Vâng HLV trưởng ĐTQG Đan Mạch Kasper Hjulmand sinh năm 1972 có một hành trình kỳ lạ: năm 26 tuổi do chấn thương dai dẳng nên ông đã thôi chơi bóng, sau đó ông làm việc cho một đội bóng bị phá sản bằng cách ngồi trên mái SVĐ quay cảnh tập luyện, rồi tham gia vào việc cải cách bóng đá trẻ Đan Mạch từ đó cung cấp cho ĐTQG những Yussuf Poulsen, Pierre-Emile Højbjerg và Andreas Christensen… Ông dẫn dắt tuyển quốc gia như một cơ duyên với nghề, một cái kết đẹp của một người yêu thứ bóng đá vị nhân sinh.
Có một bất ngờ thú vị rằng từ tháng 12-2015 tới tháng 6-2020, người tiền nhiệm của Hjulmand là HLV Hareide đã đưa Đan Mạch từ hạng 47 lên hạng 10 thế giới với lối chơi tạt cánh, đánh đầu quen thuộc của các đội Bắc Âu. Nhưng Liên đoàn Bóng đá Đan Mạch chọn Kasper Hjulmand làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia vì ông không đòi lương cao. Với mức lương chấp nhận được khi nhận chức vào tháng 9.2020, Đan Mạch đã lột xác hoàn toàn và thi đấu tốt trong những trận đấu giao hữu trước VCK Euro 2020, cho đến các trận vòng loại để có tấm vé tham dự EURO 2020.
Không ai trách Hjulmand khi Đan Mạch thua Phần Lan. Trong hoàn cảnh quá bất ngờ vì sự cố với Christian Eriksen, việc Đan Mạch vẫn có thể tiếp tục thi đấu để không bị xử thua 0-3 đã là chuyện lạ. Người ta xem Đan Mạch thi đấu vì năng lực của họ là sức mạnh tinh thần, là sự kiên cường, bền bỉ trước những đối thủ mạnh như Bỉ, CH Czech, là sự vùng lên một cách mạnh mẽ khi gặp Nga, Xứ Wales. Chất lượng thực sự của họ là lối chơi kiểm soát bóng đầy tự tin và những miếng đánh sắc lẹm.
Đan Mạch thua Anh ở bán kết với cú ngã xứng đáng được trao giải Oscar của Sterling, những chú lính chì dừng bước trong tư thế của người chiến thắng, không ai trách được Đan Mạch. Còn HLV Kasper Hjulmand là HLV đặc biệt nhất với tôi và không ít người hâm mộ quả bóng tròn, một con người điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng biết gắn kết, khai thác triệt để điểm mạnh, khắc chế những điểm yếu của đội bóng để tiến xa hơn những gì có thể mơ mộng trước giải đấu EURO 2020.
HLV kì lạ nhất: Gareth Southgate và sai lầm trước ngưỡng cửa thiên đường
Tại sao tôi và nhiều người cho rằng ông Gareth Southgate là HLV kì lạ nhất, vì từ xuất phát điểm được chọn lựa làm HLV tuyển Tam Sư cho đến cái cách ông bày binh bố trận, chọn lựa nhân sự ở trận đấu quan trọng nhất - trận chung kết EURO 2020.
Quay lại năm 2016, Southgate “bị” bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Anh, vị trí không ai muốn ngồi vào sau bê bối tham nhũng của HLV tiền nhiệm Sam Allardyce, người chỉ cầm quân đúng một trận trước khi tuyên bố từ chức. Những quan chức FA chỉ muốn tìm một kẻ thế thân tạm làm HLV trưởng cho đến khi sóng gió qua đi. Southgate, nói cách khác, chẳng khác nào con dê tế thần ở vị trí HLV tạm quyền. Chẳng ai mảy may kỳ vọng điều gì to lớn vào ông với bảng thành tích nghèo nàn từ khi còn làm cầu thủ đến lúc ngồi vào ghế HLV. Ông được giao làm nhiệm vụ ở 4 trận vòng loại World Cup 2018 cho đến khi FA tìm được HLV mới. Ai cũng nghĩ thất bại đang chờ vị HLV này.
Dù vậy, ở thời khắc ngao ngán nhất, “kẻ thất bại” Southgate lại đạt vận may bất ngờ. Ông giúp Tam Sư thắng Malta, hòa Slovenia, rồi thắng Scotland. 3 trận đó ĐT Anh ghi 5 bàn và không để lọt lưới. Đến trận cuối cùng ở cương vị HLV tạm quyền, Southgate có trận hòa 2-2 với Tây Ban Nha. Họ dẫn 2-0 đến tận phút 89 trước khi để đối thủ gỡ hòa. Từ chỗ chẳng được để ý đến, Southgate trở thành tâm điểm của bóng đá Anh. Những người từng dè bỉu, chê bai ông hết mực nay tuyên bố ủng hộ FA ký hợp đồng dài hạn với Southgate. Trước sức ép của truyền thông, Southgate vốn nghĩ mình chưa sẵn sàng làm HLV trưởng Tam Sư cũng phải đổi ý định. Ông nhận lời ký vào bản hợp đồng 4 năm, từ gã đóng thế thành diễn viên chính.
Hành trình đi đến chung kết EURO 2020 của Tam Sư in đậm dấu ấn cá nhân của HLV Southgate trên băng ghế chỉ đạo. Và sâu đậm nhất chính là cách ông chọn đội hình thi đấu rồi việc cho thay người, đưa ba cầu thủ trẻ vào đá luân lưu khiến người Anh ôm hận.
Loạt đá penalty chưa bao giờ đơn giản, người ta vẫn không thể lý giải nổi vì sao Southgate chọn lựa bộ ba Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka ở thời khắc quan trọng nhất đó. Để rồi cúp rời nước Anh, cả sân Wembley chết lặng, hơn 50 năm chờ đợi chỉ là tấm huy chương bạc đầy cay đắng, Tam Sư chết trước cửa thiên đường và Gareth Southgate tiếp tục hành trình kì lạ của mình!
HLV giàu thành tích nhất: xướng tên Roberto Mancini
Chẳng có gì làm người ta phấn khích hơn khi cùng đội tuyển quốc gia bước lên đỉnh cao châu Âu, hát vang bài ca chiến thắng ở đấu trường EURO. Ở cấp CLB thì HLV Mancini gặt hái rất nhiều thành công cả ở quê nhà Italia lẫn sứ xở sương mù có giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh là Premier League. Có lẽ chính những thăng trầm và thời gian làm huấn luyện ở nước Anh đã tạo nên một Mancini có tâm và có tầm khi dẫn dắt Italia chinh phạt ở EURO 2020.
HLV Mancini từ lâu được tôn trọng rất cao vì là người làm nghề có tâm, chịu khó, chịu tiếp xúc và rất gắn bó với các học trò. Với ông bóng đá là sức mạnh tập thể, nó như cái ghế bốn chân thì ba chân là cầu thủ còn cái chân cuối là HLV, phải cố kết mới tạo được sự vững chắc và sẽ cùng nhau vượt khó để giành chiến thắng ở thời khắc khó khăn.
Đêm Wembley tất cả chết lặng khi Bonucci ghi bàn, rồi sững người khi người Anh đá hỏng đến ba quả phạt đền ở loạt đá luân lưu cân não, đưa người Ý lên tột đỉnh vinh quang. Chính HLV Mancini đã khóc như một đứa trẻ, quá nhiều cảm xúc, quá nhiều chất chứa trong lòng cần được giải phóng. Chính ông đã phải thốt lên trước trận đấu sinh tử này rằng “Đây là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi đã chơi cho đội tuyển ở nhiều cấp độ. Chúng tôi đã thất bại tại giải U21 châu Âu và World Cup, dù chúng tôi xứng đáng. Hy vọng, trong trận chung kết sắp tới, tôi sẽ đạt được sự hài lòng mà bản thân không thể tận hưởng khi còn là một cầu thủ”.
Và Mancini đã toại nguyện, thời trẻ đã khép lại không như ý thì khi làm HLV ông nếm quả ngọt, ông có tất cả mọi thứ rồi đó thôi. Nước Ý sau hơn 50 năm chờ đợi đã có chiếc cup danh giá, Mancini toại nguyện làm nốt ước muốn dang dở thời thanh xuân, CĐV của Azzurri sống trong lễ lội màu xanh hạnh phúc.
EURO 2020 đến và đi thật nhanh, mọi thứ diễn ra như mới ngay đầu mà đã là trận chung kết, càng xem càng sợ hết, càng tiếc nuối. Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn, đội vô địch và á quân đều đã có mặt đặt tên, mọi vui buồn rồi cũng phải gác lại để chinh phục những giải đấu mới. Và ở EURO hay World Cup tới giới mộ điệu mong lắm được thấy những HLV cá tính, tài năng, đẳng cấp cao để môn thể thao vua luôn làm mê đắm lòng người!
Tác giả dự thi: Ngọc Cương