Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

EURO 2012, còn 13 ngày: Vẫn còn ngổn ngang

Thứ Sáu 25/05/2012 17:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ còn hai tuần nữa, EURO 2012 sẽ chính thức khởi tranh. Công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, theo như tuyên bố của hai nước chủ nhà, đã được hoàn tất từ cuối tháng 3. Nhưng để một giải đấu thực sự thành công, thì hạ tầng tốt là chưa đủ.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã xác nhận Ba Lan và Ukraina hoàn toàn sẵn sàng cho vòng chung kết EURO 2012 trong một cuộc họp báo cách đây hai tháng với người đồng cấp ở Ukraina, ông Mykola Azarov, bất chấp những khó khăn liên quan đến khủng hoảng tài chính và tình trạng nợ công bao phủ toàn châu Âu. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), ông Michel Platini, cũng đánh giá cao những nỗ lực của hai nước đồng chủ nhà, và thậm chí còn lạc quan tuyên bố rằng “những ca sinh khó khăn thường tạo ra những đứa trẻ xinh xắn”.

Sân Olympiysky tại thủ đô Kiev, Ukraina, nơi tổ chức trận chung kết, với các khán đài xây kiểu Anh, cỏ Slovakia và mái che kiểu Đức
Sân Olympiysky tại thủ đô Kiev, Ukraina, nơi tổ chức trận chung kết, với các khán đài xây kiểu Anh, cỏ Slovakia và mái che kiểu Đức

Trước đó, cả Ba Lan và Ukraina thường xuyên bị chỉ trích vì tiến độ chuẩn bị chậm trễ. Phía Ba Lan thậm chí đã sa thải các quan chức phụ trách việc xây dựng sân vận động quốc gia mới ở Warsaw, sau khi phát hiện rằng tiến độ xây dựng đã chậm đến sáu tháng và những điều kiện an ninh không được đảm bảo. Các trang thiết bị phục vụ cho truyền thông ở sân vận động quốc gia Ba Lan cũng bị nghi ngờ là không đáp ứng được tiêu chuẩn để tác nghiệp của rất nhiều cơ quan thông tấn và báo chí khắp thế giới. Một lo ngại lớn khác là giao thông trong không phận của Ba Lan sẽ ở vào tình trạng bận rộn chưa từng có trong lịch sử đất nước này, và khả năng đáp ứng của nước chủ nhà vẫn bị đặt dấu hỏi. Dự kiến sơ bộ vào ngày khai mạc EURO 8/6, sẽ có khoảng 30.000 người đổ về Warsaw.

Về phần Ukraina, công tác chuẩn bị hạ tầng có sáng sủa hơn, với bốn sân vận động và bốn sân bay được sửa sang, và hệ thống đường bộ cũng được cải tạo cho giao thông thuận tiện hơn. Chi phí bỏ ra cho công tác chuẩn bị là không hề nhỏ: 38 tỉ euro. Trong số này, riêng việc cải tạo… nhà vệ sinh cho các địa điểm diễn ra vòng chung kết ở hai quốc gia đồng chủ nhà cũng đã tiêu tốn đến hàng chục triệu euro.

EURO 2012 sẽ được tổ chức tại tám sân vận động ở tám thành phố khác nhau trải đều từ Ba Lan đến Ukraina. Các địa điểm tổ chức thi đấu ở Ba Lan là thủ đô Warsaw, Gdansk, Wroclaw, Poznan, và tại Ukraina là thủ đô Kiev, Donetsk, Kharkiv và Lviv. Hai sân chính là sân vận động quốc gia Ba Lan tại Warsaw, với sức chứa 50.000 chỗ ngồi và là nơi diễn ra trận khai mạc, ba trận vòng bảng, rồi tứ kết, bán kết; sân Olympiysky tại Kiev với sức chứa 70.000 chỗ ngồi và là nơi diễn ra ba trận vòng bảng, rồi tứ kết và cả trận chung kết. Ngoài tám thành phố đăng cai, hai nước đồng chủ nhà còn phải sắp xếp 21 địa điểm đóng quân với đầy đủ điều kiện luyện tập cho các đội tuyển. Hiện tại, có 13 “doanh trại” như thế ở Ba Lan và ba cái ở Ukraina.

Tuy nhiên, khoản tiền khổng lồ ấy chưa làm yên tâm ai cả. Trong một cuộc họp báo vào tháng 2, Giám đốc tổ chức của UEFA, ông Martin Kallen, đã cảnh báo các nước chủ nhà về sự hạn chế trong việc kiểm soát giá cả và dịch vụ, đặc biệt là khi hàng trăm nghìn người hâm mộ sẽ đổ về Ba Lan và Ukraina chỉ trong vòng một tháng diễn ra giải đấu. Chính Phó thủ tướng Ukraina, ông Borys Kolesnilov, thừa nhận rằng không phải tất cả các du khách đều hài lòng với giá cả ở Ukraina, nơi mà một căn phòng trong khách sạn hai sao ở Donetsk có thể khiến bạn phải bỏ ra đến 278 USD/ đêm, và giá vé máy bay khứ hồi giữa London và Lviv có thể lên đến 830 USD.

Tình trạng an ninh, chính trị và xã hội bất ổn ở Ukraina cũng là một mối lo ngại lớn. Một tháng trước, bốn quả bom phát nổ tại Dnipropetrovsk tại Ukraina, làm ít nhất 29 người bị thương, và dù đây không phải là một địa điểm tổ chức thi đấu, nhưng không ai dám chắc những cuộc khủng bố như thế không tái hiện ở các thành phố đăng cai. Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã cảnh báo về tình trạng “cảnh sát tha hóa trên diện rộng” của Ukraina, thậm chí chỉ ra rằng “có một cơ số vụ án ở các thành phố tổ chức EURO 2012 liên quan đến chuyện cảnh sát tra tấn dân thường để tống tiền, lấy lời khai, hoặc đơn giản là thỏa mãn tình dục và thói phân biệt chủng tộc”. Ukraina cũng đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì việc tàn sát chó mèo hoang và coi đó như một phần trong… công tác chuẩn bị cho EURO: Chó và mèo bị tiêm thuốc độc, bị bắn, hoặc thậm chỉ là thiêu sống trong các lò thiêu di động.

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), thậm chí là cả một người mê bóng đá như bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, lại tuyên bố tẩy chay EURO 2012 vì phản đối án tù mà Ukraina đã tuyên với cựu thủ tướng nước này, bà Yulia Tymoshenko. Và không chỉ có các chính trị gia: Rất nhiều vé vào xem các trận ở EURO năm nay vẫn đang ế ẩm. Thậm chí một cặp đấu như Anh - Pháp cũng chưa bán được hết gần 10.000 vé. Giá cả leo thang, dịch vụ được thể “kiếm thêm”, và tình trạng an ninh không đảm bảo…, tất cả khiến bóng đá trở nên xa vời hơn.

Hai tuần trước thềm EURO, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang. Không hẳn vì những nghi ngờ về cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn, là băn khoăn rằng liệu hai nước đồng chủ nhà có tạo ra được một bầu không khí thực sự giúp cho bóng đá đem lại niềm vui hay không. Đó là sứ mệnh của thể thao, và những nhà tổ chức cũng có sứ mệnh làm cầu nối để đưa những cảm xúc thật sự đáng giá đến với người yêu bóng đá.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Real Madrid chính là đội bóng ấn tượng nhất ở Euro 2012 khi họ sở hữu đến 10 cầu thủ tại vòng bán kết Euro 2012. Tuy nhiên, không ngôi sao nào đạt được danh hiệu cá nhân tại Ba Lan-Ukraine và đó là điều mà những người yêu mến “Kền kền trắng” chạnh lòng...

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Việc 3 trong 4 đội bóng có mặt ở vòng bán kết đều là các đội thuộc Nam Âu và Tây Ban Nha bảo vệ thành công vương miện EURO tiếp tục cho thấy sự thống trị của trường phái kỹ thuật và đề cao quyền sở hữu bóng trước lối chơi kiểu khoa học và đề cao sức mạnh kiểu Bắc Âu, hay bài miếng cổ điển kiểu Đông Âu.

Xem thêm
top-arrow
X