Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Roy Hodgson và nhiệm vụ trước mắt: Thách thức cho "kẻ lãng du"

Thứ Năm 03/05/2012 13:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ấn tượng đầu tiên mà Roy Hodgson mang đến trong lễ ra mắt ĐT Anh rất tốt đẹp. Ông khiến người ta nghĩ đến một HLV điềm đạm có khả năng kiểm soát tình hình cũng như thu hút sự chú ý. Nhưng với một đội tuyển có nhiều rắc rối như Tam sư, những thách thức dành cho ông là không nhỏ.

Trong số các danh thủ bóng đá Anh, Mathew Le Tissier có lẽ là người đã bình phẩm một cách khách quan và chính xác nhất về tân HLV trưởng Tam sư. Cựu tiền vệ Southampton thẳng thừng rằng "FA đã chọn HLV mà họ cho là dễ bảo hơn (so với Redknapp). Tôi thì nghĩ rằng đây là phương án rẻ tiền và an toàn, còn đúng đắn hay không thì thời gian sẽ trả lời".

Quan điểm ấy không phải là không có căn cứ. Vì hợp đồng của Hodgson với West Brom sẽ hết hạn cuối mùa giải này mà ông lại chưa gia hạn nên FA không mất một xu bồi thường, trong khi để theo đuổi Redknapp, họ sẽ phải nhả cho Tottenham 10 triệu bảng để giải phóng. Roy Hodgson cũng sẵn sàng nhận mức lương 3 triệu bảng/năm, tức là chỉ bằng nửa so với Capello, và có lẽ cũng thấp hơn so với Redknapp yêu cầu. Rõ ràng từ HLV một CLB tầm tầm (West Brom) nay được lên tuyển đã là một vinh dự lớn, bởi thế mà chính Hodgson đã thừa nhận ông không quan tâm lắm đến vấn đề lương bổng.

Công việc dẫn dắt ĐT Anh liệu có quá sức với Roy Hodgson
Công việc dẫn dắt ĐT Anh liệu có quá sức với Roy Hodgson

Vấn đề nhiều người nghi vấn là liệu Hodgson có phải "của rẻ, của ôi" hay không? Các sếp FA có thể dẫn chứng rằng ông rất giàu kinh nghiệm với 36 năm trong nghề, thậm chí còn hơn Redknapp ở chỗ đã từng làm việc ở môi trường ĐTQG. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: Hodgson chỉ có duyên với... các đội bóng nhỏ như Halmstad, Malmo FF, Fulham, West Brom và ngay cả ĐT Thụy Sĩ (dự USA 94) trước đây cũng thế. Điểm chung của các đội bóng ấy: dễ thu phục nhân tâm, không có những "ông sao" trong đội hình, và không phải chịu nhiều sức ép trước mỗi giải đấu.

Trái ngược lại hoàn toàn với các đội bóng ấy là hình ảnh của ĐT Anh: rắc rối trong phòng thay đồ bởi quá nhiều cá tính, sở hữu rất nhiều những cầu thủ (được coi) lớn, nhưng luôn thiếu bản lĩnh vào những thời điểm quan trọng nhất, cộng thêm giới truyền thông rất tích cực xoi mói, sức ép dành cho những vị thuyền trưởng luôn cực kỳ cao. Fabio Capello là người tài năng nhất, giàu cá tính nhất trong nhiều năm qua, và đã tạo tầm ảnh hưởng khá lớn lên lối chơi của Tam sư, xong rốt cuộc vẫn phải ra đi vì áp lực thành tích cũng như không được lòng các quan chức FA.

40 ngày khó khăn

Roy Hodgson từng gây ấn tượng khá tốt ở Inter Milan, nhưng dạo ấy (1995-97), đội bóng này chưa mua Ronaldo (béo), chỉ có một ngôi sao lớn duy nhất: Paul Ince và hoàn toàn lép vế so với Juve và Milan. Gần đây nhất, thất bại thảm hại của ông tại Liverpool là một minh chứng cho sự kém cỏi khi cầm một đội bóng lớn.

Với bản hợp đồng có thời hạn 4 năm, FA muốn nhắm đến những mục tiêu xa hơn như World Cup 2014 và EURO 2016, nhưng mùa hè tại Ukraina này sẽ là bài test đầu tiên, đầy khắc nghiệt, và quỹ thời gian để Hodgson chuẩn bị là không nhiều: chưa đầy 40 ngày tính cho đến trận mở màn gặp ĐT Pháp. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ông sẽ phải lựa chọn những gương mặt tốt nhất rồi gút danh sách, tìm kiếm trợ lý, chỉ định băng đội trưởng, xây dựng lối chơi thuyết phục và truyền lửa cho các học trò chỉ sau hai trận giao hữu với Na Uy (26/05) và Bỉ (02/06). Nên nhớ, tấm băng đội trưởng Tam sư vốn thường xuyên tốn rất nhiều giấy mực, và có tác động không nhỏ đến không khí trong phòng thay đồ. Về lực lượng, án treo giò 2 trận của Rooney và chấn thương mới đây nhất của Welbeck là những vấn đề rất đau đầu với Hodgson. Đó là chưa kể việc phải dẫn dắt nốt West Brom ở hai trận cuối của Premier League cũng sẽ khiến ông mất đi phần nào sự tập trung, dù rằng CLB này cũng chẳng còn mục tiêu nào cụ thể.

Nếu như Roberto Di Matteo nhanh chóng thành công trong vai trò người chữa cháy tại Stamford Bridge nhờ sự đồng thuận đặc biệt từ các học trò cũng như may mắn, thì có lẽ Roy Hodgson cũng cần những yếu tố ấy để có thể trụ lại trên chiếc ghế HLV ĐT Anh, ít ra là sau VCK EURO 2012. 40 ngày là quá ít cho một cuộc cách mạng toàn diện về con người và lối chơi, nên Hodgson sẽ phải phát triển trên nền tảng những gì mà Capello và phần nào là Stuart Pearce đã gây dựng suốt 4 năm qua.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X