Không ít người cho rằng ĐT Nga ở kỳ EURO lần này quá "xuân" khi đều rơi vào những bảng đấu tương đối dễ dàng, từ vòng loại cho đến VCK. Nhưng thật ra, đội bóng của HLV Dick Advocaat có lý do để tin rằng họ có thể lặp lại thành tích 4 năm về trước, nhất là sau trận đại thắng 3-0 trước Italia mới đây.
Tất nhiên, kết quả một trận giao hữu chưa thể nói lên nhiều điều, bởi chỉ vài ngày trước trận thắng Italia, những chú gấu Nga đã gây thất vọng tràn trề khi bị đội nhược tiểu Lithuania cầm hòa 0-0. Tại Zurich, ngoại trừ tình huống phối hợp rất hay trước khi Kerzhakov mở tỷ số bằng một cú volley, hai trong số ba bàn thắng của ĐT Nga xuất phát từ sai lầm đáng trách của hàng phòng ngự Thiên thanh (De Santis, Maggio).ĐT Nga rơi vào bảng đấu được cho là dễ dàng
Nhưng rõ ràng trận thắng này là một cú hích tinh thần cực lớn đối với thầy trò Dick Advocaat trước khi lên đường sang Ba Lan. Vả lại, cũng nên dành những lời ngợi khen cho ĐT Nga bởi ngoài khả năng tận dụng cơ hội rất tốt của hàng tấn công, hệ thống phòng ngự của họ cũng đã hoạt động tương đối hiệu quả. Ngoại trừ tình huống dứt điểm của Balotelli bị Malafeev cản phá ở đầu trận, các hậu vệ Nga hầu như không cho đối phương tạo nên những cơ hội đe dọa khung thành. Trước đó, với vỏn vẹn 4 bàn để lọt ở vòng loại EURO 2012, Nga sở hữu hàng thủ mạnh thứ nhì, chỉ sau mỗi... Italia (2 bàn).
Việc Ba Lan là đồng chủ nhà khiến họ mặc nhiên được xếp vào nhóm hạt giống số 1, và xét về mặt đẳng cấp thì rõ ràng đội bóng của HLV Smuda kém hẳn so với Tây Ban Nha, Hà Lan, và cũng chẳng hơn gì Ukraina. Ở nhóm 2, Nga cũng bị xem là yếu thế hơn so với Italia, Anh, Đức, còn Hy Lạp không được đánh giá cao bằng Croatia, Bồ Đào Nha Thụy Điển tại nhóm 3. Trong khi đó, CH Czech cũng không còn giữ được hình bóng vinh quang ngày nào, và chỉ còn là một đội hạng trung của châu Âu. Với sự hiện diện của 4 đội này, bảng A là một phiên bản trái ngược hoàn toàn với bảng B tử thần, nơi quy tụ Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.
Trong hoàn cảnh phải "so bó đũa, chọn cột cờ", Nga rõ ràng là đội bóng được đánh giá nhỉnh nhất trong số này. Bốn năm trước, họ là một hiện tượng ở EURO 2008 khi lọt vào đến vòng bán kết. Và bây giờ, bộ khung ấy gần như còn nguyên vẹn, trong đó có những ngôi sao từng nằm trong đội hình tiêu biểu ở VCK EURO 2008 như Yuri Zhirkov, Konstantin Zyryanov, Andrei Arshavin và Roman Pavlyuchenko. Ngay cả triết lý bóng đá của họ cũng không có nhiều thay đổi, với Dick Advocaat, đồng hương của Guus Hiddink trên băng ghế huấn luyện.
Trở ngại lớn nhất của ĐT Nga hiện giờ chính là vấn đề tuổi tác khi những trụ cột đều trên dưới 30 tuổi. Cặp trung vệ Ignasevich - Berezutsky có tổng số tuổi là 63. Zyryanov và Semshov đều đã 34. Ngôi sao sáng nhất kỳ EURO trước Andrei Arshavin đã 31 tuổi và không còn giữ được phong độ nữa. Trong đội hình tham dự VCK lần này, Nga chỉ có hai cầu thủ U23 là tiền vệ Dzagoev (22 tuổi) và tiền đạo Koronin (21), nhưng họ đều không nằm trong đội hình chính thức.
Cân bằng và khó lường
Không hấp dẫn như những bảng đấu khác xét trên khía cạnh các ngôi sao, nhưng bảng A lại rất đáng theo dõi bởi sự cân bằng của nó. Nga được xem là nhỉnh hơn tất cả, nhưng không vượt trội so với phần còn lại. Trong khi đó, cả ba đối thủ còn lại của họ đều có thể trở thành những ẩn số, dù không được đánh giá cao.
Hãy bắt đầu từ Ba Lan, đội đồng chủ nhà của VCK. Chỉ xếp hạng 65 thế giới, họ bị nghi ngờ có thể rơi vào trường hợp của Áo hồi năm 2008 (bị loại từ vòng bảng). Trước giải đấu này, Ba Lan cũng chỉ có đúng một lần dự VCK châu lục, vào năm 2008, nhưng đã kết thúc với vị trí 14/16 đội. Việc không phải đá vòng loại cũng là một bất lợi lớn đối với thầy trò HLV Smuda, bởi họ không được cọ xát bằng những trận đấu có tính cạnh tranh cao. Dù vậy, ngoài lợi thế sân nhà, Ba Lan vẫn có thể đặt niềm tin vào một số trụ cột như thủ thành Szczesny của Arsenal hay bộ ba Piszczek - Błaszczykowski - Lewandowski của nhà vô địch Bundesliga Borussia Dortmund.
Những người Czech ưa hoài niệm vẫn chưa thể quên được thế hệ vàng của Poborsky, Berger, Nedved tại EURO 1996, khi họ bất ngờ lọt vào đến tận chung kết. 8 năm sau, đến thế hệ của Petr Cech, Ujfalusi, Jankulovsky, Rosicky, Milan Baros giành vị trí thứ ba tại EURO 2004. Hiện tại, ngoài Cech còn tương đối ổn định, cả Rosicky và Baros đều đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, nhưng dù sao thì kinh nghiệm của họ là không thể xem thường.
Cuối cùng là Hy Lạp, nhà vô địch EURO 2004. Vẫn là phong cách phòng ngự phản công khó chịu, họ lọt vào VCK với 10 trận bất bại (7 thắng, 3 hòa), ghi vỏn vẹn 14 bàn, song cũng chỉ thủng lưới 5 bàn. Đây có lẽ sẽ là giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp nhạc trưởng Giorgos Karagounis, người đã 35 tuổi và khoác áo ĐTQG đến 117 lần. Những trụ cột còn lại như Katsouranis (32 tuổi, 91 trận) và Theofanis Gekas (32 tuổi, 58 trận). Như mọi khi, Hy Lạp không được đánh giá cao, nhưng có thể đó sẽ lại là lợi thế của họ.