Bài dự thi: Đội tuyển Tây Ban Nha - Trên con đường tìm lại ánh hào quang những ngày cũ

Trong suốt chiều dài 61 năm lịch sử của giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA EURO), người hâm mộ trên toàn thế giới đã có dịp chứng kiến không ít những đội bóng xuất chúng với những màn trình diễn mê hoặc lòng người, sở hữu những cá nhân kiệt xuất của làng túc cầu. Nhưng tuyệt nhiên, không một đội bóng nào có thể bảo vệ thành công chức vô địch EURO của mình.

Mãi cho đến tận năm 2012, đội tuyển Tây Ban Nha đã ghi tên mình vào sử sách với danh xưng “đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch EURO” – một thành tích vô tiền khoáng hậu mà suốt hơn 50 năm trước đó, chưa một đội bóng nào làm được.

Từ quá khứ huy hoàng một thời

 
Bên cạnh thành tích đáng ngưỡng mộ trên, Tây Ban Nha cũng ghi tên mình vào lịch sử làng túc cầu thế giới khi tạo ra một thế hệ vàng ngự trị trên đỉnh cao danh vọng với chức vô địch World Cup 2010, giúp đội bóng thâu tóm mọi danh hiệu quốc tế lớn nhất ở cấp độ đội tuyển trong suốt 4 năm liên tiếp. Khoảng thời gian từ 2008 đến 2012, người hâm mộ trên toàn thế giới được chứng kiến sức mạnh hủy diệt của lối chơi Tiki-taka huyền ảo mà Tây Ban Nha tạo nên, với nòng cốt là trục dọc “xương sống” của Barcelona, với những Carles Puyol, Gerard Piqué, Sergio Busquets, Xavi và Andrés Iniesta.

Điểm xuyết cho tập thể ấy là những ngôi sao sáng nhất của làng bóng đá đương thời như Iker Casillas, Sergio Ramos, Xabi Alonso, Fernando Torres, David Villa – vốn xuất thân từ nhiều đội bóng khác nhau và đang thi đấu tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu lục. Mỗi người đều mang trong mình điểm mạnh riêng, tất cả họ đã bổ khuyết cho nhau, cùng xây dựng nên một tập thể bất khả chiến bại, cuốn phăng mọi vật cản trên con đường giành lấy vinh quang. Lần lượt những “cỗ xe tăng” Đức, “cơn lốc màu da cam” Hà Lan và “đội bóng áo Thiên Thanh” Italy gục ngã trước “cơn cuồng phong” mang tên La Roja tại ngưỡng cửa thiên đường.

Chắc hẳn trong chúng ta, có không ít người đã từng mê đắm trước vẻ đẹp của lối đá Tiki-taka mà Tây Ban Nha phô diễn tại các giải đấu lớn ấy. “Chỉ có thể là ma thuật!” – tôi đã từng buộc miệng thốt lên như vậy khi ngắm nhìn các cầu thủ Tây Ban Nha nhảy múa cùng trái bóng với đôi chân của mình, trình diễn kỹ năng phối hợp nhỏ, ban bật thượng thừa trước khi tung ra “nhát kiếm” kết liễu đối phương. Mãi cho đến tận về sau này, lối chơi mà đội tuyển Tây Ban Nha và câu lạc bộ Barcelona thể hiện ngày ấy vẫn để lại ấn tượng sâu sắc và hình thành nên tư duy bóng đá của tôi – một cậu thanh niên với niềm đam mê lớn với trái bóng tròn và yêu thích tìm hiểu chiến thuật.

Đội hình đội tuyển Tây Ban Nha tại EURO 2008

Thế nhưng, ít ai biết trước đó không lâu, đội tuyển Tây Ban Nha được mệnh danh là “ông vua vòng loại” khi dù sở hữu thành tích xuất sắc tại vòng loại, họ lại thường phải ra về sớm tại vòng chung kết các giải đấu lớn. Danh xưng “ông vua vòng loại” vì thế trở thành một biệt danh chẳng mấy gì là vui vẻ đối với các cổ động viên xứ sở Bò Tót, nếu không muốn nói là một nỗi xấu hổ lớn dành cho họ. 
 
Mọi chuyện chỉ trở nên khởi sắc hơn dưới thời huấn luyện viên Luis Aragonés, khi ông cương quyết thay máu đội tuyển bằng cách gạt bỏ những công thần như chân sút kỳ cựu Raúl González và đặt niềm tin vào “dòng máu trẻ” đang chảy trong huyết quản của những Andrés Iniesta, Sergio Ramos, David Silva và chân sút triển vọng Fernando Torres – nỗi khiếp sợ của hàng hậu vệ Ngoại hạng Anh thời bấy giờ. Họ đã kết hợp cực kỳ ăn rơ với những đàn anh như Iker Casillas, Carles Puyol, Marcos Senna và đặc biệt là nhạc trưởng Xavi – một mẫu cầu thủ có khả năng kiểm soát bóng, cầm trịch trận đấu tốt và tung ra những đường chuyền siêu đẳng xé toang hàng phòng ngự đối phương để mở ra cơ hội ghi bàn. 
 
Khi ấy, chàng tiền vệ nhỏ con của Barca đang ở giai đoạn chín muồi của sự nghiệp khi vừa bước sang tuổi 28 và được biết đến như một “Maestro” – ông chủ thực thụ của khu trung tuyến. Sát cánh bên cạnh anh là những chàng tiền vệ tài hoa đương thời mà bóng đá Tây Ban Nha sản sinh ra. Đơn cử như Thánh Andres – danh xưng mỹ miều mà sau này, người hâm mộ làng túc cầu trân trọng dành cho Andres Iniesta, chàng trai trẻ khi ấy vừa bước sang tuổi 24 được ít ngày. 
Sở dĩ anh nhận được sự tôn trọng lớn như vậy nhờ sở hữu bộ kỹ năng đi bóng thanh thoát, uyển chuyển hệt như một ảo thuật gia, cùng với tư duy chiến thuật nhạy bén, khả năng phối hợp thượng thừa làm chao đảo hàng phòng ngự đối phương. Ngay phía dưới họ, là một Marcos Senna xù xì, gai góc hệt như một “hòn đá tảng” áng ngữ trước hàng phòng thủ đội nhà. Anh đóng vai trò như một “máy quét” thực hiện hết thảy công việc tranh chấp, thu hồi bóng, giúp những tiền vệ sáng tạo phía trên như Xavi, Iniesta thoải mái phô diễn kỹ năng cá nhân. 
 
Nói thế để thấy rằng, Tây Ban Nha thời điểm ấy là một tập thể mạnh, sở hữu những cá nhân xuất chúng ở từng vị trí và cực kỳ hiểu ý nhau. Tôi tin chắc rằng, Tây Ban Nha thời điểm 2008 – 2012 là một trong những tập thể hùng mạnh nhất lịch sử làng túc cầu thế giới, với lối tấn công như vũ bão và khả năng kiểm soát bóng vi diệu. Nhắc đến đây, tôi không khỏi sởn da gà khi nhớ lại những ký ức hào hùng về một thời vinh quang chói lọi của La Roja mà tôi may mắn được chứng kiến!

Đội tuyển Tây Ban Nha ăn mừng chức vô địch EURO 2008

Đến sự trượt dốc đáng quên sau chuỗi ngày vinh quang

 
Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, đội tuyển Tây Ban Nha dường như đạt đến cực hạn của bản thân, khi nhận lấy những thất bại liên tiếp tại hai vòng chung kết World Cup vào những năm 2014, 2018 và xen kẽ với đó là thất bại tại vòng chung kết Euro 2016 diễn ra trên đất Pháp. Lối chơi huyền ảo Tiki-taka năm nào dường như bị bắt bài và dễ đoán trước sau nhiều năm tung hoành ngang dọc khắp các sân cỏ thế giới với sự xuất hiện của khái niệm “gegen-pressing” mà trường phái bóng đá Đức sản sinh ra, hay còn được hiểu dưới khái niệm “pressing tầm cao”. Cộng với sự sa sút của những Xavi, Iniesta, Xabi Alonso hay David Villa vì dấu hiệu tuổi tác khi bước sang phía bên kia sườn dốc sự nghiệp, Tây Ban Nha đã tụt dốc không phanh từ trên đỉnh danh vọng và phải bắt đầu lại hành trình của mình từ con số 0.

Đội tuyển Tây Ban Nha thất bại tại World Cup 2014, khởi đầu cho chuỗi ngày đáng thất vọng về sau

Những quyết định dũng cảm của HLV Luis Enrique

 
Đến với vòng chung kết EURO năm nay, đội tuyển Tây Ban Nha dưới quyền chỉ đạo của huấn luyện viên Luis Enrique, mang theo hy vọng của người hâm mộ về việc tìm lại ánh hào quang năm nào. Huấn luyện viên Luis Enrique đang đi trên con đường của ngài Luis Aragonés năm xưa, khi thẳng tay gạt bỏ những công thần như Sergio Ramos, Jesus Navas, Dani Carvajal để đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ triển vọng. Tuy nhiên, sau khi công bố danh sách 24 tuyển thủ Tây Ban Nha thi đấu ở EURO 2020, ông đã nhận về nhiều chỉ trích và sự nghi ngờ khi loại bỏ toàn bộ cầu thủ Real Madrid khỏi danh sách triệu tập. 
 
Giới truyền thông và báo chí cho rằng, Lucho đang để định kiến cá nhân xen vào công việc, khi ông từng là cầu thủ cũng như huấn luyện viên của Barca – đại kình địch của Real Madrid. Họ cho rằng ông đang muốn thể hiện uy quyền tuyệt đối bằng việc loại bỏ những cầu thủ Real Madrid mà mình ghét, trong đó phế truất tầm ảnh hưởng và vai trò thủ lĩnh của trung vệ Sergio Ramos tại đội tuyển. Ngoài ra họ cũng cho rằng ông bảo thủ trong quan điểm khi chỉ triệu tập 24 cầu thủ thay vì 26 cầu thủ như được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho phép, bỏ qua nhiều cầu thủ đang có phong độ cao như Nacho Fernández, Iñigo Martínez, Iago Aspas,...
 
Trước thềm vòng chung kết EURO diễn ra, đội tuyển Tây Ban Nha còn mất thêm Sergio Busquets và Diego Llorente do có kết quả dương tính với COVID-19. Lucho một lần nữa thể hiện sự kiên định của mình khi không triệu tập thêm bất cứ cầu thủ nào mà đặt niềm tin vào sự trở lại của 2 cầu thủ trên, đặc biệt là Busquets với tấm băng thủ quân trên tay. Quả là một cá tính dị biệt thưa ngài Lucho!
 
Cá tính dị biệt ấy còn được Luis Enrique thể hiện trong cách dùng người qua mỗi trận đấu, mặc cho những màn trình diễn không tốt của Alvaro Morata xuyên suốt từ đầu giải, ông vẫn đặt niềm tin vào chàng tiền đạo này. Ông cho rằng không có tiền đạo nào phù hợp hơn Morata trong việc vận hành sơ đồ chiến thuật của ông, bất chấp những lời chỉ trích của giới truyền thông và thậm chí là những lời đe dọa từ những hooligan quá khích. 
 
Đội tuyển Tây Ban Nha trải qua hai trận hòa đáng thất vọng ở đầu giải trước Thụy Điển và Ba Lan, bóng ma u ám của quá khứ lại hiện về khi nỗi lo bị loại ngay từ vòng bảng hiển thị trước mắt. Thế nhưng niềm tin của Luis Enrique đã được đền đáp đúng lúc, khi Sergio Busquets quay trở lại sau thời hạn cách ly vì COVID-19. Sự xuất hiện của Busquets ở trên sân giúp Tây Ban Nha có một điểm nối giữa tấn công và phòng ngự, đem lại sự cân bằng cần thiết cho đội hình. Bên cạnh đó, Busquets sở hữu khả năng điều phối và chuyền bóng thượng thừa, với những đường chọc khe sắc như dao cạo xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương, mở ra những cơ hội cho hàng tiền đạo. Nhờ vậy khả năng khai thác chiều sâu của Tây Ban Nha được cải thiện đáng kể, những pha chuyển hướng tấn công sang cánh và những bài chồng biên được thực hiện liên tục trước khi đưa bóng vào khu vực cấm địa cho hàng công dứt điểm. Đội tuyển Tây Ban Nha ngay lập tức giành chiến thắng hủy diệt 5-0 trước Slovakia ở lượt trận cuối vòng bảng để đường hoàng tiến vào vòng 1/8 với tư cách đội nhì bảng E.

Đội hình đội tuyển Tây Ban Nha tại EURO 2020


Niềm tin vào tương lai rộng mở trước mắt

 
Đối thủ của đội tuyển Tây Ban Nha tại vòng 1/8 là Croatia, đương kim á quân World Cup 2018. Trong trận đấu diễn ra vào ngày thứ Hai, 28/6 trên sân vận động Parken tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, người hâm mộ đã được chứng kiến một trong những màn rượt đuổi tỷ số kịch tính nhất giải đấu, khi Tây Ban Nha giành chiến thắng nghẹt thở 5-3 sau thời gian thi đấu hiệp phụ. Trong chiến thắng ấy, một lần nữa ta thấy niềm tin của HLV Luis Enrique đặt đúng chỗ khi Alvaro Morata đỡ bước một gọn gàng từ cú tạt bóng của Dani Olmo rồi tung cú vô lê hiểm hóc tung nóc lưới Croatia nâng tỉ số lên 4-3 cho Tây Ban Nha. Đây quả là một bàn thắng đẹp, sẽ thật khiên cưỡng khi so sánh nó với siêu phẩm của Marco van Basten tại Euro 1988, nhưng tầm quan trọng của bàn thắng này là không nhỏ khi mở toang cánh cửa vào vòng tứ kết cho Tây Ban Nha tại giải đấu năm nay. 
 
Nhìn vào đội tuyển Tây Ban Nha hiện tại, tôi không khỏi hy vọng vào lứa cầu thủ này sẽ tìm lại được ánh hào quang năm xưa khi họ đang sở hữu một đội hình trẻ trung, với sự kết hợp của những cầu thủ giàu kinh nghiệm. Ở đó, ta nhìn thấy một Busquets bền bỉ với thời gian, kết hợp bên cạnh Koke – người khiến tôi liên tưởng đến hình bóng của Xabi Alonso năm nào và đặc biệt là Pedri – người mang trên vai kỳ vọng sẽ khỏa lấp khoảng trống mà Iniesta để lại. Và một khi Alvaro Morata tìm lại được sự tự tin vốn có, anh sẽ là một tiền đạo đáng gờm đối với mọi hàng phòng ngự của bóng đá châu Âu.
Thôi thì hy vọng là thế, tôi mong rằng đội tuyển tôi yêu sẽ tiến xa tại giải đấu lần này, tái hiện lại ánh hào quang một thời của một đế chế hùng mạnh đã từng thống trị bóng đá thế giới từ năm 2008 đến năm 2012. Tôi đã từng rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi đội tuyển Việt Nam lên ngôi AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi. Tôi của hiện tại cũng mong muốn được rơi những giọt nước mắt hạnh phúc ấy khi đội tuyển Tây Ban Nha tôi yêu lên ngôi vô địch EURO 2020 sau 9 năm dài đằng đẵng đầy tủi hờn. Nhưng trước mắt, tôi sẽ hướng sự quan tâm đến sân vận động Krestovsky và cổ vũ hết mình cho Tây Ban Nha trong trận tứ kết với Thụy Sĩ vào ngày 02/7 tới đây. Bóng đá đôi khi đem lại những cảm xúc thật khó tả cho bạn và tôi!
 
Tác giả dự thi: Phạm Hoàng Phúc Thịnh
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: gocbandoc@bongda24h.vn. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục