Chắc chắn tiêu đề trên sẽ khiến hàng chục ngàn cổ động viên Anh cuồng nhiệt có mặt trên thánh địa Wembley huyền thoại không hài lòng với nhận định trên, dù đội nhà cuối cùng đã có một trận đấu nhọc nhằn và chiến thắng sát nút 2-1 trước đội bóng "Những chú lính chì dũng cảm" Đan Mạch trong trận Bán kết Euro 2020 kéo dài 120 phút thi đấu.
Tuy nhiên bóng đá luôn thể hiện đúng bộ mặt thật của nó: vui buồn lẫn lộn, may rủi song hành, vinh quang và tủi nhục cách nhau chỉ một ranh giới mong manh. Ngoài tài năng chỉ đạo tài tình của HLV hai đội bóng ra thì đội hình lực lượng cùng đẳng cấp và phong độ thi đấu của cầu thủ hai đội sẽ quyết định kết quả thắng thua về cho đội bóng của mình. Tuy nhiên yếu tố "may mắn" cũng tác động làm thay đổi cục diện trận đấu và kết quả tỉ số trên sân.
Nhưng cuối cùng thần may mắn đã không "mỉm cười" với tuyển Đan Mạch mà lại đem trao cho "kẻ khác" là... người Anh chưa thật sự thuyết phục trong con mắt các cổ động viên Đan Mạch cũng như báo giới, cựu danh thủ bóng đá và các nhà bình luận chuyên môn...
Vì sao đội bóng "Ba chú Sư tử" Anh chưa làm hài lòng các cổ động viên trung lập và giới báo chí truyền thông? Đó là họ chưa bằng lòng với những phán quyết của trọng tài Danny Makkelie khi cho đội tuyển Anh hưởng quả phạt đền 11m gây tranh cãi, một cơ hội giúp tuyển Tam sư vượt lên dẫn trước và ấn định kết quả chung cuộc 2-1 nghiêng về đội bóng Anh để sau 55 năm chờ đợi mỏi mòn, người Anh mới có cơ hội tham dự trận Chung kết Euro trong mơ.
Tiền đạo Harry Kane đã không thắng được thủ môn Schmeichel trên chấm 11m. Thủ môn Đan Mạch đã xuất sắc phá ra nhưng "xui xẻo" bóng lại đi ngay tầm chân đá bồi của Kane thật "may mắn" khiến khán đài sân Wembley bùng nổ trong niềm vui hò reo vang dội của cổ động viên Anh.
Sự may mắn mà tuyển Anh có được từ quả phạt đền 11m quan trọng đưa họ tranh tài với tuyển Ý ngày 12/7 cũng ngay trên sân nhà Wembley với niềm kỳ vọng lần đầu tiên Vô địch Euro nếu chiến thắng được tuyển Ý, nó bắt nguồn từ pha té "ăn vạ ma mãnh" của Sterling hơn là bị phạm lỗi không cố ý từ Maehle đội Đan Mạch. Maehle chỉ đưa bàn tay chạm nhẹ vào người Sterling trong nỗ lực lui về phòng thủ. Lập tức "quân bài chiến lược" quan trọng nhất trong sơ đồ chiến thuật của HLV Gareth Southgate lăn ra "ngả đẹp" trong vòng cấm địa đội Đan Mạch.
Khán giả Đan Mạch chắc chắn sẽ tiếc nuối ước gì "bàn tay" của Maehle đừng đưa ra chạm vào người Sterling, để họ có thêm cơ hội giữ tỉ số hoà 1-1 và kéo trận đấu đến loạt đá 11m luân lưu đầy may rủi, với hy vọng có thể tạo nên một chiến tích lẫy lừng lọt vào Chung kết Euro, để bổ sung cho bộ sưu tập từ kỳ tích Vô địch Euro 1992 thêm hoành tráng.
Công bằng mà nói, tuyển Đan Mạch đá sắc nét và thú vị cho người xem hơn so với đội tuyển Anh trong trận Bán kết Euro 2020. Ngay từ phút 30, người Anh trên khán đài như chết lặng khi ngôi sao trẻ 21 tuổi của Đan Mạch là Damsgaard ghi tuyệt phẩm cứa lòng tuyệt mỹ từ cú đá phạt khoảng 25m. Cú bay người hết cỡ trong nỗ lực phá bóng của thủ môn Pickford cũng thật đáng khen, tuy nhiên bóng đi vọt qua hàng rào người của tuyển Anh thật độc đáo. Nó lượn vòng cung rồi nhiễu vào sát mép xà ngang khung thành chuẩn xác đến từng milimet.
Bàn đá phạt đầu tiên tại Euro 2020 do Damsgaard cũng tạo nên điều thú vị cho khán giả khi anh là cầu thủ đầu tiên phá lưới thủ môn tài ba Pickford tại Euro 2020. Lần đầu tiên tuyển Anh bị lọt lưới sau 5 trận đấu Pickford giữ sạch lưới nhà trong 721 phút, hơn đúng 1 phút so với thủ môn huyền thoại bóng đá Anh là Gordon Banks tại World Cup 1996. Giải đấu mà tuyển Anh đoạt chức vô địch duy nhất cho đến nay. Có lẽ điều đó đã làm thủ môn Pickford có nhiều cảm xúc khiến anh mất tập trung trong những tình huống lóng ngóng, lúng túng cản phá bóng chưa tốt, phát bóng sai địa chỉ hay phối hợp với đồng đội chưa an toàn, để mất bóng vào chân đối phương....
Dù sao kết quả của đội tuyển Anh mới quan trọng hơn trong trận cầu quyết định "một mất một còn" theo lối đá thực dụng để giúp đội bóng giành chiến thắng sau cùng, làm thỏa mãn sự kỳ vọng của khán giả nhà. Tuyển Anh và tuyển Ý xứng đáng tham dự trận cầu hứa hẹn nhiều gay cấn, kịch tính hơn nữa để tranh chiếc cúp bạc Euro 2020 danh giá nhất châu lục. Cả hai đội qua 6 trận đấu đều bất bại, ngang tài ngang sức với dàn cầu thủ trẻ đầy tài năng kết hợp cùng cầu thủ ngôi sao già dặn kinh nghiệm sẽ tạo nên trận cầu rực lửa, hấp dẫn khán giả hâm mộ. Họ đều có thủ môn và HLV tài giỏi sẽ biết cách đưa đội tuyển đến thành công xứng đáng.
Tiếc cho Đan Mạch những gì họ đã thể hiện và cống hiến cho bóng đá. Từ sự cố Eriksen đến tinh thần thi đấu cao đẹp theo truyền thống thể thao "Kaelighed" của người dân Đan Mạch hiền hòa, thân thiện từ ngoài xã hội lẫn trong sân cỏ. Đó là thứ bóng đá đẹp mà chỉ có một tuyển Đan Mạch mới thể hiện rõ nét nhất trong kỳ Euro quá đặc biệt với nhiều kỷ lục được ghi, có quá nhiều cú đá hỏng 11m, nhiều bàn đá phản lưới nhà và nhiều cú cứa lòng ghi bàn tuyệt phẩm... Nhưng chỉ có riêng Đan Mạch mới có bàn thắng duy nhất vào lưới tuyển Anh và duy nhất từ cú đá phạt trực tiếp thành bàn đẹp mắt.
Đan Mạch vẫn ngẩng cao đầu hiên ngang rời Euro trong niềm luyến tiếc của khán giả hâm mộ. Họ "chết đi sống lại" từ sự cố ngưng tim của Eriksen. Rồi nhờ tinh thần của Eriksen khi anh hồi phục thần kỳ, đã thêm sức mạnh tinh thần cho "Những chú lính chì" mạnh mẽ hơn, như thể hồi sinh và thi đấu tưng bừng hạ gục Nga, Czech và chỉ chịu thua tuyển Anh vì "quả phạt đền 11m" và cả "hai trái bóng trên sân"?! Điều đó hãy để cho dư luận khán giả và báo giới phán quyết trọng tài có sai lầm hay không. Họ cần "bàn tay công lý" của trọng tài hơn là bàn tay không cố ý hoặc cái chèn người nhẹ của Maehle.
Bỏ mặc tất cả, câu chuyện cổ tích thần kỳ Đan Mạch tạm xếp lại để qua chương mới tiếp tục tại World Cup 2022 hoặc Euro năm 2024. Đan Mạch thua trận nhưng họ đã chiếm trọn tình cảm và sự nể phục trong lòng khán giả hâm mộ về lối đá tập thể đoàn kết, cao đẹp và tình đồng đội nhân ái trong bóng đá.
Tác giả dự thi: Nguyễn Hoàng Thảo