(Bongda24h) – Chứng kiến loạt trận khởi động của ĐT Anh dưới triều đại Roy Hodgson, người ta giờ mới hiểu tại sao FA đã chọn Hodgson chứ không phải là một Harry Redknapp được đánh giá là cao tay hơn.
Còn nhớ trong quá trình chạy đua vào ghế HLV trưởng Tam sư thay Capello, HLV Redknapp luôn là lựa chọn hàng đầu. Bản thân ông cũng chưa bao giờ bỏ ngoài tâm trí tham vọng được dẫn dắt ĐTQG, vì có vậy thì Tottenham mới thi đấu sa sút như cuối mùa giải qua. Nhưng rốt cuộc, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, Roy Hodgson lại được chọn thay vì Redknapp.
Quyết định của FA khi đó được lý giải dưới nhiều góc độ, nào là cơ quan quyền hành nhất bóng đá Anh… tiếc tiền (lương dành cho Roy Hodgson dĩ nhiên sẽ không bằng của Redknapp bởi nhà cầm quân của Tottenham vẫn tên tuổi hơn. Đồng thời FA cũng phải mất một khoản tiền đền bù cho Tottenham, trong khi với Roy Hodgson thì con số này bằng 0), nào là HLV Redknapp sẽ không được lòng các trụ cột tại Chelsea như Terry, Ashley Cole, Cahill, Lampard, những người vốn chưa bao giờ ưa thích Tottenham… Hay việc Roy Hodgson từng dẫn dắt ĐT Thụy Sỹ, Phần Lan, thay vì một Redknapp với kinh nghiệm ở ĐTQG là con số 0.
Với bất kỳ đối thủ nào, người Anh luôn có tư tưởng khép mình
Nhưng xem ra, sau trận hòa 1-1 với Pháp thì người ta hiểu rằng, tất cả những nguyên nhân bên trên chỉ là ‘râu ria”. Chuyện cốt lõi nằm ở tư tưởng. Giữa Hodgson và Redknapp có sự phân cực rõ ràng về phong cách huấn luyện cũng như xu hướng tiếp cận trận đấu. Với Redknapp luôn là lối chơi Anh truyền thống “Kick& Rush”, bóng liên tục được triển khai một cách tốc độ hai bên cánh, sự nhịp nhàng, tốc độ và cống hiến luôn được ưu tiên hàng đầu, như phong cách của Tottenham.
Còn Hodgson thì lại là một tư tưởng hoàn toàn khác, cẩn trọng đôi khi đến cầu toàn. Ở tất cả những trận vừa qua, ĐT Anh thể hiện bộ mặt y hệt… West Brom, dù trong tay Hodgson không phải là những Dorrans, Jerome Thomas, Morrison… mà là những cá nhân kiệt xuất của bóng đá nước nhà. Vậy nhưng, ông vẫn bố trí các học trò chơi với tư tưởng thủ là chính. Từ chiến thắng 1-0 trước Nauy, trận hạ gục Bỉ 1-0 và màn chia điểm 1-1 với người Pháp, người Anh chưa bao giờ tấn công dồn dập đối thủ, dù ở cửa trên. Thay vào đó, họ chủ trương lùi về phòng ngự triệt để, ít nhất 8 cầu thủ được bố trí bên phần sân nhà, bóng chỉ được triển khai lên bằng những đường chọc khe bất ngờ hoặc chuyền dài. Tư tưởng đó được áp dụng cho mọi đối thủ, bất kể mạnh hay yếu.
Phong cách của Hodgson là vậy, bất cứ trong bối cảnh nào, an toàn vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu. Dù cho cách suy nghĩ ấy hơi tiêu cực, hơi hèn với một nền bóng đá hùng mạnh như Anh, nhưng ở hoàn cảnh hiện tại, xem ra đó là con đường khả dĩ nhất đưa Tam sư đến vinh quang. Ở mùa giải qua, những Montpellier, Chelsea… đã lên ngôi theo phong cách đó. Hơn nữa, trong tình thế một loạt những trụ cột như Lampard, Barry, Ferdinand, Gary Cahill không thể dự EURO 2012 thì tư tưởng “luôn luôn ngồi chiếu dưới” của Hodgson càng có lý do thuyết phục FA.
Những lần tham gia các giải đấu lớn trước, người Anh luôn mang trong mình lối suy nghĩ trịch thượng, luôn tự vỗ ngực khoe khoang. Nhưng lần này, họ đã vứt bỏ tư tưởng ấy để áp đặt rằng mình chỉ là một đội bóng tầm thường. Vậy, liệu “đội bóng tầm thường” ấy có tạo nên khác biệt ở EURO năm nay?
Minh Minh