ấy cũng có sự tự tin nhất định bởi ở vòng từ kết trước đó, họ vừa giành chiến thắng trước Tây Ban Nha cũng bằng thi sút luân lưu và quả thực ở 5 lượt sút đầu tiên, tất cả các cầu thủ đều đã làm rất tốt, khiến cho Kopke và Seaman dù rất xuất sắc nhưng không có bất kỳ một pha cản phá thành công nào. Cho đến lượt sút thứ 6, tuyển Anh đá trước và người nhận trọng trách là đương kim huấn luyện viên tuyển Anh hiện tại, Gareth Southgate, đây là giải đấu lớn đầu tiên trong sự nghiệp của chàng trung vệ khi ấy 26 tuổi và nhìn vẻ mặt của ông khi lấy đà, ai cũng có thể nhận ra ông chẳng hề thoải mái với trọng trách này. Kết quả là Southgate tung ra một cú sút vừa lộ vừa hiền khiến thủ môn của tuyển Đức dễ dàng nhoài người cản phá, cả sân Wembley chết lặng, Southgate ôm đầu lững thững bước đi về giữa sân, cả ông và các đồng đội đều hiểu chuyện gì đang chờ đón mình ở phía trước, và quả thật Moller đã không mắc bất kỳ sai lầm nào sau đó để khép lại hành trình của đội chủ nhà tại kỳ Euro năm ấy.
 
Dĩ nhiên, chẳng ai oán trách Southgate quá nhiều, người ta có thể kỳ vọng gì vào một trung vệ lần đầu được tham dự một giải đấu lớn và cũng chưa hề chuẩn bị tinh thần cho một quả sút luân lưu? Tuy vậy, quả Penalty này chắc chắn còn ám ảnh Southgate đến tận thời điểm hiện tại, sự nghiệp của Southgate ở tuyển Anh vẫn kéo dài đến tận năm 2004 nhưng sau kỳ Euro năm ấy, ông không bao giờ được đóng vai kép chính nữa. Không những vậy, người Anh chắc chắn cũng sẽ rất nhớ nó vì Euro 1996 cũng là lần duy nhất tuyển Anh lọt vào đến bán kết của giải đấu này và hình ảnh Paul Gascoigne mắt đỏ hoe, ôm chầm lấy Gareth Southgate để động viên người đàn em sẽ mãi là ký ức buồn về một đội tuyển Anh năm đó: lôi cuốn nhưng cũng đầy dang dở. Cũng từ đây, chấm luân lưu trở thành nỗi ám ảnh của người Anh khi họ đã hai lần thất bại tại tứ kết Euro trước Bồ Đào Nha năm 2004 và Italia năm 2012 cùng theo một kịch bản tương tự.

Tròn hai mươi lăm năm sau ký ức đáng quên đó, Gareth Southgate lại có cơ hội đối đầu người Đức ở một trận đấu loại trực tiếp của một kỳ Euro, được tổ chức ngay chính sân nhà Wembley, nơi chứng kiến khoảnh khắc thất bại của ông cùng các đồng đội năm xưa nhưng trên một vai trò hoàn toàn khác đó là Huấn luyện viên trưởng của Tam sư. Tam sư trong tay Southgate hiện tại là một tập thể được đánh giá là đáng xem nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 
 
Tuyển Anh tại Euro năm nay là sự kết hợp của sức trẻ và kinh nghiệm trải dài tất cả các tuyến. Là sự pha trộn giữa sức mạnh, tốc độ vốn mang tính thương hiệu của người Anh với kỹ năng và tư duy bóng đá hiện đại của lứa cầu thủ trẻ, đặc biệt là ở hàng tấn công, có thể kể ra hàng loạt cái tên đã và đang thi đấu đầy bùng nổ trong mùa giải vừa qua trong màu áo của clb. Tuy nhiên, như thường lệ, vấn đề của tuyển Anh chưa bao giờ là việc thiếu các ngôi sao mà đó là tính gắn kết trong lối chơi, thứ mà dường như tuyển Anh của Southgate lúc này cũng đang thiếu, và hơn ai hết, với vai trò là HLV trưởng, ông đang gặp phải rất nhiều áp lực từ truyền thông và người hâm mộ. Bởi với những cái tên đầy tài năng và trẻ trung trên hàng công, các fan của Tam sư có quyền hy vọng vào một tuyển Anh bùng nổ, biến hoá hơn thay vì một đội tuyển thì đấu quá thận trọng và đơn điệu như tại ba trận vòng bảng Euro năm nay. Thực tế, tuy đã giành ngôi nhất bảng và chưa để thủng lưới bàn nào nhưng hàng công trứ danh của tuyển Anh cũng mới chỉ có 2 lần nổ súng tại giải đấu năm nay, họ thậm chí còn không có nổi 1 cú dứt điểm trúng khung thành nào trong suốt hơn 60 phút cuối trận gặp CH Séc. Bản thân Gareth Southgate cũng bị phần đông người hâm mộ chỉ trích vì cách sử dụng nhân sự có phần khó hiểu và lối chơi quá cẩn trọng, đơn điệu của mình.
 
Tuy nhiên, nên nhớ, cũng với lối chơi này đã giúp tuyển Anh lần đầu tiên lọt vào bán kết 1 kỳ World Cup kể từ năm 1966 và tuyển Anh của hiện tại có thể không trình diễn một thứ bóng đá lôi cuốn, hấp dẫn như những thế hệ đi trước nhưng họ lại là một đội bóng khó bị đánh bại và nếu các bạn còn nhớ tại chiến dịch World Cup năm đó, tuyển Anh đã hạ Colombia trên chấm phạt đền, điều mà đã từ rấ lâu rồi họ chưa làm được. Tính đến thời điểm hiện tại, Tam sư là đội bóng duy nhất còn giữ sạch lưới ở Euro năm nay và quan trọng hơn, tuyển Đức giờ đây cũng đang tương đối bất ổn, họ cũng không còn là cỗ xe tăng, xù xì, bản lĩnh, gai góc như ngày nào nữa, cho nên với điểm tựa Wembley cùng dàn sao đang trong độ chín, Tam sư hoàn toàn có thể làm nên chuyện.
 
Xét một cách toàn diện, sự nghiệp cầu thủ kéo Gareth Southgate không quá nhiều điều nổi bật, điểm nhấn đáng chú ý nhất  trong gần 20 năm chơi bóng của ông, đáng buồn thay lại chính là thời khắc ông sút hỏng quả Penalty định mệnh khiến tuyển Anh bị loại khỏi bán kết kỳ Euro được tổ chức ngay trên sân nhà. Sự nghiệp huấn luyện của ông cho đến nay vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi, bởi trước khi tiếp quản Tam sư, thành tích huấn luyện ở cấp CLB và các cấp độ tuyển trẻ của ông thậm chí còn có phần nhạt nhoà hơn sự nghiệp quần đùi áo số. Ngay cả khi đưa Anh vào đến bán kết World Cup 2018, nhiều người cũng nói rằng tuyển Anh đã may mắn khi chỉ gặp phải những đối thủ nhẹ ký hơn ở nhánh đấu của mình. Bởi vậy, trận quyết đấu với người Đức ngày mai ở Wembley sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn với đội tuyển Anh đặc biệt là cá nhân Gareth Southgate, đây là cơ hội để ông có thể đá bay ám ảnh thất bại đã quấn quanh mình suốt hơn 20 năm đồng thời cũng là lời khẳng định đanh thép với FA cũng như toàn thể người hâm mộ về khả năng cầm quân thực sự của mình. Hôm nay, chúc ông và bầy sư tử của mình sẽ đứng dậy mạnh mẽ để vượt qua nỗi ám ảnh mang tên người Đức và gầm lên khúc ca khải hoàn ngay tại chính thánh địa Wembley, chúc may mắn Gareth Southgate!
 
Tác giả dự thi: Trần Ngọc Thạch
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: gocbandoc@bongda24h.vn. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.