Người Tây Ban Nha đang mơ về cú ăn ba liên tiếp. Đêm nay (1/7), chỉ cần vượt qua Italia, họ sẽ tiếp tục thống trị châu Âu. Nhưng, nói thì dễ, làm mới khó. Đừng quên, các chàng trai Azzurri có thừa sự mạnh mẽ, quyến rũ và khôn ngoan, quyết hạ bệ Vua để bước lên ngai vàng. Toan tính của ai sẽ được Chúa trao thêm phần "may mắn"?
Tham vọng của Tây Ban Nha
Năm 2008, một bước ngoặt quan trọng giúp Tây Ban Nha vươn lên đỉnh cao bóng đá châu Âu gắn liền với Italia. Ngày ấy, đội bóng xứ bò tót đã vượt qua Italia - còn mang danh ĐKVĐ thế giới, đã đánh bại Italia trên chấm 11m ở tứ kết, và thẳng bước đến chức vô địch.
Gần nửa thế kỷ khát danh hiệu, và bị gắn chặt với biệt danh "Vua vòng loại" - vốn chẳng lấy gì làm đẹp - vinh quang trở lại với người Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha - Italia: Đảo chính! |
"Nhà hiền triết" Luis Aragones, kiến trúc sư cho danh hiệu vô địch châu Âu thứ hai của bóng đá Tây Ban Nha (lần đầu 1964), đã ra đi ngay sau giây phút vinh quang (thực tế, ông đạt được hợp đồng với Fenerbahce từ trước VCK). Del Bosque là người kế nhiệm, với nhiệm vụ duy trì thành công cho La Seleccion.
Với đội hình mang đậm bản sắc Barca, từ lối chơi tiqui-taca cho đến cách vận hành chiến thuật, Del Bosque đã trở thành người hùng khi đưa Tây Ban Nha đến với chức VĐTG đầu tiên trong lịch sử.
Hai năm sau giây phút trở thành những nhà VĐTG, Tây Ban Nha vẫn còn nguyên sức mạnh. 19/23 gương mặt ở Nam Phi đang hiện diện tại Kiev. 7/11 nhân vật đá chính của trận chung kết với Hà Lan hiện đang chiếm vai trò không thể thay thế trong chiến thuật của Del Bosque.
Khi nền tảng sức mạnh còn được giữ nguyên, trừ hai nhân tố đặc biệt Villa và Puyol vắng mặt vì chấn thương nặng, người Tây Ban Nha đang nuôi tham vọng về một cú "Triplete" (3 danh hiệu vô địch liên tiếp), điều mà chưa một đội bóng nào trên thế giới làm được.
Với những ngôi sao lớn, và sức mạnh vượt trội được thể hiện trong chặng đường vừa qua, người hâm mộ của đất nước trên bán đảo Iberia có lí do để hy vọng. Sau 5 trận đấu trên đất Ba Lan - Ukraina, lưới của Iker Casillas mới chỉ một lần rung lên, với pha dứt điểm của Di Natale.
Tính trong các trận đấu thuộc vòng knock-out những giải đấu chính thức, Tây Ban Nha đang trải qua đúng 900 phút không thủng lưới. Kể từ sau trận thua 1-3 trước Pháp trên đất Đức 2006, La Seleccion luôn biết cách vượt qua các đối thủ để vươn đến vinh quang, từ EURO 2008 đến World Cup 2010.
Sự khác biệt duy nhất của Tây Ban Nha so với vài năm trước là lối chơi. Đội quân của Del Bosque đã trở nên thực dụng và cầu toàn hơn, đến mức bị chính người hâm mộ quê nhà phản đối. Nhưng với những chàng trai áo đỏ, thành quả quan trọng hơn là tính trình diễn, khi mà trang sử mới của bóng đá thế giới đang vẫy gọi.
Giấc mơ màu Thiên Thanh
Lịch sử ở ngay trước mặt Tây Ban Nha, nhưng mọi thứ không do thầy trò Del Bosque. Bởi vì, đối thủ của họ là Italia, đội bóng đang khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Hai năm trước, khi Tây Ban Nha gặt hái vinh quang, Italia trải qua những ngày đen tối. Từ vũng lầy, sự xuất hiện của Cesare Prandelli vực dậy Italia và thổi vào đó một làn gió mới.
Trong hai năm ngắn ngủi, cuộc cách mạng mà Prandelli tiến hành gặt hái kết quả khó tin. 13 trong số 23 gương mặt đến EURO 2012 của Azzurri là những người mới so với giai đoạn mà Marcello Lippi còn tại vị.
Với Prandelli, cánh cửa ĐTQG luôn rộng mở cho những ai có phong độ tốt. Đó là lí do mà những Diamanti, Abate, Giaccherini, Giovinco... trở thành một phần trong tập thể Thiên thanh, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Triết lý của Prandelli là hàng tiền vệ cơ động. Từ tấn công cho phòng ngự đều thông qua khu vực giữa sân. Nếu như các đời HLV trước tập trung vào phòng ngự, và nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ để tìm những cơ hội phản công, thì Prandelli mang tư tưởng khác.
Italia của Prandelli cầm bóng nhiều hơn, các vị trí có sự liên kết mạch lạc, tạo nên những vòng quay bất tận để bịt kín các khoảng không trên phần sân nhà. Ở EURO 2012, Azzurri là một trong các đội cầm bóng và chuyền bóng nhiều nhất.
Trong cách chơi ấy, Pirlo là nhân vật trung tâm. Tiền vệ của Juve như chìa khóa để vận hành thế trận, và trực tiếp phát động tấn công. Nhưng Italia không để phụ thuộc vào Pirlo. Trận thắng thuyết phục 2-1 trước người Đức đã nói lên điều đó.
Trận ấy, Pirlo chủ yếu cầm bóng, điều tiết nhịp độ, và quấy đảo tuyến giữa của Đức. Vai trò phát động tấn công được trải đều cho những người khác, mà đường chuyền tuyệt vời của Montolivo để Balotelli nhân đôi cách biệt là một minh chứng. Hàng thủ Đức không nghĩ là Montolivo có thể tung đường chuyền như thế, để rồi không kịp vận hành bẫy việt vị. Ngoài ra, hậu vệ trái Balzaretti đã cực kỳ ấn tượng khi đá cánh phải.
Triết lý của Prandelli biến Italia thành một đội bóng của lối chơi quyến rũ, những cảm xúc dâng trào mà không mất đi chất nghệ thuật của hệ thống phòng ngự kinh điển catenaccio.
Từ những điều kỳ diệu mà Prandelli mang lại, các tifosi Italia hoàn toàn tự tin để thách thức và hạ bệ ngôi vương của Tây Ban Nha.
Đội hình dự kiến:
Tây Ban Nha: Casillas; Arbeloa, Pique, Ramos, Alba; Xavi, Busquets, Alonso; Silva, Fabregas, Iniesta.
Italia: Buffon; Abate, Barzagli, Chiellini, Balzaretti; Marchisio, Pirlo, De Rossi; Montolivo; Balotelli, Cassano
Dự đoán: Italia thắng 2-1
(Theo Vietnamnet)