Tiếng chuông khai mạc Euro sắp điểm và ngọn cờ chiến thắng liệu sẽ trao về tay đội bóng nào?
Champions League là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng kể cả ở giải đấu số một cấp CLB này, người hâm mộ cũng chỉ thực sự háo hức được 3 tháng khi vòng đấu loại trực tiếp diễn ra. 3 tháng với tổng cộng 7 lượt đấu và 13 trận có thể xem, tính ra trung bình 1 tháng khán giả chỉ xem được có… 4 trận.
Euro hay World Cup thì khác. Trong guồng quay một tháng ăn bóng đá, ngủ bóng đá, người hâm mộ có điều kiện thưởng thức món ăn tinh thần này với cường độ gấp… 10 lần mức bình thường. Không những vậy, đó còn là những cuộc đọ sức ở cấp độ ĐTQG, nơi chiến thắng luôn đi cùng với niềm tự hào dân tộc. Đó cũng là bệ phóng nhanh nhất giúp các ngôi sao tiến gần tới ngôi đền của những huyền thoại.
Nếu xét thuần túy về góc độ giải trí, Euro thậm chí còn hơn World Cup… nhiều lần. Bởi lẽ lục địa già là nơi bóng đá phát triển nhất trên thế giới. Trình độ khá đồng đều giữa các Đội tuyển giúp ngày hội này hiếm khi có một set tennis hay những khúc hát ru không lời.Euro đâu phải là sân chơi riêng của những siêu sao như Ronaldo
Gọi là hiếm nhưng không phải là không có. Đơn cử như 2 trận cầu mở màn Euro 2012 sẽ diễn ra đêm nay, nơi cả 4 cái tên: Ba Lan, Hy Lạp, Nga và CH Czech có “sức đẩy” người xem không nhỏ khỏi vô tuyến truyền hình.
Nhưng nếu chỉ nhìn vào đội hình chẳng có ngôi sao lớn nào của cả 4 đội mà vội tắt tivi thì e là… hơi sớm. Lật lại trang sử ở những kỳ Euro trước, người ta thấy có một điều trùng hợp. Đó là luôn tồn tại ngựa ô trong ngày khai mạc.
Euro 2008 tại Áo và Thụy Sỹ, ngày khai mạc giải diễn ra 2 trận: Thụy Sỹ - CH Czech và Bồ Đào Nha – Thổ Nhĩ Kỳ. Như chúng ta đã biết sau đó, dù không được đánh giá cao nhưng Emre Belözoğlu cùng các đồng đội vẫn đi được tới bán kết.
Euro 2004 tại Bồ Đào Nha, ngày khai mạc giải diễn ra 2 trận: Bồ Đào Nha – Hy Lạp và Tây Ban Nha – Nga. Kết quả là đất nước của những câu chuyện thần thoại đã lên ngôi ngoạn mục ở kỳ Euro năm ấy bằng một lối chơi khoa học và cực kỳ hợp lý.
Đem tương quan 4 đội bóng ra quân đêm nay với những Thổ Nhĩ Kỳ hay chính Hy Lạp 8 năm trước, sự khác biệt là không nhiều. Khả năng xuất hiện ngựa ô từ bảng A chắc chắn là không nhỏ.
Thêm một điều đáng quan tâm nữa, đó là chu kỳ xen kẽ nhau của bóng đá tấn công và bóng đá phòng ngự tại các kỳ Euro. Năm 2008, Tây Ban Nha đăng quang bằng tiqui-taca huyền ảo. 2004 lại là Hy Lạp thực dụng đến tàn nhẫn. 4 năm trước đó, Pháp lên ngôi nhờ đôi chân hoa mỹ của Zidane. Trong khi “cái chết” của pha lê trước sự lạnh lùng của những cỗ xe tăng năm 1996 hẳn chưa một người CH Czech nào dám quên.
Chiếu theo công thức ấy, năm 2012 phải chăng sẽ lại là một năm lùi của bóng đá tấn công? Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan đều rất mạnh nhưng họ lại phạm phải điều cấm kỵ này.
Trong một giải đấu lớn tầm cỡ như Euro, tiếng nói của lịch sử luôn rất quan trọng. Và nếu những chú gấu Nga tự nhiên lột xác trở nên xù xì, hay Hy Lạp bỗng dưng lấy lại cảm hứng viết thêm chương hai của câu chuyện thần thoại thì tất cả cũng đã đều nằm trong tính toán của… tạo hóa cả.
Tiếng chuông khai mạc Euro lúc này chỉ còn đếm bằng giờ. Và ngày khai mạc tưởng chừng nhàm chán hóa ra cũng chưa đến hoàn toàn bỏ phí.
Cũng phải thôi, bởi ngọn cờ chiến thắng đâu phải lúc nào cũng trên mình ngựa ô.
(Theo VTC)