Góc bạn đọc: Con số 14 oan nghiệt của lịch sử Euro

14 bàn thắng của đội tuyển Pháp tại VCK Euro 1984 là số bàn thắng kỷ lục mà một đội bóng ghi được tại 1 vòng chung kết Euro và trở thành “con số oan nghiệt”, “lời nguyền Euro”.


Kỳ Euro năm đó, do thể thức VCK có 8 đội chia 2 bảng, mỗi bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt, chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng vào bán kết, 2 đội thắng bán kết vào chung kết (không có trận tranh giải 3 – đây là kỳ Euro đầu tiên mà UEFA quyết định bỏ trận này), do đó số trận tối đa của 1 đội bóng tại VCK là 5 trận (là 2 đội vào chung kết, sau đó Euro 1988, Euro 1992 cũng như vậy). Từ Euro 1996 đến Euro 2012, VCK tăng 16 đội nên số trận tối đa của 1 đội bóng là 6., Euro 2016 và Euro 2020 VCK 24 đội nên số trận tối đa là 7. Lẽ  ra số trận càng tăng thì cơ hội phá kỷ lục này càng tăng, nhưng đến nay chưa có đội nào đạt bằng chứ chưa nói đến vượt con số 14  bàn thắng tại 1 vòng chung kết EURO.
 
Có những minh chứng để ta nói rằng 14 là con số oan nghiệt, và xứng đáng là  1 trong những “lời nguyền của Euro”:
Pháp vô địch Euro lần thứ hai năm 2000 cũng chỉ đạt đến con số 13, dù thi đấu 6 trận.
 
Tây Ban Nha đã 2 lần liên tiếp đăng quang ở Euro 2008 và 2012, dù mỗi kỳ như vậy cũng có 6 trận và có hàng tấn công mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ đạt con số 12 ở mỗi VCK.
 
Còn các đội vô địch ở các VCK khác thì số bàn thắng còn ít hơn nữa.
 
Chính con số này là “rào cản” cuối cùng của những ứng cử viên vô địch:
 
Tại Euro 2000, đội Hà Lan, đương kim hạng tư thế giới, lại có lợi thế sân nhà và sở hữu đội hình toàn sao, được xem là ứng cử viên số 1 của chức vô địch, sau 3 trận ở vòng bảng toàn thắng (thắng CH Séc 1-0, thắng Đan Mạch 3-0, thắng Pháp 3-2), vào tứ kết nghiền nát Nam Tư 6-1; tổng cộng là 13 bàn. Ấy vậy mà khi vào bán kết áp đảo toàn diện trước Italia nhưng vẫn thua Italia bằng thi đấu 11m khi tỷ số sau 120 phút là 0-0. Ngay trong 90 phút thi đấu chính thức trận đấu đó, Hà Lan hưởng được 2 quả phạt đền cũng đều bỏ lỡ. Vậy là phải dừng lại ở con số 13. Chả phải là oan nghiệt hay sao.

Tại Euro 2016, Pháp cũng như vậy, là đội chủ nhà, cũng là ứng cử viên hàng đầu, trước khi vào chung kết với Bồ Đào Nha với thế cửa trên, cũng đã “kịp” ghi đúng 13 bàn (thắng Rumania 2-1, thắng Albani 2-0, hòa Thụy Sỹ 0-0, thắng CH Ailen 2-1, thắng Aixlen 5-2, thắng Đức 2-0), vì vậy họ bất lực trong việc tìm kiếm bàn thắng thứ 14, do đó phải thua Bồ Đào Nha tức tưởi, dù có rất nhiều cơ hội trong trận đấu (Ronaldo chấn thương sớm phải rời sân, phút 90+2 đá bóng dội cột dọc ra ngoài…). Lại là oan nghiệt.
 
Và mới đây, trận bán kết đầu tiên của Euro 2020, khi Morata (TBN) gỡ hòa 1-1 cũng là lúc đội tuyển của họ ghi được đúng 13 bàn (còn Italia là 12). Vậy khỏi cần xem sau đó cũng biết Tây Ban Nha bị loại (vì  Tây Ban Nha vào chung kết là còn có cơ hội ghi bàn thắng số 14).
 
Đội Đan Mạch sau trận thua 1-2 trước Anh ở trận bán kết thứ hai, cũng dừng lại ở con số 12 bàn.
 
Nếu tin vào lời nguyền nói trên thì: Không cần thắng đậm và không cần toàn thắng những trận cầu ra quân ở vòng bảng. Hãy “để dành” bàn thắng cho những vòng knock out. Càng ghi nhiều bàn thắng ở những trận đầu, càng gần số 14 thì cơ hội vô địch càng ít.
 
 
Hãy chốt lại số bàn thắng có được của hai đội vào chung kết:
                                   Anh 10 bàn và Italia 12 bàn
 
Nếu tin vào lời nguyền thì:
 
Italia chỉ vô địch bằng con đường duy nhất là thắng Anh 1-0 (lúc đó Italia có 13 bàn chưa chạm tới số 14). Khả năng thủ hòa 0-0 hoặc 1-1 để thi đá luân lưu 11m cũng không dành cơ hội thắng cho Italia vì còn vướng 1 lời nguyền khác nữa là: không có đội nào thắng 2 trận đấu knock out bằng thi đá luân lưu 11m tại 1 vòng chung kết Euro.
 
Còn Anh có nhiều cửa thắng hơn, họ “có quyền” ghi được tối đa 3 bàn trong trận cuối cùng này mà! 
 
Bạn đọc: Trần  Kim  Tuyến 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục