Thứ Hai, 17/06/2024Mới nhất
Zalo

Phân tích chiến thuật Euro 2012 (Anh - Pháp): Sự thực dụng của một trận cầu "thiếu muối"

Thứ Ba 12/06/2012 11:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Dù là hai ông lớn của bóng đá châu Âu và thế giới, thế nhưng trận đấu giữa Anh và Pháp lại bị người hâm mộ đánh giá là quá "thiếu muối" khi diễn biến không có nhiều điểm nhấn. Có lẽ việc cả hai đội đều quá thận trọng với những toan tính chiến thuật đã khiến trận cầu đinh này trở nên tẻ nhạt.

Anh: Phiên bản xe buýt của Roy Hodgson

Trước khi vào giải, nhiều người đã nhận định nhiều khả năng HLV Roy Hodgson sẽ áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công cho ĐT Anh tại kì Euro này, khi Tam Sư không còn được đánh giá là ứng cử viên cho ngôi vô địch nữa. Quả thực không nằm ngoài dự đoán, ĐT Anh đã thi đấu với chất thực dụng cao trong trận đấu với ĐT Pháp. Điều duy nhất khiến người ta bất ngờ ở Roy Hodgson là việc ông để tài năng trẻ Alex Oxlade Chamberlain vào sân ngay từ đầu mà gạt bỏ đi những Walcott hay Downing. Nhưng kể cả thế, ĐT Anh vẫn thi đấu với đậm chất phòng ngự phản công khi chủ động thi đấu nhường sân cho ĐT Pháp để đảm bảo an toàn cho phía khung thành của Joe Hart.

Đội tuyển Anh
Đội tuyển Anh đã dựng nên "chiếc xe buýt hai tầng" trước khung thành Joe Hart

Dù có những lúc các cầu thủ Anh dồn lên ép sân nhưng đó cũng chỉ là một số tình huống tấn công chủ động hiếm hoi của Tam Sư. Còn lại chủ yếu dựa vào tốc độ của hai cầu thủ ở cánh và bộ đôi Ashley Young - Welbeck phía trên. Một điều đáng nói là ĐT Anh trong trận đấu với Pháp lại không thường xuyên sử dụng những pha tạt cánh đánh đầu vốn đã là thương hiệu của bóng đá xứ sở sương mù. Thay vào đó, ĐT Anh thường sử dụng những pha tấn công trung lộ bằng những pha chọc khe, hoặc đẩy bóng ra biên rồi căng ngang. Có lẽ việc đội hình xuất phát không có những tiền đạo sở hữu khả năng chơi bóng bổng tốt khiến HLV Roy Hodgson không sử dụng đến bài bản sở trường của người Anh. Tuy không áp dụng lối chơi bóng bổng nhưng bàn thắng của Tam Sư lại là một pha bóng mang đậm chất Anh, khi Lescott bật cao đánh đầu làm bàn sau pha treo bóng của Gerard.

Thiếu vắng Rooney, những đường bóng của tuyển Anh trong đa số thời gian thi đấu đều tập trung cả về phía Ashley Young và tiền vệ đang chơi cho MU đã thi đấu khá tốt, khi không ít lần khiến hàng phòng ngự Pháp chao đảo. Nhưng có lẽ tấn công bóng ngắn vẫn là bài chưa được sử dụng nhuần nhuyễn của ĐT Anh nên những cơ hội thực sự nguy hiểm được tạo ra không nhiều.

Còn về hàng phòng ngự, nhìn chung ĐT Anh đã hóa giải rất tốt lối chơi của Pháp. Người Anh chủ động dựng nên một "chiếc xe buýt hai tầng" trước khu vực 16m50 trong những tình huống tấn công của ĐT Pháp. Tài năng của Joe Hart cũng đã góp công lớn vào sự vững chãi của hàng phòng ngự Tam sư khi thủ thành này không ít hơn một lần từ chối những tình huống ăn bàn mười mươi của các cầu thủ áo lam. Rõ ràng, HLV Roy Hodgson nên thử nghiệm những phương án bóng bổng nhiều hơn khi hàng công gặp bế tắc.

Pháp: Ưu tiên "nã pháo" từ xa

Đối đầu với Anh, HLV Laurent Blanc đã phần nào đoán ra ý đồ mà Roy Hodgson sẽ sử dụng trong trận mở màn. Pháp hiện đang xây dựng lối chơi bóng ngắn tiqui taca kiểu Tây Ban Nha, nhưng rõ ràng xét về nhân tố con người và sự thành thục thì khả năng xuyên phá hàng phòng ngự của ĐT Pháp khó bì được với Tây Ban Nha. Trong những phút đầu trận, Pháp cũng chủ động thi đấu tấn công ban bật bóng ngắn để tìm đường tiếp cận khu vực trong cầu môn ĐT Anh với sự cơ động của Ribery, khi tiền vệ này rất chịu khó di chuyển tự do quanh khu vực 16m50 của ĐT Anh. Tuy nhiên, việc đụng phải "chiếc xe buýt hai tầng" được các cầu thủ Anh dày công dựng nên đã khiến lối chơi này phá sản.

Nasri
Bàn thắng của Nasri cũng xuất phát từ sự thực dụng của người Pháp

Thừa hiểu rằng nếu không thể thi đấu với lối đá sở trường, Pháp sẽ phải lựa chọn lối đá đơn giản hơn để ghi bàn. Có hai phương án được đưa ra: một là sử dụng những đường tạt bổng, hai là tận dụng những cú sút xa. Phương án tạt bóng không được sử dụng bởi ai cũng biết xét về chơi bóng bổng, các cầu thủ tấn công của ĐT Pháp không thể bì được với hàng phòng ngự cao to lại vốn quen chống bóng bổng của người Anh. Vậy nên phương án sử dụng những cú sút xa được các cầu thủ ĐT Pháp sử dụng triệt để.

Nếu để ý kĩ sẽ thấy các cầu thủ tấn công của ĐT Pháp không cố xâm nhập khu vực vòng cấm của ĐT Anh mà thường phối hợp ngắn trước khu vực 16m50. Một cầu thủ sẽ làm tường để mồi bòng cho đồng đội sút. Bàn thắng của Nasri cũng xuất phát từ một tình huống như vậy. Các cầu thủ tuyển Pháp luôn chủ động tận dụng mọi khoảng không ở khu vực trước vạch vôi 16m50 để tung ra những cú dứt điểm về khung thành của Joe Hart nhưng tài năng của thủ thành đang thi đấu cho Man City đã khiến các chân sút Les Bleus phải nản lòng.

Việc cả hai đội đều thi đấu quá thực dụng khiến trận cầu được coi là tâm điểm của bảng D trở thành nơi của những toan tính chiến thuật đầy thực dụng làm người xem cảm thấy nhàm chán.

  • Như Đạt

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X