Bài dự thi: Tôi muốn “Football’s coming to Rome”

Người Anh đang nhận được mọi sự ưu đãi để đưa “Football’s coming home”, như cái cách họ đã từng có để vô địch World Cup 1966 được tổ chức trên sân nhà. Khi đó “Tam sư” đã thắng Tây Đức 4 – 2 trong trận chung kết, trong đó bàn nâng tỉ số lên 3 – 2 của Geoff Hurst trong hiệp phụ thứ nhất được xem là bàn thắng gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử bóng đá.

Bàn thắng nâng tỉ số 3 -2 của Geoff Hurst trong trận chung kết WC 1966 với Tây Đức
Cho đến giờ đó vẫn là chức vô địch duy nhất của người Anh trên đấu trường quốc tế. Mặc dù xứ sở sương mù được xem là quê hương của bóng đá. Họ rất khao khát chức vô địch Euro nhưng chưa một lần đạt được. Cơ hội lớn nhất và gần nhất để họ hiện thực hóa giấc mơ này là VCK Euro 1996 mà họ là nước chủ nhà. Nhưng trận thua Đức sau loạt đá luân lưu tại bán kết đã làm cho giấc mơ của họ thêm dài dằng dặc.
 
Không bây giờ thì bao giờ? Đó là câu hỏi, là niềm hy vọng và cả sự thấp thỏm của người Anh trong suốt thời gian vừa qua. Lực lượng hùng hậu vào độ chín, chiều sâu đội hình, gần như được thi đấu trên sân nhà, lịch thi đấu và nhánh đấu cực kỳ thuận lợi. Họ có cơ sở để đưa ra câu hỏi đó và có quyền hy vọng để ca vang bài hát nổi tiếng “Football’s coming home”.
 
Nhưng thấp thỏm, lo âu thì vẫn có. Nhất là đoàn quân của Gareth Southgate chưa phải là độc cô cầu bại tuyệt đối tại giải lần này. Họ vẫn có những trận đấu chệch choạc và thiếu thuyết phục. Do nhánh đấu thuận lợi họ cũng chưa gặp phải đối thủ nào xứng tầm, ngoại trừ một “cỗ xe tăng Đức” đã già nua và đang trong quá trình thay máu. Trận bán kết với Đan Mạch đêm qua đã làm cho nỗi lo đó thêm lớn. Mặc dù được đánh giá cao hơn đối thủ rất nhiều nhưng họ cũng chẳng làm gì được mà còn ở trong thế bám đuổi.
 
Dường như vị trọng tài người Hà Lan Danny Makkelie thấu hiểu được nỗi lo đó của người Anh. Và người Anh có làm cách gì đó để tác động vị trọng tài này hay không thì không ai dám khẳng định, giống như bàn thắng gây tranh cãi năm 1966 đến bây giờ vẫn còn tranh cãi. Nhưng sự ưu ái của vị trọng tài chải chuốt như tài tử này đối với “Tam sư” là hoàn toàn có thể thấy được. Việc trọng tài ưu ái “không vụ lợi” cho nước chủ nhà là điều không lạ trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.
 
Đầu tiên là khi đã hết 6 phút bù giờ của hai hiệp chính nhưng ông trọng tài vẫn để cho đội tuyển Anh tấn công và chỉ thổi còi kết thúc sau hơn 7 phút bù giờ. Trước khi có tình huống dẫn đến quả phạt đền thì đã có 2 quả bóng trên sân. Thường thì trọng tài phải cho dừng ngay trận đấu, nhất là đang thi đấu trên sân nhà của Anh chứ không phải Đan Mạch. Nhưng không có hồi còi nào được vang lên vì khi đó tuyển Anh đang có pha tấn công nguy hiểm. Chỉ tích tắc sau khán giả nghe thấy tiếng còi nhưng thay vì ký hiệu cho dừng trận đấu lại là cái chỉ tay rất dứt khoát vào chấm 11m của đội Đan Mạch.
 
Chưa cần bàn đến chuyện thổi phạt đền đội Đan Mạch đúng hay sai trong pha bóng này, chuyện này đã được những người có chuyên môn mổ xẻ. Nhưng cái cách xử lý của vị trọng tài người Hà Lan đã làm cho khán giả trung lập phải đưa ra câu hỏi, có hay không sự thiên vị của trọng tài đối với tuyển Anh?
Pha ngã của Raheem Sterling dẫn đến quả phạt 11m đối với Đan Mạch
Kể từ khi có VAR và nhất là tại giải lần này, ngay cả những pha phạm lỗi dẫn đến phạt đền khá rõ nhưng vẫn còn lấn cấn thì các trọng tài đều chạy đến màn hình VAR để tham khảo. Thế nhưng trong pha bóng nhạy cảm của Raheem Sterling, ở một thời điểm cũng hết sức nhạy cảm và quan trọng của trận bán kết thì ông trọng tài chính vẫn không chịu di chuyển về phía màn hình mặc cho các cầu thủ Đan Mạch phản đối quyết liệt. Ông trọng tài VAR Pol van Boekel cũng không một chút can thiệp vào quyết định của ông Makkelie, chí ít cũng một lời khuyên nên xem lại VAR.
 
Cho đến bấy giờ vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng chiến thắng của Anh trước Tây Đức tại VCK World Cup 1966 là chiến thắng “xấu xí”. Nhưng nếu có “xấu xí” thật thì vẫn có những lý do để biện minh như pha bóng diễn ra quá nhanh, trọng tài không quan sát kịp, công nghệ thời đó chưa tiên tiến hay cũng chưa ai dám khẳng định bóng đá qua vạch vôi hay chưa. Còn đối với pha phạt đền mà đội Anh được hưởng trong trận bán kết với Đan Mạch đêm qua thì không thể nào lấy những lý do đó để biện minh bởi tất cả đã có VAR giúp sức, nhưng ông Makkelie đã không chịu sử dụng nó? Chiến thắng của đội Anh vì thế không thể nào gọi là đẹp được.
 
Có lẽ những cổ động viên trung lập và yêu sự công bằng sẽ ủng hộ Italia trong trận chung kết sau chiến thắng có phần “xấu xí” này của tuyển Anh. Về chuyên môn và lối chơi đoàn quân thiên thanh được xem là thuyết phục hơn “Tam sư”, những chiến thắng của Italia cũng thu phục lòng người và chiếm nhiều cảm tình hơn. Nhưng ngoài chuyên môn Mancini cũng cần căn dặn các học trò mình phải hết sức cẩn thận với những pha bóng nhạy cảm, 50/50. Bởi không loại trừ đó là những pha bóng có lợi, thậm chí là thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu cho người Anh như trận bán kết với Đan Mạch đêm qua.
 
Tôi cũng là một cổ động viên trung lập của hai đội tuyển Italia và Anh, tôi yêu sự công bằng, tôi muốn “Football’s coming to Rome” sau trận chung kết vào ngày 12/07.
 
Bài dự thi: Lê Minh Tuấn
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: gocbandoc@bongda24h.vn. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục