Thứ Hai, 17/06/2024Mới nhất
Zalo

Phân tích chiến thuật Euro 2012 (Tây Ban Nha - Italia): Đội hình lạ của các tiền vệ

Thứ Ba 12/06/2012 10:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Đến thời điểm hiện tại, trận đấu giữa Tây Ban Nha và Italia vẫn được đánh giá là trận cầu đáng xem nhất tại kì Euro này. Dù kết quả chỉ là một trận hòa nhưng người xem vừa được mãn nhãn, vừa được thưởng thức chiến thuật đối lập giữa hai trường phái công - thủ của bóng đá châu Âu và thế giới.

Tây Ban Nha: Đội hình lạ của "ngài râu kẽm"

Trước trận đấu với Italia, người ta hầu như đã đoán trước được những cái tên quen thuộc sẽ ra sân của ĐT Tây Ban Nha. Thế nhưng khi công bố đội hình xuất phát, rất nhiều người đã phải ngạc nhiên với sơ đồ chiến thuật rất lạ của Tây Ban Nha khi không phải là một tiền đạo thực thụ đá bên trên. Thay vào đó là Fabregas - một tiền vệ chính hiệu đá cao nhất trên hàng công với vai trò tiền đạo ảo. Thực ra đây không phải lần đầu tiên Fabregas đá tiền đạo ảo bởi trong màu áo Barcelona, Fabregas đã không ít lần thi đấu với vai trò tiền đạo nhưng ở Barca, Messi thường là người được chú ý nhất trên hàng công còn Fabregas chỉ làm vai trò "tiếp đạn". Thế nhưng trong trận đấu với Italia, chiến thuật của Tây Ban Nha lại là 4-6-0, khi những tiền đạo được đánh giá cao như Torres, Llorente và Negredo đều được HLV Del Bosque "cất" trên băng ghế dự bị.

Fabregas
Fabregas là cầu thủ thi đấu cao nhất trên hàng công ĐT Tây Ban Nha dù chỉ là một tiền vệ

Tạm chưa nói về sự thành công hay thất bại của sự thử nghiệm đặc biệt từ "ngài râu kẽm", nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng ĐT Tây Ban Nha vẫn chơi tốt dù không cắm một tiền đạo thực thụ nào trên sân. Nhưng lối chơi của Tây Ban Nha trong trận đấu với Italia vẫn khiến nhiều người lo lắng, khi những miếng phối hợp nhỏ của Tây Ban Nha trong hiệp một gần như là bị vô hiệu hóa trước hàng phòng ngự Italia. Việc có quá nhiều tiền vệ ở khu trung tuyến không khiến Tây Ban Nha kiểm soát trận đấu tốt hơn, trái ngược lại còn khiến tuyến giữa của Tây Ban Nha trở nên chật chội trong những pha phối hợp bóng ngắn yêu cầu các cầu thủ phải đứng gần nhau. Hơn thế nữa, khi bài bóng ngắn đã bị Italia tìm được cách hóa giải thì Tây Ban Nha cũng không mạnh dạn tìm đến những quả dãn biên để kéo dãn hàng phòng ngự đối phương.

Việc không có một tiền đạo thực thụ cũng khiến Tây Ban Nha không dám sử dụng những miếng đánh tạt bóng bổng, vốn là miếng đánh cuối cùng của các đội bóng tại Euro đến thời điểm này khi trận đấu gặp bế tắc. Dù Fabregas đã ghi bàn để phần nào chứng tỏ tính đúng đắn về mặt chiến thuật mà HLV Del Bosque sử dụng, nhưng vẫn không ít người hoài nghi về lối chơi không tiền đạo của Tây Ban Nha. Bởi lẽ khi được tung vào sân, Torres đã thể hiện sự nhạy cảm về vị trí của một tiền đạo bằng hai cơ hội có thể ghi bàn nhưng rất tiếc là "El Nino" lại tỏ ra kém nhạy cảm trong những pha dứt điểm.

Tạm gác lại vấn đề hàng công, tuyển Tây Ban Nha cũng đang khiến người ta lo âu về hàng phòng ngự. Hai hậu vệ cánh Jordi Alba và Arbeloa vẫn chưa tạo được sự yên tâm. Jordi Alba thi đấu tốt nhưng vẫn còn quá non kinh nghiệm, còn Arbeloa còn lâu mới có thể so sánh được với Sergio Ramos. Thế nên khả năng phòng ngự ở hai cánh của Tây Ban Nha đã giảm sút, đó là còn chưa kể đến việc khả năng hỗ trợ tấn công từ hai hậu vệ cánh của Tây Ban Nha cũng đang có vấn đề. Còn về cặp đôi trung vệ, rõ ràng người ta không thấy được sự ăn ý trong những pha phối hợp của Sergio Ramos và Pique, khi Ramos thậm chí còn không ít tình huống mắc sai lầm. Rõ ràng, Tây Ban Nha còn rất nhiều điều cần cải thiện nếu muốn bảo vệ ngôi vô địch tại kì Euro này.

Italia: Chỉ thiếu nhân tố con người

Vận hành chiến thuật 3-5-2 với De Rossi được kéo xuống đá trung vệ, ĐT Italia đã có một trận đấu thành công về mặt đấu pháp. Hiểu rõ lối chơi bóng ngắn của Tây Ban Nha, Azzurri chủ động thi đấu theo kiểu "ruồi bu", nghĩa là tập trung số đông cầu thủ phòng ngự ở những điểm các cầu thủ Tây Ban Nha có bóng. Việc có quá nhiều người trong một không gian hẹn khiến khả năng phối hợp nhóm của các cầu thủ Tây Ban Nha bị hạn chế đi rất nhiều, khi họ có quá ít không gian và thời gian để suy nghĩ nhằm tung ra những đường phối hợp chia cắt hàng phòng ngự đối phương. De Rossi cũng đã thi đấu thành công trong vai trò một trung vệ, nhưng không phải chơi thấp nhất trong hàng thủ mà thi đấu gần giống dạng một trung vệ quét đảm nhiệm vị trí chặn mặt không để Tây Ban Nha có những đường tấn công đập mặt từ trung lộ.

Cự li đội hình của Italia cũng được giữ ở mức rất hợp lí, khi các cầu thủ tuyến giữa áo thiên thanh không mải mê dâng lên quá cao kể cả trong những tình huống tấn công. Khi bị cướp bóng, các tiền vệ của Italia lui về rất nhanh và chủ động trám vào vị trí đang bị hở để ngăn chặn những đường chuyền nhanh từ phía các cầu thủ Tây Ban Nha. Chính lối chơi phòng ngự chủ động đó đã khiến Azzurri đứng vững trước những đợt tấn công từ phía đối thủ.

De Rossi
Cũng là một tiền vệ nhưng De Rossi lại được đẩy xuống đá trung vệ

Còn xét về lối chơi tấn công, Italia cũng có những nhân tố điển hình cho chiến thuật phản công nhanh. Với Pirlo thi đấu ở khu trung tuyến ở vai trò "nhạc trưởng", mỗi đường lên bóng của Italia là một nguy cơ đối với khung thành Casillas, nhất là trong thời điểm hàng phòng ngự Tây Ban Nha không còn là một khối gắn kết được đánh giá cao. Italia thường sử dụng những đường phất bóng dài hoặc tấn công xẻ nách từ biên để hai tiền đạo ở trên băng lên dứt điểm nhanh. Italia đối lúc cũng có những pha đan bóng ngắn ở tốc độ cao, nhưng để tiếp cận khung thành Casillas, các cầu thủ Azzurri thường chọn phương án phất bóng bổng hoặc chọc khe ở cự li trung bình khi các tiền vệ hạn chế dâng quá cao.

Nhìn chung điểm còn thiếu duy nhất của Italia trong trận đấu với Tây Ban Nha chính là nhân tố con người, khi chất lượng đội hình của Azzurri không được đánh giá cao. Dù sao, Italia đã chứng minh được khả năng nhờ lối chơi gắn kết trong thời điểm khó khăn, khi đất nước hình chiếc ủng vừa trải qua scandal bán độ.

  • Như Đạt

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X