Khi đọc được thông tin này và lướt nhìn tấm bản đồ Châu Âu với các thành phố Saint Petersburg, Baku, tôi trầm ngâm nghĩ tới quãng đường di chuyển của một đội bóng không phải chủ nhà. Chẳng hạn như Thụy Sĩ, họ sẽ phải bay qua bay lại 3 lượt giữa 2 nước Azerbaijan và Italy. Dẫu cho là đường hàng không nhưng số km di chuyển thật sự kinh khủng! Đó chẳng khác gì một bài kiểm tra thể lực khắc nghiệt trong 8 ngày với lịch đấu 3 trận xen kẽ.
Chỉ cần thoáng nghĩ đã thấy điên rồ! Chưa có tiền lệ và dường như tư duy tổ chức cũng chẳng đặt con người (cầu thủ) làm trung tâm! Đó là còn chưa kể đến tình hình Covid-19. Đại dịch đã kéo dài 2 năm và vẫn chưa có dấu hiệu lắng lui hoàn toàn. Giải đấu thì đã phải trì hoãn 1 năm. Tôi dự cảm viễn cảnh xuất hiện của “Đội tuyển thứ 25” ngay trong lòng các đội bóng hay trên sân đấu và hàng ghế khán giả. Nếu không thể kiểm soát sự lây lan, chẳng hiểu giải này sẽ đi về đâu…
Trong khi đó, tình hình của Việt Nam rất đáng lo ngại và khó lường. Có bao nhiêu lý do, có bao nhiêu tin tức không lành dồn dập khiến cho sự chú ý của một cổ động viên như tôi hướng về Euro 2020 bị phân rã! Mà sự thật thì cũng từ rất lâu rồi tôi không còn ngồi xem trực tiếp một trận cầu quốc tế. Cảm giác chờ đợi, lòng háo hức với bộ môn này đã phai nhạt rất nhiều.
5 cặp đấu trôi qua, trong tôi vẫn là một tâm trạng bàng quan nhợt nhạt. Tôi chọn thử theo dõi trận cuối cùng của lượt thứ nhất là Pháp - Đức. Giờ khuya nên cuối cùng tôi chọn một trận trước đó (23 giờ) để xem trực tiếp. Chỉ định xem nửa hiệp nhưng rồi đã rất bất ngờ, vô cùng bất ngờ…!
Tôi sửng sốt trước lối thi đấu của đội chủ nhà và nhất là bầu không khí của sân vận động Puskas.
Chẳng có một mẩu tin cập nhật nào về đội Hungary. Chỉ mới biết huấn luyện viên là người Ý và trận này ông chọn chơi thủ theo khối lùi sâu. Sơ đồ có lẽ là 5-3-2 hoán chuyển sang khối 5-4-1 và dồn hết về sân nhà.
Thế trận 1 chiều nhưng tinh thần quả cảm của Hungary là một son ấn. Nhưng điều đáng nói hẳn là những gì xảy ra trên khán đài, thật sự không thể tin được…
nơi một bảng đấu gọi tên “Tử Thần”.
Tổ quốc thiêng liêng
Ban đầu, khi nghe danh xưng bảng F, bảng tử thần. Tôi không đồng tình.
Euro trong tôi là Euro với 16 đội. Qua vòng bảng là đá ngay vòng 1/4. Tối đa 1 đội đá 6 trận. Tỉ lệ chọi, mức cạnh tranh rất cao. 1 bảng 4 đội, chắc chắn chỉ có 2 được đi tiếp. Một bảng có 3 hay 4 đội ngang sức là điều rất thường trực. Bảng tử thần có khi có đến 2 bảng.
Thời này, số đội dự vòng chung kết đã lên tới 24. Đôi khi đứng thứ ba cũng đã có thể đi tiếp. Theo ước tính của tôi, chỉ cần 4 điểm thì việc dự vòng 1/8 đã khả thi.
Với một bảng như bảng F, có Đức, Pháp, Bồ, Hung, nhìn nhận ngay từ đầu của tôi thì đây chẳng có “tử thần” nào cả. Đội yếu nhất đã quá rõ. 3 đội mạnh hơn thay nhau lấy 3 điểm từ đây và thủ hòa lẫn nhau thì khả năng rất cao là cả 3 cùng đi tiếp.
Nào ngờ!
Dự đoán của tôi chính xác. Nhưng đội chinh phục tôi thật sự lại là Hungary. Kết quả chung cuộc, thay vì vậy, để lại một nỗi tiếc nuối ngậm ngùi.
Những giọt nước mắt của họ cùng với bản quốc ca được hát lên như một lời tiễn biệt bi hùng trong những giờ phút cuối cùng tại Munich. Thước phim sống động đó có lẽ sẽ còn đọng lại rất lâu, rất lâu nữa!
|
Màn hát quốc ca đẫm nước mắt của các cầu thủ Hungary |
Trong một bảng đấu đầy rẫy những cái tôi cao ngạo và hợm hĩnh của những ngôi sao, duy nhất khối đoàn kết Hungary đã thắp sáng ý thức về quốc gia, về đất Mẹ, về sự thiêng liêng của sắc áo Tổ quốc!
Puskas cũng là tên giải thưởng bàn thắng đẹp hằng nằm của FIFA
và trong tôi, những gì mà người Hungary đem tới tại Euro 2020 cũng đẹp,
đẹp trong xúc cảm,
lan tràn trong các giác quan,
thổn thức trong tâm trí,
đẹp,
đẹp vô cùng!
Chờ đợi màu đỏ hồi sinh
Vỡ trận vào 10 phút cuối cùng với Bồ Đào Nha, đấu với Pháp - Đức, Hungary tiếp tục chơi tốt, có điểm. Cầm hòa Pháp, tiếp tục dẫn trước Đức và có lẽ chỉ cần một sự cộng dồn của sức bền và tổ chức tốt hơn, danh sách đi tiếp đã điền tên họ.
“Lưỡi hái tử thần” ban đầu tưởng như chỉ kề cổ độc mỗi Hungary. Nhưng sự thật, chỉ trong lượt trận cuối cùng, đã có bao nhiêu thời khắc, cả 3 đối thủ còn lại, nhất là tuyển Đức đều đã hít thở không khí chết chóc bao trùm. Đó có thể là những khoảnh khắc khó quên nhất tại vòng bảng Euro 2020.
Dù Hungary đã bị loại nhưng tôi cũng đã tra cứu và ghi nhớ tên của số 10 Hungary. Đó là Szoboszlai Dominik. Một cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, nhưng vì chấn thương mà đợt tập trung này anh này không thể góp mặt. Qua các băng hình tóm lược thì tôi rất mong cầu thủ này sẽ hồi phục và góp mặt trong vòng loại World Cup.
Hungary hiện chung bảng với tuyển Anh, Ba Lan. Họ đang xếp thứ 2. Tháng 9 này, tiếp tục là bầu trời Budapest, sân Puskas, tôi chờ đợi Hungary với lực lượng tốt nhất với tinh thần Euro sẽ làm nên dư chấn trong cuộc đối đầu với Á quân Châu Âu.
Hungary là áo đỏ. Ở bảng F, một đội khác cũng áo đỏ. Khi gặp phải chủ nhà đã phải chuyển sang áo xanh ngọc. Đó là Bồ Đào Nha, đã có rất nhiều kỳ vọng dành cho đương kim vô địch. Chắc chắn ít ai muốn thấy một cái chết màu đỏ khác, sự băng hà của “nhà vua”.
Số 10 chìa khóa không xuất hiện
Khi thoáng nhìn sơ đồ 4-2-3-1 trong trận ra quân của Bồ Đào Nha với Hungary, tôi đã kỳ vọng về vị trí hộ công, một số 10 truyền thống chơi ngay sau Ronaldo.
Tuy vậy, tôi thất vọng! Thực tế, người ở vị trí ngay trên cặp tiền vệ trụ của Bồ là Bruno Fernandes có thiên hướng lệch phải và ra biên nhiều hơn. Đó là dựa trên bản đồ nhiệt mà tôi dò sau trận. Còn thực tế trên sân thì dường như Bruno mất hút trong hầu hết các xung đột quan trọng.
Tưởng chừng Bồ sẽ bế tắc trong việc phá hủy khối thủ lùi sâu. Thế rồi Renato Sanches vào sân, tuyến tiền vệ 2 thủ 1 công ở trung tâm chuyển sang 2 công 1 thủ, hiệu quả đến liền ngay tức thì. Kể từ đây, số 16 càng chơi càng hay, sơ đồ của Bồ cũng đổi luôn kể từ trận này. Bruno tiếp tục gây thất vọng trong đại bại trước Đức và hy vọng của tôi về một chân chuyền mở khóa chiến thắng trong cổ mẫu số 10 cũng tan biến hoàn toàn. Tình cảnh của Bồ cũng thật trái ngang. Họ không thể vào sâu, mất cup từ vòng 1/8.
Sau kỳ Euro tỏa sáng rực rỡ tại Pháp, Renato Sanches đã có những năm đáng quên tại nước Anh, tại nước Đức nhưng cuối cùng nước Pháp (Lille) đã hồi sinh 16. Và “cậu bé vàng” lại là chính mình trong khuôn khổ của một kỳ Euro, trong nguyên hình của một tiền vệ con thoi, sút tốt, đột phá tốt, mạnh tranh chấp tay đôi, dũng mãnh từ cấm địa này sang cấm địa kia, một mẫu số 8 kinh điển trong thế trận cần đột biến hoặc khi đối thủ đá theo khối phòng ngự lùi sâu. Thế nhưng, thật tiếc khi đó cũng chỉ là đốm sáng le lói trong khối nhân sự tấn công của đội tuyển này! Những người còn lại chỉ dừng ở mức tròn vai hoặc chơi dưới sức như trường hợp của Bruno.
Kế hoạch B hay không còn kế hoạch nào
Bồ Đào Nha xét ở chất lượng cầu thủ, tất cả đều thấy họ mạnh hơn rõ rệt so với chiến dịch 4 năm trước. Phong độ của các trụ cột tại cấp câu lạc bộ cũng đồng loạt ở mức cao. Nhiều người đang ở thời điểm sung mãn và ở độ chín hoặc chiếm được vai trò quan trọng ở địa phương. Thật dễ dàng cho những ai quan tâm đến Bồ Đào Nha có thể gọi rõ những cái tên sáng giá như Ruben Dias ở tuyến hậu vệ, 2 cái tên vừa nêu trên ở tuyến tiền vệ và nhất là hàng công vô cùng chật chội khi có hàng loạt các ngôi sao như Joao Felix, Andre Silva, Bernardo Silva, Diogo Jota!
Thế nhưng nhìn qua 4 trận, nhất là vòng trực tiếp đối đầu với Bỉ thì quả là các đường phát triển tấn công của Bồ quá đơn điệu và nghèo nàn. Dường như, chỉ có các pha chồng biên, phản công. Còn việc dàn xếp từ trung lộ hoặc kiến tạo các tình huống bóng sệt hay trong thế giữ quyền kiểm soát bóng của Bồ Đào Nha thì rất hiếm gặp. Khi ở vị thế thấp và rơi vào nhánh đấu với các đội ở chiếu dưới, Bồ Đào Nha đã quen thuộc với thế phòng ngự phản công. Đến khi ở thế chủ động tấn công hay chống phản công thì tập thể Bồ Đào Nha lại lúng túng.
Ban đầu, tôi có phần đánh giá thấp Bruno Fernandes nhưng qua từng trận, nhìn vào sơ đồ và lối đá của Bồ Đào Nha, tôi nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về huấn luyện viên Fernando Santos.
Khi cá nhân Ronaldo tiếp tục thăng hoa thì dường như mọi chuyện cũng không khác tại Juventus mùa giải vừa qua. Các kỷ lục của số 7 càng nhiều thì đồng nghĩa kết quả của cả đội tỉ lệ nghịch. Theo tôi, Ronaldo đã chuyển hóa thành một số 9 đơn độc. Với cách đá không thể áp đặt thế trận và thiếu liên kết giữa trung lộ và 2 biên của Bồ, Ronaldo trở nên trơ trọi trong phòng tuyến phòng thủ của đối thủ. Yếu thế, luôn bị vây hãm, anh buộc vào lùi về để tìm cơ hội đập nhả hoặc rình rập trong các tình huống phản công, cố định và không chiến. Các miếng tấn công hướng về Ronaldo vì vậy đã trở nên dễ đoán và dường như cũng chẳng còn bài bản nào khác để tìm đến mành lưới. Tầm ảnh hưởng, vị thế độc tôn của Ronaldo có lẽ cũng đồng thời gây áp lực tâm lý ngược lại cho các cầu thủ trẻ.
Các phương án thay người của Fernando Santos trừ Renato không đem lại đột biến nào trên hàng công. Kế hoạch B của ông tại giải dành cho Felix hay Andre Silve đã thất bại. Liệu ông có thể có một kế hoạch B khác cho vòng loại World Cup sắp tới? Liệu ông có thể giới thiệu một mẫu tiền vệ kiến tạo có thể đá tốt cả ở cánh và trung lộ? 1 năm nữa hình như là quá ngắn ngủi. Và có lẽ một bước chuyển đổi cách mạng ví như như tìm một hạt nhân khác ngoài Ronaldo để xây dựng lối chơi có lẽ cũng không thể xuất hiện trong 12 tháng sắp tới.
Thanh kiếm giết vua
Covid-19 cuối cùng chỉ ảnh hưởng 5 đội, mức độ lây lan cũng chỉ gói gọn ở vòng bảng và ảnh hưởng duy mỗi Croatia ở vòng tiếp theo. Nỗi lo về “Đội tuyển chết chóc thứ 25” ở đầu giải trong tôi tạm thời giải tỏa.
Ý nghĩa về sự chết của bảng F cũng đã được thay mới bằng sức chống đỡ kiên cường của màu đỏ của tuyển Hungary. “Tử khí” trong ẩn nghĩa của bảng F tưởng chừng đã là vô hại. Thế nhưng đến ngày cuối nhìn lại thì mới thấu sự tình. Chẳng khác gì một lời nguyền cả!
Đức, Pháp, Bồ từ bảng F đi tiếp thì cả 3 đều bị “trảm” ở vòng 1/8. 2 đội đã thắng Pháp, Bồ tiếp tục bị loại ở vòng 1/4. Còn đội thắng Đức thì nếm trải tang tóc trong trận chung kết.
Đội giữ cúp nằm ở bảng F. Và bất kỳ ai đã đụng chạm vào bảng F cũng chẳng thể nào chạm tay vào ngôi vô địch.
Ngay sau khi Bồ Đào Nha bị phế ngôi, nhìn vào thế trận với tuyển Bỉ, tôi đã nghĩ Bỉ không thể đi tiếp nếu gặp Ý. Kể từ đây, tôi bắt đầu chọn đội Ý để tiếp tục hành trình Euro của mình.
|
Italia hạ TBN trên chấm 11m để vào chơi trận chung kết Euro 2020 |
Sau trận tứ kết, tôi xem lại loạt 4 trận trước đó của đội Ý. Không có trận nào họ bị áp đảo nên chỉ có thể dò xét cách triển khai tấn công. Tôi vô cùng bối rối khi không biết vai trò của các tiền vệ như thế nào, ai mới thật sự là cầu thủ chìa khóa và nhất là thật sự họ chơi với sơ đồ tứ vệ hay tam vệ. Để trả lời những câu hỏi này, tôi đã phải lục tung mọi thống kê, tham khảo không biết bao nhiêu đồ hình. Có lẽ đây cũng là cột mốc bước ngoặt trong việc thưởng ngoạn bóng đá của tôi.
Những năm xem bóng đá chỉ dựa trên cảm tính và trực giác đã đến lúc phải chấm dứt. Thay vào đó là giai đoạn bắt đầu cho những giờ phút luyện tập sử dùng tư duy và lần mò ABC trong những bài tập căn bản để đọc vị một trận đấu. Bẵng đi một thời gian không hề cập nhật, giờ đây tôi đã phải trở lại với những từ vựng căn bản nhất của môn bóng tròn.
Trong việc tìm kiếm một tương quan để so sánh với tuyển Ý hiện tại tôi trở về với thuở ban đầu, kỳ Euro đầu tiên dõi theo đội bóng sắc áo thiên thanh và có lẽ màu xanh năm ấy mãi mãi là màu đẹp nhất: Italy của năm 2000.
Libero, regista, trequartista và đôi cánh
Những người gây ấn tượng mạnh với tôi mùa hè năm ấy là Toldo, Fiore và Totti. Nếu tính thêm sự yêu thích sẵn có dành cho Nesta thì tôi hình dung được 1 trục dọc từ thủ đến công. Sơ đồ khi ấy tôi không rõ là 3-5-4 hay 3-4-1-2. Nhưng tôi khá chắc rằng Italy khi đó chơi với 3 trung vệ. 2 biên là Maldini và Zambrotta. Maldini cũng có thể đá trung vệ dập. Thòng là Nesta.
Ở tuyến trên, chìa khóa là Fiore. Nhưng tôi không rõ Totti có thể đá hộ công hay là một tiền đạo thứ hai. Tôi không nhớ vai trò số 10 khi đó. Hoặc cũng có thể là không xuất hiện “trequartista” trong chiến thuật của Dino Zoff. Lúc bấy giờ tôi chưa hề biết đến vai trò của một tiền vệ kiến thiết lùi sâu (regista) nên không rõ ở giữa sân của Italy sẽ chơi thế nào. Chỉ nhớ bàn thắng và bước chạy của Fiore và lối chơi gây mê mẩn thị giác của Totti.
Thế là dựa trên trí nhớ cùng các từ khóa như libero, regista, trequartista, tôi lần dò động năng trong chiến thuật 4-3-3 của Mancini.
4 hậu vệ có lẽ chỉ xuất hiện trong thế trận phòng ngự của tuyển Ý. Lúc này sơ đồ 4-3-3 có thể chuyển thành khối 4-5-1 ở tầm trung. Italy hiếm khi bị dồn ép trong một khoảng thời gian dài. Ngoại lệ duy nhất chính là Tây Ban Nha cũng là đội bóng theo tôi là chơi áp sát tầm trung hay nhất mùa này.
Khi Italy tấn công thì một trong tứ vệ dâng cao, góp thêm 1 người vào tuyến tiền vệ hoặc có khi tiến lên ngang bằng với vị trí tiền đạo cánh. Cả giải như tất cả đều nhận thấy, Ý tấn công ở biên trái nhiều hơn. 1 biên tiến thì 1 biên lùi. Sơ đồ lúc này là 3-2-4-1. Di Lorenzo lùi xuống để hợp thành bộ tam vệ. Bonucci đá thấp nhất như một libero. Jorginho lùi xuống một khi Chiellini hay một trong ba trung vệ dâng cao tạo ưu thế cho tuyến tiền vệ. Nhìn vào thống kê về cắt bóng, xoạc bóng và số lần phạm lỗi, bị phạm lỗi tôi dần dần nhận ra tầm quan trọng của số 8 tuyển Ý và danh xưng regista không thể đặt ở số áo nào khác.
|
Italia hoàn tất sứ mệnh lịch sử |
Đến đây thì tâm tư tôi chìm ngậm hoàn toàn trong vẻ đẹp và sự ảo diệu của chiến thuật linh hoạt và biến ảo của Italy tại giải năm nay. Trong trận chung kết, hẳn người hâm mộ còn thấy số 9 ảo xuất hiện bên phía Italy. Và đó cũng là thời khắc quyết định người Ý giải mã được khối phòng ngự kiên cố của tuyển Anh để mang vinh quanh về với thành Rome.
Lời kết
Ôi, viết sao cho đủ về cặp cánh Spinazzola, Chiesa, những người đã trả lại vẻ mỹ lệ thật sự của catenaccio! Viết sao cho đủ về tam giác ở giữa sân và cách phát triển tấn công ở 2 làn trong của tuyến tiền vệ. Trong khi giới hạn chữ đã vượt và thời gian nhận bài cũng đã không còn. Và có vẻ như tôi cũng đã vượt ra khỏi phạm vi của cảm xúc bóng đá để tiến vào lãnh vực của lý trí đơn thuần.
Đã hơn 12 giờ đêm, tôi sẽ rất buồn nếu những dòng chữ này không thể đến được với những ai đã phải lòng với bộ môn này và cũng đã dõi theo mùa Euro năm nay với tất cả nỗi nhớ, niềm mong, hy vọng, đớn đau và vui sướng! Chưa thể kết thúc và không biết làm sao để kết thúc những dòng viết từ góc nhìn bảng F đến ngôi vô địch. Chỉ biết rằng thời khắc này là gạch nối giữa một tôi mới và tôi của xưa kia, giữa cảm xúc bóng đá và tư duy bóng đá. Không phải là là 2 khối biệt lập mà là có trong nhau, và sẽ đi cùng nhau.
Những ngày thật sự học bóng đá của tôi cũng chính thức khởi đi từ tháng 7 của năm này.
Nhờ có cái chết mà cũng là sự sống màu đỏ,
và tình yêu Thiên Thanh.
Tác giả dự thi: Đặng Ngọc Hiến Chương